Hải Dương tìm đường tiêu thụ vải thiều Thanh Hà mùa dịch

Minh Anh - 20:42, 13/05/2021

TheLEADERHải Dương đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tìm kiếm đối tác, thúc đẩy tiêu thụ vải với doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong bối cảnh ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hải Dương tìm đường tiêu thụ vải thiều Thanh Hà mùa dịch
Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 18/5 tới

Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, hàng năm lượng hàng hóa nông sản của Hải Dương được sản xuất và tiêu thụ với số lượng rất lớn. Nhiều loại nông sản của Hải Dương được sản xuất chuyên canh, tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu như su hào, cà rốt, hành, tỏi, bí xanh, bí đỏ, vải thiều.

Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186ha, hầu hết các diện tích vải Thanh Hà và Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGAP. Trong đó, 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP. Đáng lưu ý, có 520ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 50ha được cấp chứng nhận.

Riêng huyện Thanh Hà - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Hải Dương, năm 2021 có 3.328ha vải, trong đó có khoảng 1.600ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh ước đạt 50-55.000 tấn (vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. 

Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore.

Trước đó, năm 2020, số liệu từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương cho thấy, tổng sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 43.000 tấn, trong đó 23.000 tấn vải sớm khoảng 20.000 tấn vải thiều. Lượng vải tiêu thụ trong nước ước khoảng 50%, còn lại là được xuất khẩu. Tổng giá trị thực tế quả vải năm 2020 đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2019.

Giá bán vải dao động từ 18.000-55.000 đồng/kg tại vườn, giá vải trung bình toàn vụ khoảng 30.000 đồng/kg. Riêng vùng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán luôn cao ổn định từ 30.000-40.000 đồng/kg, cao hơn vải thông thường từ 10-30% cùng thời điếm mua.

Trong nhiều năm gần đây, sản lượng vải Hải Dương xuất khẩu liên tục tăng mạnh. Niên vụ vải 2020, Hải Dương có khoảng 1.600 tấn vải được xuất sang các thị trường khó tính, tăng khoảng 1.400 tấn so với năm 2017 và tăng khoảng 1.000 tấn so với năm 2019. 

Cùng với đó, nhờ làm đẩy mạnh quảng bá sớm từ đầu vụ nên tiêu thụ trong nước cũng thuận lợi và giá vải bán cao hơn so với những năm trước. Khoảng 1.000 tấn vải được tiêu thụ thông qua các hệ thống siêu thị bán lẻ. Đặc biệt, giá vải Thanh Hà – Hải Dương luôn cao hơn vải các nơi khác từ 10.000-15.000 đồng/kg ở cùng thời điểm thu mua.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam nói chung và vải thiều nói riêng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. 

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khi phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng… trong sản phẩm một cách chi tiết, cụ thể và nghiêm ngặt hơn.

Trước thực trạng này, tới đây, UBND tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. 

Sự kiện sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc.

Các điểm cầu trong nước sẽ có sự tham dự của đại biểu các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất, thu mua, kênh phân phối. 

Các điểm cầu nước ngoài sẽ có sự tham dự của các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam (thương vụ) và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng của Việt Nam. 

Ngoài ra còn có nhiều nhà nhập khẩu, một số sàn thương mại điện tử lớn có quy mô hoạt động toàn cầu của nước ngoài, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, các cơ quan đại diện quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, tổng lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí…

Trong xu hướng mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến trên quy mô toàn cầu, vải Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương cũng đã và đang được phát triển thị trường trên nhiều kênh trực tuyến. 

Hội nghị cũng sẽ chứng kiến lễ khởi động “Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử” thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Trong khuôn khổ hội nghị, từ ngày 18-20/5/2021, Bộ Công thương (Cục Xúc tiến thương mại) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương (Sở Công thương Hải Dương) tổ chức chương trình kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp cung ứng vải và nông sản Hải Dương với nhiều đầu mối nhập khẩu tiềm năng trên thế giới. 

Qua đó, nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hải Dương tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng liên doanh, liên kết trong tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế.