Giải bài toán tranh sáng, tranh tối cho vay ngang hàng

Việt Hưng - 09:43, 30/06/2022

TheLEADERTheo các chuyên gia, việc sớm ban hành cơ chế thử nghiệm (sandbox) sẽ giúp hạn chế tình trạng "tranh tối, tranh sáng" trong hoạt động cho vay ngang hàng hiện nay, trong đó, chất lượng dịch vụ và sự minh bạch chính là lời giải hiệu quả nhất.

Tạo thêm kênh tiếp cận tài chính với các đối tượng yếu thế

Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng các công ty có hoạt động cung ứng dịch vụ, giải pháp fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại.

Các fintech được chia thành lĩnh vực khác nhau như: thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân,... Trong đó, số lượng các công ty P2P Lending chiếm tới một nửa, với nhiều đơn vị có nguồn gốc nước ngoài.

Các đơn vị làm dịch vụ cho vay ngang hàng chỉ hoạt động như một sàn giao dịch, đứng giữa làm dịch vụ kết nối người vay, người cho vay. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam thời gian qua, người tiêu dùng không biết đâu là cho vay ngang hàng, mà chỉ gọi chung là vay qua app hoặc qua trang web. Điều này dẫn đến việc nhiều người đã chia sẻ những thông tin đánh đồng việc cho vay qua app, cho vay ngang hàng đều là hình thức lừa đảo trên mạng xã hội.

Theo các chuyên gia tài chính, nếu được quản lý chặt chẽ thì P2P Lending có thể giảm bớt gánh nặng cho tổ chức tín dụng truyền thống và hạn chế bớt tín dụng đen.

Về bản chất, mô hình này phục vụ các khoản vay dưới chuẩn - phân khúc mà các tổ chức tín dụng truyền thống khó có thể đáp ứng hết, do phải tuân theo các điều kiện, quy định rất nghiêm ngặt theo Luật các Tổ chức tín dụng.

Các bên cho vay qua app thường chỉ yêu cầu người dùng gửi chứng minh thư nhân dân, tải app và cho các quyền truy cập. Về sau, họ sẽ dùng danh bạ của khách hàng để đòi nợ theo kiểu quấy rối khủng bố.

Trong khi đó, các sàn kết nối P2P Lending đúng nghĩa rất coi trọng việc quản trị rủi ro, thẩm định đánh giá nhân thân cũng như khả năng trả nợ của người vay. Điều này vừa đảm bảo người vay không bị rơi vào bẫy vay nợ quá đà, cũng như đảm bảo hiệu quả cho vay của những đơn vị cho vay hợp tác với sàn.

Giải bài toán tranh sáng, tranh tối cho vay ngang hàng
Quảng cáo cho vay ở khắp mọi nơi khiến người dùng dễ rơi vào cạm bẫy “Tín dụng đen”

Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng.

Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending nếu được quản lý để phát triển lành mạnh thì có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này.

Lời giải bằng chất lượng dịch vụ và sự tận tâm

Thông thường, nhóm khách hàng khó tiếp cận với khoản vay từ các tổ chức tín dụng truyền thống có xu hướng vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen với ưu điểm là vay nhanh, gọn, nhưng đi kèm chất lượng dịch vụ kém.

Gần đây, nhóm khách hàng này thậm chí còn vay được dễ dàng hơn nữa thông qua việc tiếp cận thêm các ứng dụng cho vay qua app. Tuy nhiên, hệ lụy về sau sẽ nặng nề hơn rất nhiều với cách thức đòi nợ khủng bố của các bên cho vay.

Thấu hiểu điều này, Tima, nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng đầu tiên tại Việt Nam đã chinh phục khách hàng bằng chất lượng và sự tận tâm, thông qua việc đo lường và liên tục tối ưu trải nghiệm khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. 

Trong 7 năm qua, Tima đã và đang đầu tư bền bỉ cho 2 trụ cột chính là nền tảng công nghệ và đội ngũ nhân sự tận tâm trên hành trình thúc đẩy tài chính toàn diện của mình.

Các dịch vụ mà Tima cung cấp được thiết kế để tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ, tối thiểu các "điểm chạm" vật lý trực tiếp và thông tin cần cung cấp ở mức tối thiểu để tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong quá trình tiếp cận khoản vay, cũng như việc cho vay.

Bên cạnh đó, các nhân sự của Tima được đào tạo kỹ càng về văn hoá lấy khách hàng làm trung tâm, minh bạch và tận tâm khi tư vấn giải pháp tài chính tối ưu phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi khách hàng.

Bộ phận chăm sóc khách hàng được thành lập chuyên biệt để tiếp nhận ý kiến đa kênh 24/7 (qua website, ứng dụng, tổng đài…) và được xử lý kịp thời theo quy trình giám sát chặt chẽ. Các chương trình khảo sát đo lường mức độ hài lòng của khách hàng và lấy ý kiến về những điều khách hàng chưa hài lòng được triển khai định kỳ hàng tháng và luôn nằm trong danh sách những việc ưu tiên cần làm của các bộ phận chức năng.

"Bất kỳ mô hình nào cũng có thể sao chép hoặc làm giả, duy chỉ có trải nghiệm tích cực của khách hàng được tích luỹ qua thời gian bởi những con người tận tâm mới có thể tạo nên sự khác biệt", ông Trần Thế Vĩnh - CEO sàn kết nối tài chính Tima bày tỏ.

Giải bài toán tranh sáng, tranh tối cho vay ngang hàng 1
Ông Trần Thế Vĩnh - CEO sàn kết nối tài chính Tima

Cơ hội mới cho các fintech chung tay góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Dự thảo Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong cơ chế thử nghiệm, Ngân hàng Nhà nước phải chọn lọc kỹ, sao cho các công ty tham gia lĩnh vực này phải đúng nghĩa là cho vay ngang hàng, tức là chỉ kết nối bên vay và bên cho vay.

Ngoài ra, công ty phải có địa chỉ rõ ràng, phải có vốn điều lệ nhất định, phải có năng lực và giải pháp sáng tạo để giải quyết hiệu quả các thách thức trong kinh doanh, phải có bộ phận tiếp nhận và xử lý khiếu nại đảm bảo quyền lợi của khách hàng,…

Không để mang danh là kết nối nhưng lại hoạt động tự huy động vốn, tự cho vay, hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích, áp lãi suất "cắt cổ", người vay không trả được nợ thì gây áp lực quấy nhiễu và đòi nợ theo các hành vi phi pháp.

Theo ông Vĩnh, việc ban hành sandbox là một hành động quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các sàn kết nối tài chính hoạt động và tối đa hóa tiềm năng của các đơn vị đầu tư bài bản, nghiêm túc vì lợi ích của người đi vay và người cho vay như Tima.

Trong thời gian chờ đợi cơ quan quản lý ban hành chính thức các quy định pháp lý, ông Vĩnh cho rằng, người dùng cần nâng cao cảnh giác. Cụ thể, các công ty P2P Lending uy tín sẽ không đưa ra lãi suất cắt cổ hàng trăm %/ năm. Họ cũng giải ngân 100% khoản vay của khách hàng mà không bao giờ thu phí trước khi giải ngân, hay không nhập nhèm trong quá trình tư vấn, làm hợp đồng.

"Trước khi vay, khách hàng nên tìm hiểu thêm công ty, địa chỉ trụ sở và các văn phòng, website, giải thưởng công ty đạt được hay hỏi ý kiến những người đã từng vay khác cũng như phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng đã từng nói gì về công ty đó", CEO Tima chia sẻ thêm.