Hiện thực hoá tầm nhìn về một cường quốc du lịch

Giang Sơn - 18:22, 17/06/2022

TheLEADERNhững doanh nghiệp lớn sẽ đóng vai trò dẫn dắt quá trình phục hồi của ngành du lịch cũng như hiện thực hoá tham vọng biến Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch.

Ít ai để ý rằng cùng thời điểm xuất hiện những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020, một chiến lược phát triển du lịch quốc gia đầy tham vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiến lược du lịch quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch tương đương 130-150 tỷ USD; đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Đại diện một số doanh nghiệp như ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch Tập đoàn Sungroup hay ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch CEO Group cũng bày tỏ khát vọng biến Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch.

Những con số tham vọng và khát vọng này gần như rơi vào quên lãng khi ngành du lịch đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có vì dịch bệnh Covid-19 khiến du lịch trong nước và quốc đều tê liệt suốt hai năm qua.

Khoảng cách giữa tham vọng và thực tế

Dịch bệnh Covid-19 đã thuyên giảm cả trên thế giới và trong nước, Việt Nam cũng đã mở cửa du lịch quốc tế từ giữa tháng 3 vừa qua, đã đến lúc phải tính đến những biện pháp thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch, thậm chí bàn đến những giải pháp căn cơ để dần hiện thực hoá tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới.

Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đều xếp Việt Nam ở thứ hạng cao xét về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, nguồn nhân lực, an ninh – an toàn và cạnh tranh giá. Và trên bảng chỉ số năm 2021 của diễn đàn này, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ khi tăng 8 bậc, từ thứ hạng 60 lên thứ hạng 52, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, để có thể đưa Việt Nam trở thành một trong 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, cũng như có thể đón được số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế khổng lồ như chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2030 đặt ra, Nhà nước cần tháo gỡ những nút thắt quan trọng về cơ sở hạ tầng, chính sách thị thực, nguồn nhân lực và quảng bá. Trong đó, một trong những điều kiện cần và đủ là phải phát triển được hệ thống cơ sở lưu trú và vui chơi giải trí đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch thay vì phát triển du lịch chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên.

Nếu chỉ nhìn số lượng phòng lưu trú trên cả nước hiện nay dễ bị nhầm tưởng có thể đáp ứng được nhu cầu của hàng trăm triệu lượt khách mỗi năm. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước khi xảy ra dịch Covid-19, cả nước có tới 30.000 cơ sở lưu trú với tổng số 650.000 buồng phòng. Mặc dù vậy, phần lớn các cơ sở lưu trú phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng thấp và xuống cấp và thực tế chỉ có khoảng 100.000 buồng phòng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao. Các khách sạn mang thương hiệu quốc tế cũng chiếm tỷ lệ thấp. Chính sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích cao cấp là một trong những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Hiện thực hoá tầm nhìn về một cường quốc du lịch
Việt Nam vẫn thiếu những khu vui chơi giải trí quy mô lớn phục vụ khách du lịch

Nhiều địa phương, thậm chí là những nơi có tiềm năng du lịch rất lớn, chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú cũng như dịch vụ vui chơi giải trí còn nghèo nàn.

Chẳng hạn như ở Bình Thuận, mặc dù từ lâu được ví như “thủ đô resort” nhưng hệ thống cơ sở lưu trú của tỉnh vẫn nghèo nàn và đang bị bỏ lại phía sau khá xa so với những trung tâm du lịch biển của cả nước như Nha Trang hay Đà Nẵng. Toàn tỉnh có 580 cơ sở lưu trú với tổng số hơn 16.400 phòng nhưng có tới 10.700 phòng thuộc các cơ sở nhỏ lẻ, chất lượng thấp. Trong tổng số 4.600 phòng khách sạn được xếp hạng từ 3-5 sao cũng chỉ có 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao với vỏn vẹn 357 phòng, một con số quá khiêm tốn so với hơn 6.000 phòng 5 sao của Đà Nẵng. Thậm chí, số lượng phòng khách sạn cao cấp ở Bình Thuận hiện kém rất xa so với đảo Phú Quốc mặc dù du lịch Phú Quốc mới phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Trong khi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc có sự hiện diện của thương hiệu khách sạn quốc tế danh tiếng như JW Marriott, InterContinental, Sheraton, Best Western, toàn tỉnh Bình Thuận mới chỉ có hai khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu quốc tế là Anatara và Arezai nhưng quy mô nhỏ, và gần đây mới xuất hiện thêm hai thương hiệu mới là Centara và Radisson. Đây cũng là một trong những lý do tại sao số lượng khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận vẫn kém xa Nha Trang và Đà Nẵng. Đó là còn chưa kể đến dịch vụ vui chơi giải trí ở Bình Thuận còn rất nghèo nàn, ngoài nghỉ dưỡng, tắm biển, chơi thể thao biển hoặc trượt đồi cát, hầu như du khách có rất ít lựa chọn khác, đặc biệt là các dịch vụ về đêm hầu như vắng bóng.

Nhìn rộng hơn, hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch ở những địa điểm có tiềm năng du lịch trên cả nước như Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Phú Yên hay Ninh Thuận cũng ở tình trạng nghèo nàn như Bình Thuận. Đơn cử, một địa danh du lịch nổi tiếng như Đà Lạt của Lâm Đồng hiện chỉ có một khách sạn duy nhất mang thương hiệu quốc tế là Mercure và “miền đất lạnh” nay cũng không có những cơ sở vui chơi giải trí quy mô lớn giống như SunWorld ở Phú Quốc và Hạ Long, mặc dù nhu cầu rất lớn từ số lượng khách du lịch nội địa đông đúc.

Muốn tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, hình thành những điểm đến giống như cao nguyên Genting của Malaysia, tổ hợp khách sạn – sòng bài Marina Bay Sands của Singapore, đảo Jeju của Hàn Quốc hay các tổ hợp vui chơi giải trí mô hình Disneyland và Universal.

Để hình thành nên những tổ hợp này, những doanh nghiệp lớn và có tham vọng đóng vai trò rất lớn. Như Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã nhấn mạnh, để ngành du lịch và nền kinh tế phục hồi hiệu quả sau dịch Covid-19 cần có sự vào cuộc tích cực của các tập đoàn trong việc đầu tư khôi phục điểm đến, đa dạng hoá hơn nữa sản phẩm du lịch cũng như cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Ông Khánh kỳ vọng công thức “chính quyền trải thảm đón chào, nhà đầu tư chung vai góp sức làm du lịch” sẽ tạo nên những thiên đường du lịch không kém Hàn Quốc, Singapore.

Kiến tạo những điểm đến

Sự vào cuộc của những doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Sun Group hay Novaland đang làm thay đổi bộ mặt du lịch Việt Nam. Không phát triển sản phẩm đơn lẻ, những doanh nghiệp này đang tiên phong kiến tạo những điểm đến với những sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao, có sức hấp dẫn với du khách quốc tế và trong nước.

Nếu như Sun Group và Vingroup đang phát triển những tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí quy mô lớn ở Nha Trang, Quảng Ninh và Phú Quốc thì Novaland lại “đặt cược” vào Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu, và sắp tới là Lâm Đồng và Thừa Thiên Huế.

Hiện thực hoá tầm nhìn về một cường quốc du lịch 1
Một khu phố thuộc phân khu Tropicana của NovaWorld Hồ Tràm đã hoàn thiện

Tại Bình Thuận, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng quần thể Centara Mirage với hơn 600 biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, Novaland đang phát triển tiếp hai dự án, trong đó phải kể đến NovaWorld Phan Thiết. Với diện tích đất lên tới 1.000ha, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, NovaWorld Phan Thiết không chỉ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của du lịch Bình Thuận mà còn tăng sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Được thiết kế như một thành phố nghỉ dưỡng thu nhỏ, NovaWorld Phan Thiết sẽ cung cấp khoảng 16.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng với loại hình đa dạng, như biệt thự phong cách Florida, biệt thự phong cách Địa Trung Hải, biệt thự phong cách nhiệt đới, biệt thự sân golf, nhà phố thương mại, căn hộ du lịch, các cụm khách sạn mini. Novaland đã thu hút những tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế vào NovaWorld Phan Thiết như Novotel và Movenpick.

Không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú chất lượng cao, NovaWorld Phan Thiết còn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và giải trí dài ngày cho du khách với công viên giải trí chủ đề và công viên nước do một tập đoàn Hàn Quốc vận hành, trung tâm biểu diễn nghệ thuật 7.000 chỗ ngồi, nhà thi đấu tennis tiêu chuẩn ATP 3.500 chỗ ngồi, sân golf 36 hố, thẩm mỹ viện và bệnh viện… Thậm chí, các tàu du lịch có sức chứa hàng nghìn khách cũng có thể ghé vào Bình Thuận nhờ một cầu cảng hiện đại được xây dựng ở phía trước NovaWorld Phan Thiết.

Mô hình NovaWorld như một siêu thành phố nghỉ dưỡng dự kiến được Novaland nhân rộng ra thành một chuỗi ở Hồ Tràm thuộc Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà, Lâm Đồng và Thừa Thiên Huế. Khi đó, khách du lịch sẽ có những trải nghiệm đa dạng ở nhiều vùng miền khác nhau, thời gian lưu trú cũng lâu hơn và có thể chi tiêu nhiều hơn.

Trong khi đó, Sun Group cũng tiếp tục nhân rộng mô hình công viên giải trí SunWorld, với 5 quần thể đã hoàn thành ở Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long, Sapa và mới đây nhất đã khởi công dự án mới trên đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Các quần thể SunWorld nổi bật với hệ thống cáp treo, các khu vui chơi giải trí, khu du lịch tâm linh cùng hệ thống khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp thường được quản lý bởi các tập đoàn nước ngoài như IHG, New World, Accor và Marriott.

Tuy số lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực du lịch chưa nhiều nhưng theo đánh giá của ông Khánh, họ đã mang sứ mệnh người kiến tạo, hình thành lên những khu nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp hàng đầu thế giới, những quần thể nghỉ dưỡng, giải trí quy mô lớn cung cấp hoàn chỉnh các dịch vụ cho du khách từ ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, tham quan… nhằm kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Càng nhiều quần thể du lịch quy mô lớn, Việt Nam càng có cơ hội thu hút thêm nhiều du khách và đường đến mục tiêu trở thành một cường quốc du lịch sẽ ngày càng gần hơn.

Mặc dù vậy, đầu tư các quần thể du lịch quy mô lớn cũng không hề dễ dàng và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này đang gặp không ít thách thức.

Kỳ tới: Hoá giải thách thức đầu tư bất động sản du lịch ở những vùng đất mới