Giải bài toán có lãi trên từng điểm bán

Quỳnh Chi - 07:58, 15/04/2024

TheLEADERCác thương hiệu thực phẩm và đồ uống sẽ hướng tới mở rộng thì trường thận trọng, với chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn.

Giải bài toán có lãi trên từng điểm bán
Các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ sẽ phát triển mạnh trong năm 2024.

Một năm vượt khó của doanh nghiệp F&B

Gặp nhiều trở ngại trong môi trường kinh doanh năm 2023, thị phần doanh thu của chuỗi dịch vụ F&B vẫn tăng trưởng nhẹ 0,2%.

Con số này được đưa ra trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 2023.

Một mặt, một số các ông lớn rời bỏ mặt bằng có vị trí đắc địa như Golden Gate, Phúc Long Coffee & Tea, Highlands Coffee,… nhằm tối ưu lợi nhuận trên từng điểm bán hàng, loại bỏ các chi nhánh không hiệu quả. 

Ở chiều ngược lại, một số chuỗi cửa hàng đã tích cực mở rộng kinh doanh với các mặt bằng đắc địa bị bỏ trống. Các chuỗi F&B vừa và nhỏ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chiến lược nhượng quyền và hợp tác kinh doanh.

Các chủ doanh nghiệp F&B cũng đang đầu tư vào công nghệ để vận hành kinh doanh. Trong đó, kinh doanh trực tuyến đang giúp các cửa hàng F&B có thêm dòng tiền, theo khảo sát mới nhất của iPOS.vn.

Cụ thể, trong danh sách doanh nghiệp sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, 47,9% doanh nghiệp có tỉ lệ doanh thu trực tuyến chiếm từ 25-50% so với tổng doanh thu. Đối với tỉ lệ cao hơn từ 51%, số lượng này chiếm tới gần 10%.

Tuy nhiên, sáu tháng cuối năm 2023 ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về nhu cầu đặt hàng trên các ứng dụng (Food-apps) do ngấm đòn khủng hoảng kinh tế và việc các ứng dụng giao đồ ăn ngừng “đốt tiền”. 

Trong khi đó, số lượng cửa hàng F&B mở mới trên Food-apps gia tăng đáng kể, khiến thị phần kinh doanh bị xé nhỏ và ngày càng cạnh tranh gay gắt.

“Để giữ mức doanh thu tốt, Cơm Thố Anh Nguyễn mất nhiều chi phí hơn để có một đơn hàng. Phần lớn chi phí phát sinh được chúng tôi tập trung cho marketing, đặc biệt là mua quảng cáo ở các vị trí đắc địa trên các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến. Nhìn chung trong năm 2023, doanh thu vẫn giữ ở mức ổn định, nhưng lợi nhuận giảm sút”, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Cơm Thố Anh Nguyễn chia sẻ.

Doanh nghiệp F&B quyết có lãi trên từng điểm bán
Các vấn đề mà doanh nghiệp F&B đang gặp phải trong quá trình vận hành. Nguồn: iPOS.vn

Định hướng kinh doanh F&B của các doanh nghiệp đang dần trở nên rõ ràng với 80,2% đơn vị tham gia khảo sát đã xác định được ưu thế kinh doanh của mình. 

Xét riêng các ưu thế, phần lớn doanh nghiệp cho rằng, chất lượng món ăn được coi là yếu tố tiên quyết để các thực khách đến để trải nghiệm. Phong cách quán độc đáo và không gian đẹp cũng tạo nên điểm nhấn riêng.

"Ngành F&B đang dần đi vào chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, chứ không phải với tư duy: khởi nghiệp là nghĩ tới mở quán ăn uống”, iPOS cho biết.

Dù vậy, vẫn còn 19,8% doanh nghiệp còn lại cho rằng, họ vẫn chưa xác định được điểm cạnh tranh của mình trên thị trường.

“Thị trường luôn thay đổi nên nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ sớm nhận thất bại. Đây là thời điểm đào thải của các nhà kinh doanh không có tính thích nghi. Trên hết, họ đang không tạo ra giá trị cho khách hàng, từ đó không thể cạnh tranh với các thương hiệu mới, hay thậm chí là chính họ của quá khứ”, ông Châu Lê, Chuyên gia vận hành F&B nhận định.

Hơn một nửa đơn vị chia sẻ đang gặp vấn đề thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng trung thành, hay cạnh tranh với các thương hiệu đối thủ. Giữ lửa thương hiệu để thực khách biết tới và quay lại thường xuyên, luôn thường trực trong nỗi lo của các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam.

Các mô hình kinh doanh F&B từ nhỏ tới lớn đều phải đối mặt với tình trạng nhân sự “ra, vào" liên tục, để tìm được người phù hợp. F&B vẫn được đánh giá là ngành phụ thuộc phần lớn vào lao động phổ thông. 

Nhân sự có kiến thức, kỹ năng cao thường ít tham gia vào thị trường dịch vụ ẩm thực, do các chế độ phúc lợi và lương thưởng còn chưa tương xứng.

Theo khảo sát, mức lương tối thiểu cho nhân viên phục vụ khoảng từ 5 triệu đồng/tháng (Full-time), và từ 15 nghìn – 35 nghìn đồng/ giờ (part-time). Mức lương này đã có sự tăng trưởng, tuy nhiên với khối lượng đặc thù của ngành F&B thì chưa đủ hấp dẫn.

Ông Lê Minh Vũ Managing Partner F&B Academy cho rằng, để giải quyết các vấn đề về nhân sự, doanh nghiệp F&B cần phải định hình rõ quy mô doanh nghiệp của mình (hộ kinh doanh cá thể, công ty TNHH, công ty CP,...), từ đó có chiến lược đúng đắn về nhân sự, phù hợp với quy mô và định hướng phát triển để tránh lãng phí tài nguyên nhân sự vốn không còn phong phú.

Điều đáng chú ý được iPOS.vn chỉ ra sau khi khảo sát gần 3.000 doanh nghiệp F&B là 30% trong số đó thừa nhận không gặp các vấn đề lớn trong kinh doanh và vận hành. 

Đây là một tín hiệu hết sức bất ngờ và lạc quan, khi chỉ số này chỉ là 1% vào năm 2022. Các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam dường như đang dần quen với khó khăn và thách thức.

Kim chỉ nam cho 2024

Có lãi trên từng điểm bán chính là kim chỉ nam của nhiều thương hiệu F&B tại Việt Nam trong năm 2024. 

Đặc biệt trong bối cảnh tín hiệu tốt vẫn chưa rõ ràng, các thương hiệu đồ uống sẽ hướng tới mở rộng thì trường thận trọng, với chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn.

Các điểm bán hàng mở mới phổ biến trong năm 2024 sẽ đáp ứng ba tiêu chí: có chi phí đầu tư vừa phải; nằm ở vị trí thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng; giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.

2024 cũng sẽ khó chứng kiến thêm một đợt tăng giá sản phẩm mới. Sau hai năm điều chỉnh, định giá của ngành đồ uống đã tăng trưởng từ 10- 15%. Mức tăng giá này đang vượt qua giá trị của một sản phẩm tiện và lợi mang lại. 

Vì vậy trong năm nay, các thương hiệu đồ uống sẽ có đa dạng chương trình khuyến mãi để kích thích tiêu dùng của thực khách.