Giãn cách xã hội khiến xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn giảm mạnh

Trần Anh - 09:27, 18/09/2021

TheLEADERVĩnh Hoàn cho biết nguyên nhân doanh thu cá tra hao hụt so với tháng 7 do xuất khẩu cá tra và sản phẩm khác suy giảm. Cả thị trường Mỹ, châu Âu và các nước khác đều đi xuống, trong khi chỉ có xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 16%.

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 với tổng doanh thu tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái lên 705 tỷ đồng.

Trong đó, đóng góp chính tiếp tục là mảng cá tra (chiếm trên 67%) vào tổng doanh thu, ghi nhận 477 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ sản phẩm phụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, lần lượt 19% và 27%.

Ngược lại, mảng sản phẩm giá trị gia tăng bị sụt giảm 53% so với cùng kỳ, song đóng góp tỷ trọng khá nhỏ trong tổng doanh thu.

Xét theo thị trường xuất khẩu, trong khi doanh thu xuất khẩu vào châu Âu giảm 29% thì doanh thu vào các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc lần lượt tăng 41% và 24%.

Tuy nhiên, nếu so với tháng 7 trước đó, doanh thu tháng 8 của Vĩnh Hoàn lại sụt giảm 8%. Doanh thu từ mảng cốt yếu là cá tra giảm 14%, doanh thu từ dòng tạp phẩm giảm nhẹ 4%.

Vĩnh Hoàn cho biết nguyên nhân doanh thu cá tra hao hụt so với tháng 7 do xuất khẩu cá tra và sản phẩm khác suy giảm. Bù lại, các mảng sản phẩm phụ, chăm sóc sức khỏe và sản phẩm giá trị gia tăng lại tăng trưởng.

Công ty nhận định tác động của việc giãn cách ở các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động cũng như việc xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang các thị trường. Cụ thể cả thị trường Mỹ, châu Âu và các nước khác đều đi xuống, trong khi chỉ có xuất khẩu sang Trung Quốc tích cực, tăng 16%.

Với công ty con là Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang, doanh thu tháng 8 sụt giảm 34% so với tháng 7, đạt 30,4 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ sản phẩm chủ đạo là phồng tôm giảm 33%, đạt hơn 24,3 tỷ đồng, doanh thu từ các sản phẩm gạo và dòng tạp phẩm lần lượt giảm 39% và 38%.

Trong tháng 8, nhờ nhà máy mới đi vào hoạt động, Sa Giang đã trở thành nhà cung cấp đồ khô (phở, miếng,...) cho Bách Hóa Xanh, khiến doanh thu thị trường nội địa tăng 63%. Trong khi đó, doanh thu từ các thị trường xuất khẩu đi xuống.

Giống như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác, Vĩnh Hoàn cũng đi đầu trong chiến lược “3 tại chỗ”. Mặc dù vậy, hiệu quả của chiến lược này còn hạn chế khi ban lãnh đạo công ty cho biết để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký, các nhà máy của Vĩnh Hoàn đã triển khai "3 tại chỗ" với khoảng 50% số lao động. Trong khi công suất giảm một nửa thì chi phí sản xuất đã tăng đến 40% khiến giá thành sản phẩm đội lên nhiều lần và dòng tiền của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Việc phải giảm công suất chế biến dẫn đến doanh nghiệp không đủ hàng để giao đúng hẹn phải bồi thường hợp đồng hoặc mất luôn khách hàng, không chỉ thiệt hại trước mắt mà còn cả lâu dài. Mặt khác, lượng nguyên liệu đầu vào bị ứ đọng và gây ra hệ luỵ là kích cỡ quá lớn, khi đưa vào sản xuất lại không phù hợp với yêu cầu của thị trường

Trước đó, Vạn Đức Tiền Giang – doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn khác cũng có cùng chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh với Vĩnh Hoàn đã phải tạm dừng hoạt động do tỉnh Tiền Giang thông báo tạm dừng hoạt động doanh nghiệp thực hiện"3 tại chỗ"..