Hàng giả nhái càn quét các ngành phân bón, hóa chất, dược phẩm

Quỳnh Như - 10:17, 22/10/2018

TheLEADERTừ thực tế thị trường, các doanh nghiệp cho rằng, một bộ phận những người có chức năng chống hàng giả - hàng nhái lại đang gián tiếp hoặc trực tiếp tiếp tay cho những kẻ xấu thực hiện gian lận thương mại.

Hàng giả nhái càn quét các ngành phân bón, hóa chất, dược phẩm
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và kinh doanh Phân bón Bình Điền II đề xuất nhiều giải pháp chống gian lận thương mại

Tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại lộng hành trong nhiều lĩnh vực chính là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt câu hỏi tại hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – Nguy cơ thách thức và giải pháp" do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Báo Công thương tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.

Các doanh nghiệp trong ngành phân bón – hóa chất cho biết đã sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau nhưng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn tiếp tục lộng hành và có diễn biến hết sức phức tạp.

Đại diện các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự băn khoăn lo ngại về tình trạng này cũng như cách xử lý chậm chạp, chưa rốt ráo của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, trước khi các cơ quan Nhà nước muốn đối phó với những cơ sở sản xuất hàng nhái – hàng giả trong lĩnh vực này, họ cần biết đường đi nước bước trên thị trường như thế nào.

Hiện tại, mỗi năm, nhu cầu phân bón của nông dân Việt Nam vào khoảng 10 - 10,5 triệu tấn, bản thân Vinachem sản xuất khoảng 5 - 5,5 triệu tấn, cả nước sản xuất khoảng 30 triệu tấn, tức là cung hơn cầu gấp 3 lần. Trong tất cả, NPK chính là loại phân bị làm giả nhiều nhất, mỗi năm thị trường được cung cấp sản lượng gấp 5 lần nhu cầu.

Thường thì gian thương sẽ không sản xuất phân giả do có thể bị khép vào tội hình sự, họ hay gian lận thương mại bằng cách ghi nhãn mập mờ (có khi tên thương mại na ná tên nhãn hàng nổi tiếng), làm hàng kém chất lượng – cả hai vi phạm này đều chỉ bị xử lý hành chính. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn mang máy móc đến tận thôn bản trộn hàng kém chất lượng bán xong rồi "cao chạy xa bay".

Lợi nhuận lớn chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất phân NPK phổ biến như hiện nay. Nếu sản xuất đúng hàm lượng chuẩn của phân NPK, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp chỉ vào khoảng 2 - 3% doanh số, muốn lời nhiều hơn thì buộc phải sản xuất hàng kém chất lượng. 

Bên cạnh đó, các nhà phân phối lợi dụng việc nhiều người tiêu dùng thiếu hiểu biết hay có tập quán mua chịu sản phẩm để tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái.

Cuộc chiến chống gian lận thương mại đầy khốc liệt của ngành phân bón – hoá chất Việt Nam
Hàng giả, hàng nhái đang có diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực

Thực trạng này để lại nhiều hệ lụy, đầu tiên, nông dân sản xuất sẽ không đạt hiệu quả còn môi trường sống bị ảnh hưởng xấu; doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng và khó phát triển; ngân sách nhà nước bị thất thu và cuối cùng chiến lược xây dựng ngành phân bón đủ nuôi nền nông nghiệp nước nhà đủ sức cạnh tranh quốc tế thất bại.

Để giải quyết gốc rễ của vấn đề, theo ông Chuyên, cần phải nhanh chóng xây dựng nền công nghiệp 4.0, chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân, nuôi trồng theo nhu cầu thị trường chứ không phải theo phong trào rồi chờ giải cứu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có ngân sách để hỗ trợ cho các nhà sản xuất uy tín phát triển để chống lại hàng kém chất lượng, xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ và xử phạt nặng tính răn đe cả những nhà sản xuất lẫn phân phối hàng gian lận thương mại, bộ phận quản lý thị trường – chốt chặn cuối cùng phải thường xuyên kiểm tra xử phạt cũng như tham gia vào quá trình tố tụng pháp luật nếu gặp trường hợp vi phạm nặng.

Đồng quan điểm với ông Chuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và kinh doanh Phân bón Bình Điền II Lê Quốc Phong cũng lưu ý thêm rằng: các doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào hành động của nhà nước mà hãy tự đề ra các biện pháp để cứu chính mình, giống như Bình Điền đang làm.

Hiện tại, nhờ các mã số trên bao bì, Bình Điền có thể quản lý bán hàng tới từng vùng – khu vực và nhà phân phối. Nếu bà con phát hiện mã số trên bao bì phân bón mình xài của vùng khác, có thể do 2 nguyên nhân: sản phẩm được bán từ vùng này sang vùng khác hoặc nó có vấn đề. 

Ở trường hợp sau, bà con nông dân có thể liên lạc với Bình Điền và công ty sẽ cử nhân viên giám sát thị trường đến, sau đó doanh nghiệp này sẽ mời cơ quan thị trường tới để làm sáng tỏ vụ việc. Nhờ phương cách quản lý trên, bây giờ tình trạng làm giả phân NPK Bình Điền đã bớt đi nhiều.

Ngành ắc quy cũng đang bị gian lận thương mại càn quấy, từ thực tiễn thị trường, đại diện Công ty Cổ phần Ắc quy miền Nam cho biết, gian lận thương mại trong ngành này có 4 hình thức chính.

Thứ nhất, gian lận trong kê khai thuế nhập khẩu bằng cách khai báo giá nhập thấp hơn so với giá thực nhập hoặc giảm số lượng/dung lượng. Thứ hai, gian lận trong bán hàng để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, không xuất hóa đơn và khi khách hàng đề nghị xuất hóa đơn thì kê giá trị chỉ bằng 40 - 70% giá trị thật.

Thứ ba, không bảo đảm chất lượng và bảo hành sản phẩm, ví dụ bình ắc quy 12V-150Ah nhưng thực tế chỉ là bình 12V-135Ah. Thứ tư, không thực hiện nghĩa vụ thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật.

Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chất lượng ắc quy nhập khẩu để đảm bảo chất lượng của sản phẩm đúng trên bao bì và phù hợp các yêu cầu về an toàn, môi trường như đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.

Cơ quan Hải quan cần đánh giá chính xác giá ắc quy nhập khẩu để áp giá tính thuế nhập khẩu. Giá thành ắc quy để tính thuế có thể tham khảo giá của nhà sản xuất trong nước hoặc áp dụng mức đơn giá tính thuế theo trọng lượng hoặc dung lược ắc quy như áp dụng ở các quốc gia khác.

Trong thời gian tới, đặc biệt vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng ắc quy sẽ tăng cao, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại chắc chắn sẽ diễn ra phức tạp – khó lường, do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra – đánh giá”, đại diện Ắc quy miền Nam đề xuất.

Cũng ở trong tình trạng tương tự, các doanh nghiệp trong ngành gas tại Việt Nam đang lao đao lận đận vì tình trạng gian lận thương mại từ các con buôn.

Năm 2018, theo quan sát của ông Tạ Quốc Anh, Phó giám đốc Công ty CP Kinh doanh Khí Miền Bắc, tình trạng chiết nạp gas lậu, chiếm dụng vỏ bình không những không có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng khi nhiều hãng gas/trạm nạp nhiên liệu ngang nhiên thực hiện, trong khi cơ quan chức năng thiếu chế tài để giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để.

Hiện tại, trên thị trường, gas cỏ được sử dụng rộng rãi hơn gas có thương hiệu chân chính. Qua những vụ việc về gian lận thương mại mà ông và cộng sự từng tham gia hay chứng kiến, rõ ràng, một bộ phận người có chức năng chống hàng giả - hàng nhái, gian lận thương mại đang gián tiếp hoặc trực tiếp tiếp tay cho kẻ xấu.

Tình trạng hàng hóa bị làm giả nhái cũng diễn biến khá phức tạp đối với ngành dược phẩm, để hạn chế tình trạng trên, theo ông Võ Hùng Tam, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Dược Hậu Giang, Nhà nước cần xiết lại những quy định về pháp luật cho doanh nghiệp. Hiện tại doanh nghiệp trùng tên vẫn được chấp nhận, điều này có thể khiến khách hàng hiểu nhầm: ví dụ dù đã có cụm tên "CP Dược Hậu Giang" nhưng khi có người khác đăng ký cụm tên "TNHH Dược Hậu Giang" vẫn được pháp luật chấp nhận.

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ nên giảm thời gian thẩm định bảo hộ hàng hoá để vòng đời của sản phẩm được dài hơn nhất là ở mảng dược. Bộ Y tế nên có quy định bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sở hữu trí tuệ, khi ‘cấp visa’ cho bất cứ sản phẩm dược nào lưu hành trên thị trường, bộ cần yêu cầu công ty cung cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ.

Cuộc chiến chống gian lận thương mại đầy khốc liệt của ngành phân bón – hoá chất Việt Nam 1
PGS. TS Đàm Thanh Thế

“Các doanh nghiệp hãy cố gắng xã hội hoá việc chống hàng giả - hàng nhái và gian lận thương mại. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể khiến toàn dân bảo vệ thương hiệu của mình bằng nhiều biện pháp như: treo thưởng khi họ thông báo lúc phát hiện hàng giả… Sau đó, nếu thấy biện pháp của doanh nghiệp nào tốt, Nhà nước có thể áp dụng trên diện rộng”, PGS.TS Đàm Thanh ThếChánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia kết luận.