Hộ chiếu vắc-xin chưa thể triển khai

Nhật Hạ - 21:52, 05/05/2021

TheLEADERHộ chiếu vắc-xin chỉ có hiệu quả khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng.

Hộ chiếu vắc-xin chưa thể triển khai
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại buổi họp báo ngày 5/5. Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 5/5, liên quan đến hộ chiếu vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận.

Nhiều ý kiến cho rằng hộ chiếu vaccine có thể được sử dụng chỉ khi miễn dịch chủ động trong cộng đồng đạt được nhờ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vaccine đối với các biến chủng của SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, “không có loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%”, ông Thuấn khẳng định.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu.

Mặt khác, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng.

Trước đó, một số địa phương như Quảng Nam, Phú Quốc đã xin thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine với khách lưu trú ngắn ngày, chơi golf, nghỉ dưỡng trong khu resort, không di chuyển ra ngoài.

Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, cho phép người có "hộ chiếu vaccine" không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19.

Với hy vọng giúp hồi sinh nền kinh tế, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới thúc đẩy mô hình hộ chiếu vaccine, sẽ giúp thúc đẩy ngành du dịch và dịch vụ, mở cửa lại đường hàng không, cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, trên thế giới, hiện vẫn chưa có nhiều quốc gia áp dụng hộ chiếu vaccine do tính hiệu lực bảo vệ của các vaccine phòng Covid-19 hiện nay rất khách nhau và loại vaccine nào được chấp nhận trên hộ chiếu vaccine còn là vấn đề chưa có lời giải. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa có khuyến cáo áp dụng “hộ chiếu vaccine” tại thời điểm này khi người dân di chuyển sang các quốc gia khác.

Hàn Quốc là nước mới nhất chính thức cho biết sẽ cấp “hộ chiếu vaccine” theo hình thức kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, trên đó tích hợp các thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine Covid-19 của người dân.

Trước đó, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đã thông qua kế hoạch này. Đặc biệt, sau rất nhiều bất đồng giữa những nước thành viên, EU cũng đã đi tới nhất trí về việc phát hành “hộ chiếu vaccine”. Dự kiến Nghị viện châu Âu (EP) sẽ phê chuẩn đề xuất về áp dụng “hộ chiếu vaccine” trong phiên họp toàn thể vào tháng 6.

Singapore là một trong số ít quốc gia đang áp dụng hộ chiếu vaccine nhưng cũng mới chỉ thí điểm trên phạm vi rất hẹp, để vừa tham khảo, vừa thăm dò.