Giám đốc điều hành Stellantis: Chuyển đổi sang xe điện đi kèm nhiều rủi ro

Phạm Sơn - 18:10, 25/01/2022

TheLEADERLãnh đạo tập đoàn xe hơi Stellantis cho biết, chuyển đổi sang xe điện vốn được kỳ vọng đóng góp tích cực vào kế hoạch giảm phát thải nhà kính, tuy nhiên lại đi kèm rủi ro về môi trường và xã hội.

Giám đốc điều hành Stellantis: Chuyển đổi sang xe điện đi kèm nhiều rủi ro
Ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành tập đoàn Stellantis. Ảnh: autonews.

Tại COP26, 6 nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới cùng chính phủ một số quốc gia như Canada, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển… đã đưa ra cam kết sẽ khai tử dòng xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong ở tất cả mọi thị trường vào năm 2040.

Cùng với đó, châu Âu cũng ban hành lệnh cấm xe chạy xăng vào năm 2035. Điều này tạo ra áp lực cho các nhà sản xuất xe hơi cần gấp rút chuyển đổi nhà máy và chuỗi cung ứng để sản xuất xe điện.

Trả lời phỏng vấn một số tờ báo của Pháp, ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành tập đoàn Stellantis nhận xét, sự chuyển đổi vội vã này có thể gây ra rủi ro về mặt xã hội.

Quan điểm này tương đồng với ý kiến của một số nhà sản xuất xe hơi đến từ Nhật Bản khi cho rằng việc thay thế dây chuyền sản xuất xe hơi có thể tổn thương tới thị trường lao động, bởi một số công đoạn có thể trở nên không cần thiết.

Nói về kỳ vọng của ngành công nghiệp xe điện tới môi trường và giảm phát thải, ông Tavares nhận định, xe điện là một lựa chọn giảm phát thải “đắt đỏ”.

Cụ thể, theo ước tính của CEO Stellantis, tại châu Âu, mỗi chiếc xe điện cần phải di chuyển quãng đường tổng cộng 70 nghìn km để bù đắp lượng khí thải carbon phát sinh từ quá trình sản xuất pin. Đây cũng là quãng đường cần thiết để xe điện chính thức ít phát thải hơn so với dòng xe lai (hybrid), tức xe sử dụng cả xăng và điện.

Thực tế, tính bền vững của quá trình sản xuất pin xe điện là một vấn đề đang được nhiều nhà sản xuất lưu tâm. Pin xe điện cần lượng lithium cao gấp 10 nghìn lần so với pin điện thoại thông minh, chưa kể đến nhiều loại khoáng sản khác.

Hiện nay, lithium và một số kim loại cần thiết cho pin xe điện khác như coban đang được khai thác chủ yếu tại Trung Quốc và một số quốc gia đang và kém phát triển. Việc tăng cường khai thác khoáng sản để đáp ứng cho 2,45 triệu xe điện vào năm 2030, theo kịch bản của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới môi trường.

Pin xe điện cũng sẽ bị hao dần theo thời gian, ngay cả khi không sử dụng. Điều đó có nghĩa là khoáng sản cũng bị lãng phí một cách vô ích. Công nghệ tái chế pin được xem là giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Cổ phiếu tập đoàn Stellantis đã tăng hơn 60% trong năm đầu tiên kể từ khi được thành lập dựa trên sự sáp nhập của Fiat Chrysler Automobiles và Peugeot S.A. Điều này được cho là đến từ kế hoạch điện khí hóa trị giá 34 tỷ USD của Stellantis.

Tuy nhiên, ông Tavares vẫn đưa ra nhận xét, điện khí hóa là một lựa chọn mang tính chính trị chứ không phải sự chuyển đổi thực sự trong ngành công nghiệp xe hơi.