Hà Nội có thể sẽ kéo dài giãn cách xã hội đến ngày 6/9

Nhật Hạ - 21:24, 20/08/2021

TheLEADERVấn đề kéo dài giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa (đến ngày 6/9) tại Hà Nội đã được đưa ra tại cuộc họp phòng chống Covid-19 chiều nay.

Hà Nội có thể sẽ kéo dài giãn cách xã hội đến ngày 6/9
Phó bí thư TP. Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại cuộc họp chiều 20/8.

UBND TP. Hà Nội sẽ sớm ban hành công điện mới về việc tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND thành phố, Phó bí thư TP. Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết tại cuộc họp phòng chống Covid-19 của thành phố chiều nay (20/8).

Mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng những ngày giãn cách để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vaccine; nâng cao năng lực y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục khắc phục các hạn chế trong thời gian vừa qua như lượng người ra đường vẫn còn đông khi đang giãn cách xã hội.

“Việc này thành phố đã giao công an thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp và giúp thành phố đưa ra giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa”, ông Phong nêu rõ.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc Covid-19. Trong đó, 1.262 ca ngoài cộng đồng, 1.179 ca ghi nhận trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, 212 ca ghi nhận trong Bệnh viện và 42 ca nhập cảnh. Thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 1.406 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó, 122 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát.

Thành phố cũng đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị. Tính đến 12h ngày 20/8, thành phố còn 99/464 điểm phong tỏa.

Về công tác xét nghiệm, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội nhằm thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Qua đó, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.

Cụ thể, xét nghiệm cho các đối tượng thuộc “nhóm đỏ” (khu vực xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao); “nhóm da cam” (các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… là các khu vực nằm trong vùng nguy cơ); “nhóm xanh” (các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh); lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao.

Đợt 1, ngành y tế đã lấy được 322.925 mẫu, đạt 107,6% kế hoạch, kết quả phát hiện được 29 ca mắc, còn lại âm tính. Đợt 2 lấy được 421.108 mẫu, đạt 48,8% kế hoạch, đã phát hiện 18 ca dương tính, 107.259 mẫu âm tính, còn lại đang thực hiện xét nghiệm.

Hà Nội có thể sẽ kéo dài giãn cách xã hội đến ngày 6/9
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà

Về chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, thành phố đã có 10 đợt phân bổ vaccine với hơn 1,9 triệu liều các loại, trong đó đã tiêm được 1,7 triệu liều. Công nhân tại khu công nghiệp đã tiêm đạt 48,5%.

Hà Nội hiện có 135 cơ sở cách ly tập trung có quyết định thành lập gồm 20 cơ sở do thành phố thành lập, 9 cơ sở trong doanh trại quân đội, công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã, có khả năng tiếp nhận ngay cách ly 42.982 người. Hiện 5.120 người đang được cách ly.

Về việc hỗ trợ người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tính đến ngày 20/8, tổng kinh phí đã chi cho an sinh xã hội là 460 tỷ đồng.

Những ngày gần đây, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cũng đã tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chính sách bằng các hình thức rất đa dạng, thiết thực với gần 30 tỷ đồng. Công đoàn các cấp đã hỗ trợ chăm lo cho hơn 40.000 lượt người lao động với số tiền gần 50 tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Phạm Văn Đại cho biết, lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của TP. Hà Nội sẽ được tổ chức vào đúng 7h30 ngày 5/9/2021, bằng hình thức trực tuyến.

Sau khi dịch bệnh giảm đi, thành phố đã có chủ trương dùng 500 tỷ từ vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, Phó bí thư TP. Hà Nội cho biết.

Về việc cung ứng hàng hóa cho người dân, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đã quyết định trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối của thành phố.

Sau 2 đợt giãn cách, Hà Nội không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, mọi hoạt động mua sắm hàng hóa đều diễn ra bình thường, bà Phương Lan cho biết.

Sở Công thương đã chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng.

Khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh có bị giảm khoảng 10 - 15% do phải đóng cửa, các siêu thị tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố; một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%).

Do đó, hàng hóa thường xuyên dồi dào trong mọi tình huống, giá cả ổn định trừ một số mặt hàng rau ăn lá, bí xanh, thủy hải sản nước mặn tăng nhẹ khoảng 5 - 7%.

Các hệ thống phân phối cũng đa dạng các hình thức bán hàng như bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/7....

Thời gian qua, 2.200 ô tô và trên 9 nghìn xe máy vận chuyển hàng hóa, hơn 14 nghìn shipper đã được cấp mã nhận diện.

Hiện nay, thành phố có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của ViettelPost. Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động.

Đến nay đã có 9 quận đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số quận đã lập nhóm zalo giữa người dân trên địa bàn với các đơn vị phân phối.

Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã đã bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “một cung đường, 2 điểm đến”, công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.

Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp.

“Dù có triển khai các giải pháp nào, biện pháp nào thì thành phố vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa cho người dân. Do đó, người dân yên tâm, không phải mua sắm tích trữ”, bà Phương Lan nhấn mạnh.

Đến nay, thành phố có 32 chợ, 7 cửa hàng tiện lợi đóng cửa để thực hiện truy vết, khử khuẩn. Chợ đầu mối phía Nam mở cửa trở lại từ sáng ngày 17/8, chợ đầu mối Minh Khai mở cửa vào 23h00 ngày 21/8.