Nghị lực sống của người phụ nữ trên chiếc xe lăn

Quỳnh Chi - 15:33, 27/04/2021

TheLEADERChị Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc trung tâm Nghị lực sống cho rằng đừng đặt mình trong “chiếc hộp”, hãy dám nghĩ lớn để định vị bản thân, đừng để định kiến bó hẹp giấc mơ của mình.

Nghị lực sống của người phụ nữ trên chiếc xe lăn
Chị Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống

“Giờ đây tôi đã có thể đối diện với người xung quanh, nhìn thẳng vào mắt họ và mỉm cười, dám trả lời khi người khác gọi tên. Trong khi trước đây, tôi luôn giật mình hoảng loạn mỗi lần ai đó gọi tên mình”, chị Vân nở một nụ cười nhìn xuống khán giả là 108 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đầy nghị lực đang chuẩn bị nhận học bổng Thắp sáng tương lai do Deloitte và ACCA đồng sáng lập.

Thông thường, ai cũng mang trong mình những nỗi sợ khó vượt qua. Là một người khuyết tật, chị Vân từng phải đối mặt với rất nhiều nỗi sợ. Chị sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ không có ai bên cạnh…

Rồi chị tập đối mặt với từng nỗi sợ. “Khi biết mình bị cảm xúc đánh lừa thì chúng ta sẽ có thể vượt qua nỗi sợ và mạnh mẽ hơn, để có kinh nghiệm vượt qua mọi khó khăn”, chị Vân nói.

Có những sinh viên ngồi dưới hàng ghế khán giả trong buổi chia sẻ sinh ra chịu cảnh mồ côi cha, mồ côi mẹ, có em phải lớn lên chứng kiến từng người thân lần lượt qua đời vì HIV hay suốt ngày chịu cảnh đòn roi từ người bố rượu chè, nghiện ngập… Dù phải đối mặt và tìm cách vượt qua nghịch cảnh, các em vẫn học tập tiến bộ, nỗ lực vượt khó, tự tin hơn mỗi ngày, đạt thành tích học tập cao hơn qua từng học kỳ, niên khoá.

Chị Thảo Vân và các sinh viên trong quỹ học bổng Thắp sáng tương lai là những minh chứng rõ nét cho một câu nói mà bà Hà Thu Thanh, chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, Chủ tịch quỹ học bổng Thắp sáng tương lai đã nhấn mạnh: “Sức khoẻ là hữu hạn trên cơ thể vật lý nhưng ý chí và năng lượng luôn là vô hạn”.
Giám đốc trung tâm Nghị lực sống: Nỗi sợ chỉ là cảm xúc
Chị Vân cùng các em sinh viên nhận học bổng Thắp sáng tương lai

Sinh ra ở một vùng quê của tỉnh Nghệ An với căn bệnh teo cơ tuỷ sống, cuộc đời của chị Vân gắn với chiếc xe lăn nhưng chưa bao giờ chị đầu hàng số phận. Học hết lớp 9, dù quyết định nghỉ học ở trường nhưng chị vẫn tiếp tục dành thời gian tự học tiếng Anh và tin học. Chỉ sau ba tháng, chị thành thạo tin học văn phòng và mày mò thêm về thiết kế đồ hoạ.

Hè năm 15 tuổi, chị xin bố mẹ cho tự lập bằng cách chuyển ra ngoài tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Từ Nghi Lộc, chị chuyển sang huyện Diễn Châu (Nghệ An) sinh sống và mở một quán Internet do chị trực tiếp quản lý. Quán nằm ngay cạnh trường cấp 3 của huyện nên ngày ngày nhìn học sinh đến trường, chị cũng rạo rực với ước muốn được học hành.

Kinh doanh quán Internet được một thời gian, chị giao cho anh trai quản lý để bắt đầu tìm kiếm một hành trình mới.

Một ngày, thầy hiệu trưởng của trường gặp chị. Thầy khuyến khích: "Em nên xem xét việc quay trở lại trường học. Thầy sẽ miễn phí tiền học cho em, nếu em không đi được thầy sẽ bảo các bạn đến đón em".

Nhờ những động viên và khuyến khích của thầy cùng sự giúp đỡ của bạn bè, chị đã hoàn thành chương trình lớp 12 một cách trọn vẹn.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị muốn biết ngoài ngôi làng Nghệ An có gì. Chị quyết định khăn gói vào miền Tây. Nhưng đến nơi, chị thấy bản thân mình không phù hợp với nhịp sống quá chậm và an yên. Chị nghĩ rằng nơi này sẽ chỉ hợp với người mang tâm thế hưởng thụ.

Chị lại cất công lên TP. HCM nhưng thấy Sài thành quá năng động so với chị. Chị muốn một nơi có nhịp sống chậm nhưng vẫn có chút bình an. Chị lại thích cái thời tiết bốn mùa, có nóng có lạnh, có mưa có nắng.

Chị quyết định bắt xe ra Hà Nội và gắn bó với mảnh đất thủ đô. Những ngày đầu lập nghiệp của chị ở Hà Nội rất khó khăn vì chị không biết đến quỹ hay tổ chức nào dành cho người khuyết tật. Chị cảm thấy “lạc loài”, một mình tìm cách bắt xe buýt đi tìm phòng trọ và kiếm việc làm. Phải mất tới mấy tháng chị mới tìm được việc, bắt đầu ở một công ty Việt Nam sau đó chuyển sang làm cho một công ty Đan Mạch.

Sau khi bôn ba nhiều nơi thấy Hà Nội là nơi dễ tìm việc hơn cả, chị đưa hàng chục người có chung hoàn cảnh từ Nghệ An ra Hà Nội, giúp họ tìm việc làm. Từ một nhóm nhỏ, chị cùng anh trai và một số người bạn thân thiết mở ra Trung tâm Nghị lực sống. Dựa vào kiến thức và kinh nghiệm với tin học, họ đào tạo tin học, kỹ năng sống và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật.

Đến nay, trung tâm đã đào tạo cho hơn 1.300 người khuyết tật, tỷ lệ xin được việc khoảng 80 - 90%. Trong khoá đào tạo mới đây nhất, có 59/65 người đã xin được việc chỉ sau 5 tháng đào tạo.

Đôi khi mình chẳng cần đấu tranh cho quyền này quyền kia. Chỉ cần nâng cao giá trị bản thân và thành công thì mọi người sẽ theo, sẽ thay đổi. Còn khi mình chưa có gì, không có năng lực thì nói ai nghe.
Chị Nguyễn Thảo Vân
Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống

Theo chị Vân, nhìn thì đơn giản là dạy nghề, là xin việc cho người khuyết tật nhưng khi đã sống, tiếp xúc với họ từng ngày, chị thấy đó là công việc có thể thay đổi tương lai của cả một gia đình.

Từ việc phụ thuộc vào gia đình, không có niềm tin vào cuộc sống, không có niềm tin vào tương lai, những người khuyết tật đã có thu nhập tốt và thay đổi nhiều.

Có những người chưa từng dám mặc váy đã nghĩ đến việc đi mua sắm tặng cho mình một chiếc váy thật xinh mỗi lần nhận lương. Từ người phụ thuộc, họ trở thành trụ cột của gia đình khi gửi tiền về hàng tháng đỡ đần bố mẹ.

“Khi có thể đồng hành cùng các em, nhìn các em thành đạt, đôi khi tôi còn vui hơn chính các em. Ngày đầu tiên các em nhận lương, tôi còn ngóng hơn, tôi đếm từng ngày, từng giờ đến ngày các em được ký hợp đồng lao động”, chị Vân chia sẻ.

Chị cho biết thêm: “Tôi từng có cảm giác đấu tranh rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng, đôi khi mình chẳng cần đấu tranh cho quyền này quyền kia. Chỉ cần nâng cao giá trị bản thân và thành công thì mọi người sẽ theo, sẽ thay đổi. Còn khi mình chưa có gì, không có năng lực thì nói ai nghe. Cần tập trung mục tiêu nhỏ, phát triển ước mơ lớn, tự phát triển bản thân và từ đó chia sẻ cho xã hội”.

Còn biết ơn là còn phát triển

Khi Trung tâm Nghị lực sống đã đi vào hoạt động ổn định, chị Vân mở thêm công ty Imgator chuyên thiết kế đồ họa cho các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài với mục đích có thêm nguồn thu từ kinh doanh để chạy trung tâm. Có hơn 50% trong tổng số hơn 80 nhân viên của Imgator là người khuyết tật. Công ty cũng nhận những người khuyết tật chưa tìm được việc làm vào thực tập.

Trả lời câu hỏi của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, về động lực thôi thúc chị thành lập một doanh nghiệp xã hội khi vẫn đang bận rộn với công việc ở Trung tâm Nghị lực sống, chị Vân nói: “Lòng biết ơn và giá trị cho đi rất quan trọng”.

Theo chị, còn biết ơn là còn phát triển, còn không có lòng biết ơn thì những thứ có được dù lớn cũng sẽ mất đi giá trị. Muốn duy trì được lòng biết ơn đó, chị cho rằng đừng để sự hiển nhiên xuất hiện.

“Tháng này nhận tiền học bổng rất vui, tháng sau nhận cũng vui, tháng sau nữa nhận học bổng thấy vui một chút, tháng sau nữa chậm tiền học bổng thì thấy bức xúc. Điều đó làm mất giá trị bản thân và mất đi kết nối với những người xung quanh”, chị Vân lấy ví dụ.

Chị nghĩ rằng khi đã ổn định được một chút rồi thì cần cho đi và tiếp tục lan toả giá trị, để cho những người đã hỗ trợ, đã đồng hành biết rằng chị không bao giờ quên ơn họ.

Dành lời khuyên cho những người đang trên hành trình phát triển bản thân, chị Vân cho rằng, trước hết, đừng đặt mình trong “chiếc hộp”, hãy dám nghĩ lớn để định vị bản thân, đừng để định kiến bó hẹp giấc mơ của mình.

Tiếp đến là phải là kiên trì vì không kiên trì thì khó đi đến thành công. Đồng thời, mỗi người cũng cần dám thất bại, dám mơ thì cũng phải dám chọn thất bại.

Giám đốc trung tâm Nghị lực sống: Nỗi sợ chỉ là cảm xúc 2
Chị Vân hạnh phúc bên chồng

“Tôi đã trượt 5 lần khi nộp hồ sơ xin học bổng của Chính phủ Mỹ, mãi đến lần thứ 6 mới thành công. Cũng như việc tôi kiên trì “tán” anh Tây, không kiểu này thì kiểu khác, kiểu gì cũng “chốt sale” được”, chị Vân hóm hỉnh chia sẻ. 

Được thành lập từ năm 2012, Thắp sáng tương lai là quỹ học bổng do Deloitte Việt Nam và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) thành lập dựa trên nguồn lực nội tại và sự tự nguyện của hai tổ chức.

Học bổng Thắp sáng tương lai mùa thứ tám năm học 2020 - 2021 đã lựa chọn và trao 108 suất học bổng cho các sinh viên tiêu biểu trong các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán… có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực không ngừng để phát triển bản thân.

Mỗi suất học bổng trị giá 25 triệu đồng, bao gồm tiền mặt, các chi phí học tập và phát triển kỹ năng. Ngoài ra, những sinh viên được nhận học bổng sẽ được tham gia một kỳ thực tập đặc biệt tại Deloitte Việt Nam hoặc các công ty tư vấn kiểm toán và một số ngân hàng lớn, cũng như tham gia các sự kiện giao lưu về kiến thức - kỹ năng - xã hội của Deloitte Việt Nam và ACCA Việt Nam. Trong suốt thời gian thực tập, mỗi sinh viên đều có một người đồng hành (mentors) là những chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm để đào tạo và cố vấn, giúp các em định hình và tỏa sáng giá trị của bản thân.