Hà Nội cần 437.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025

Nhật Hạ - 18:59, 02/12/2021

TheLEADERUBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 44 triệu m2 nhà ở trong giai đoạn 2021 – 2025, tương đương với nhu cầu vốn dự kiến là khoảng 437.000 tỷ đồng.

Hà Nội cần 437.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025
Hà Nội dự kiến cần khoảng 437.000 tỷ đồng.

Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 44 triệu m2; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành thành phố đạt 29,5m2 sàn/người.

Trên đây là mục tiêu mà UBND thành phố Hà Nội đặt ra trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 vừa được ban hành.

Theo đó, tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại các khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư, 10% là nhà ở riêng lẻ.

Tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.

Thành phố cũng xác định cụ thể diện tích sàn nhà ở của các phân khúc hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, năm 2021, toàn thành phố phát triển tổng cộng 5.267.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 88.000m2 sàn nhà ở xã hội; 106.000m2 sàn nhà tái định cư; 573.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 nhà ở riêng lẻ.

Năm 2022, phát triển 8.419.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội; 152.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 3.526.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Năm 2023, phát triển 9.514.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 192.000m2 sàn nhà ở xã hội; 88.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.734.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Năm 2024, phát triển 9.696.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 239.000m2 sàn nhà ở xã hội; 92.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.865.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Năm 2025, phát triển 11.104.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 409.000m2 sàn nhà ở xã hội; 122.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 5.992.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Để triển khai kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến nhu cầu vốn là khoảng 437.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách khoảng 5.800,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố khoảng 550,2 tỷ đồng và chi phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng vốn ngân sách thành phố khoảng 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện đầu tư, xây dựng nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở tái định cư…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP. Hà Nội khóa khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, cũng đã thông qua nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến năm 2020, thành phố có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó 34 khu có diện tích đất từ 2ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 (hiện đang tiếp tục rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung).

Hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.

Đề án phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hoàn thành trong quý II/2023 chia làm 4 đợt cụ thể.

Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025; trong đó, lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai; Rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D..., thông tin từ ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Liên quan đến việc phát triển nhà ở, mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri liên quan đến đề nghị thu hồi các dự án đô thị chậm triển khai trên địa bàn huyện và các dự án trong khu công nghiệp Quang Minh.

Thành phố cho biết, trên địa bàn huyện Mê Linh sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô có 51 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5 ha. Có 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong số đó có 3 dự án mới giao chủ đầu tư, chưa được chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư là Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh; Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh; Mở rộng dự án khu đô thị Cienco 5 tại huyện Mê Linh; một dự án chưa được giao chủ đầu tư, đang nghiên cứu lập quy hoạch là Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp.

Có 20 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án với tổng số tiền đã nộp khoảng 678 tỉ đồng, 8 dự án đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền khoảng 252 tỉ đồng, còn nợ khoảng 367 tỉ đồng; 23 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính do chưa có cơ sở quản lý thu.

Về việc thu hồi dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án. Đó là các dự án: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á.

Riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.