Giữ dòng vốn đầu tư – thách thức lớn của Thanh Hoá

Đặng Hoa - 08:41, 19/05/2022

TheLEADERThu hút được dòng vốn đầu tư đến là một chuyện, việc hiện thực hoá các cam kết và mục tiêu về kinh tế để giữ được dòng tiền ở lại địa phương mới là thách thức lớn đối với những người làm công tác quản trị của tỉnh Thanh Hoá.

Giữ dòng vốn đầu tư – thách thức lớn của Thanh Hoá
Ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Hải Phát

Là một người có kinh nghiệm khảo sát thực địa ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên khắp cả nước để tìm kiếm cơ hội đầu tư, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Hải Phát đánh giá, những bất cập liên quan đến con người là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư phải dè chừng khi nghiên cứu đầu tư vào Thanh Hoá, bên cạnh yếu tố quy hoạch thiếu chiều sâu và chưa đáp ứng đủ nguồn lực.

“Khi làm bất động sản tại Thanh Hóa thì gặp phải văn hóa làm việc cục bộ - nghĩa là chỉ người trong đó mới có thể giải quyết, “đa cầu” tức là phải qua nhiều cầu nối, dẫn tới tình trạng đa chi phí, tốn thời gian, lại thiếu hiệu quả”, ông Duy chia sẻ thẳng thắn trong toạ đàm “Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hoá” do TheLEADER tổ chức.

Đây dường như chẳng phải là tiếng thở dài của một mình ông Duy mà là đại diện cho tiếng nói chung của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kể từ năm 2016 đến 2019, điểm số và thứ hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa liên tục tăng và được xếp trong nhóm khá của cả nước. Nhưng đến hết năm 2020, điểm số PCI Thanh Hóa giảm 1,73 điểm và 4 bậc về thứ hạng.

Bước sang năm 2021, PCI của Thanh Hóa đạt 63,21 điểm, giảm 0,7 điểm so với năm trước đó; xếp thứ 43 toàn quốc, giảm 15 bậc so với năm 2020, thuộc nhóm trung bình. Trong đó, các chỉ số về gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động ghi nhận mức sụt giảm về điểm số. Đánh giá của doanh nghiệp về khả năng ứng phó với Covid, Thanh Hoá cũng xếp thứ 3 từ dưới lên.

Thông tin từ chuyên trang về PCI của VCCI cho thấy, hàng năm, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý với hai nhận định: “sáng kiến hay cấp tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở sở, ban, ngành” và “chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”. Điều này chỉ ra rằng, các nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh sẽ không đạt được kỳ vọng nếu việc triển khai các chính sách, quy định ở cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc cấp huyện không được triển khai, thực hiện có hiệu quả một cách đồng bộ.

“Đây là tình trạng báo động trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển hiện nay”, ông Lê Đình Chung, Phó tổng giám đốc Hải Phát Land nhận định.

Giữ dòng vốn đầu tư – thách thức lớn của tỉnh Thanh Hoá
Thanh Hoá xếp thứ 43 trong bảng xếp hạng PCI 2021

Bất cân trong tứ giác phát triển

Theo nghị quyết 58 Bộ Chính trị định hướng, Thanh Hóa sẽ là trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Thanh Hóa cũng đang hướng tới trở thành cực phát triển mới để cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.

Theo như so sánh của ông Trần Đình Thiên, từ hơn 10 năm trước, Thanh Hoá đã có nhiều lợi thế hơn so với Quảng Ninh ở phía Bắc hay Nghệ An ở miền Trung. Còn nhớ khi lựa chọn 5 khu kinh tế ưu tiên phát triển cho giai đoạn 2013 - 2015 thời ông Bùi Quang Vinh mới lên làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) được chọn dù chưa có sân bay trong khi khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) hay khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) không lọt vào danh sách.

Đến nay, cảng biển Nghi Sơn đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với công suất lớn mà theo nhận định của ông Thiên là có thể cạnh tranh và liên kết ở phía Bắc với Hải Phòng, vượt cả cảng Cái Lân của Quảng Ninh. Cảng biển và sân bay tạo nên sự kết nối và hội tụ, là lợi thế mang tính tuyệt đối.

Đó có lẽ là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Nhưng hút được dòng tiền đến là một chuyện, việc hiện thực hoá các cam kết và mục tiêu về kinh tế để giữ được dòng tiền ở lại địa phương mới là thách thức lớn đối với những người làm công tác quản trị. Hơn nữa, một tứ giác phát triển nhưng mất cân xứng thì khó mạnh và bền.

Trong khi Thanh Hoá “lao dốc” về cải cách so với các địa phương khác thì tỉnh Quảng Ninh giữ vững vị trí ngôi vương PCI suốt 5 năm liền, luôn được doanh nghiệp đánh giá “rất tốt”. Điểm PCI 2021 của Quảng Ninh là 73,02 điểm. Lãnh đạo Quảng Ninh còn khẳng định “không có điểm dừng trên hành trình cải cách”.

Bám sát ngay phía sau, Hải Phòng đã vươn lên để lần đầu tiên dành ngôi á quân trong bảng xếp hạng PCI với 70,61 điểm, xếp trong nhóm “tốt”. 5 năm qua, Hải Phòng đã chú trọng công tác cải cách và dần leo lên thứ hạng cao trên bảng xếp hạng PCI. Từ năm 2019 đến nay, Hải Phòng luôn ở trong nhóm 10 tỉnh thành có vị trí xếp hạng cao nhất.

Cực còn lại trong tứ giác phát triển của phía Bắc là Hà Nội cũng nằm trong Top 10 về PCI suốt 4 năm liền, cũng được xếp ở nhóm “tốt” như Hải Phòng.

Giữ dòng vốn đầu tư – thách thức lớn của tỉnh Thanh Hoá 1
Trong khi ba cực của tứ giác phát triển luôn thuộc nhóm đầu về cải cách thì Thanh Hoá lại thụt lùi

Không hề là những con số vô tri vô giác, PCI, theo lời của ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc ự án PCI, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI từng chia sẻ, là chỉ số đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tới chính quyền địa phương, phản ánh khá toàn diện ý kiến của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Ông cho rằng đánh giá một môi trường kinh doanh tốt không phải nhờ những bản kế hoạch hành động hoành tráng, số lượng văn bản ban hành dày đặc, hay những ngôn từ tốt đẹp, mà phải nhìn từ việc thực hiện từng thủ tục hành chính cụ thể. Đó là điểm trải nghiệm đầu tiên của doanh nghiệp, nhà đầu tư với chính quyền địa phương. Điều này có lẽ Thanh Hoá vẫn chưa làm tốt trong những năm qua, thể hiện rõ trong nhận định của ông Duy từ trải nghiệm thực tế.

Nhà đầu tư đâu chỉ có “đại bàng”

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, việc PCI Thanh Hóa lao dốc là một câu chuyện đáng suy nghĩ, nhưng điều này cũng cần cái nhìn đa chiều.

Ông cho rằng, nguyên nhân sụt giảm có thể do khi bùng nổ, Thanh Hóa “say sưa” với các ông lớn, cải cách bắt đầu chậm đi.

Từ hình ảnh một cô thôn nữ e ấp nơi miền quê ít ai biết đến, Thanh Hoá đang dần chuyển mình thành một cô gái sành điệu, đầy quyến rũ đối với những chàng trai si tình khắp tứ phương. Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, T&T, Flamingo… đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của một mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nơi miền Trung khắc nghiệt.

Thanh Hoá cũng đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển công nghiệp để chào đón các nhà đầu tư. Trong tương lai gần, 19 khu công nghiệp sẽ được bổ sung với diện tích tương đương 5.921 ha, đặt mục tiêu lắp đầy 2,776ha vào năm 2026.

“Khi vị thế lên, người ta dành nhiều sự quan tâm cho doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khác ít được quan tâm, thái độ không còn niềm nở đón tiếp như ngày xưa, và điều này là hoàn toàn khách quan”, ông Thiên nói.

Giữ dòng vốn đầu tư – thách thức lớn của tỉnh Thanh Hoá 2
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nguyên nhân sụt giảm về xếp hạng PCI có thể do khi bùng nổ, Thanh Hóa “say sưa” với các ông lớn, cải cách bắt đầu chậm đi.

Thế nhưng, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, điều cần lưu tâm là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại là doanh nghiệp nhỏ, vừa.

Qua trao đổi với các doanh nghiệp ở Thanh Hoá, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều ý kiến chưa hài lòng.

“Khi một địa phương mời được những doanh nghiệp lớn, những con đại bàng thì tạo ra sự lớn mạnh rất nhanh. Nhưng chúng ta không thể trông chờ những doanh nghiệp lớn, mà vẫn cần hệ sinh thái các doanh nghiệp khác – bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ để hoạt động đầy đủ hơn”, ông Đính nói.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản còn chưa hài lòng về hỗ trợ thủ tục đất đai, chính sách, và trên thực tế các yếu tố của PCI đã thể hiện điều này trong khi một trong những thứ doanh nghiệp cần chính quyền quan tâm là thủ tục tốt, phê duyệt nhanh gọn, đặc biệt là vấn đề tiến độ. Bên cạnh đó là vấn đề tính toán hợp lý, minh bạch, cũng như công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

“Cách tiếp cận của Thanh Hóa cần có điều chỉnh, theo đó quan tâm đến doanh nghiệp lớn nhưng không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp lớn cũng cần đặt hàng với Thanh Hóa về vấn đề minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, thay vì quan hệ thân quen”, ông Thiên nhấn mạnh.

Có thể Thanh Hoá đã có những nỗ lực trong thời gian qua để cải cách nhưng có lẽ là chưa đủ khi để rất nhiều địa phương khác “vượt mặt” và bỏ xa mình ở vị trí thứ 43. Con số này đã dấy lên hồi chuông báo động đối với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trong công tác cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư để thu hút và giữ chân doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn từng nhận định, với những địa phương xếp sau về cải cách, sự thay đổi đầu tiên phải đến từ tính năng động, sáng tạo của chính những người đứng đầu.

Năm 2022, Thanh Hoá lần đầu tiên công bố kết quả bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố (DDCI). Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai DDCI sẽ là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành, địa phương.

DDCI Thanh Hóa sẽ trở thành kênh thông tin tin cậy tiếp nhận những ý kiến đánh giá của doanh nghiệp và trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện quyền chủ động xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh và yêu cầu chính quyền các cấp đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát, tổng hợp các ý kiến đánh giá của doanh nghiệp là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp tỉnh và chính quyền các cấp nhìn nhận được những lợi thế, thách thức cũng như lộ trình cụ thể cải thiện bền vững môi trường đầu tư kinh doanh.