Hồ sơ quản trị
Khám phá các trụ cột tạo nên thế và lực của TC Group
Được thành lập và vận hành bởi những nhà kinh doanh khá kín tiếng, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã phát triển tới quy mô của những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Lội ngược dòng
Cuối tháng 10/2024, Công ty CP Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tổ chức lễ xuất khẩu lô xe Hyundai Palisade sang Thái Lan. Hoạt động này nằm trong kế hoạch xuất khẩu hơn 4.000 xe Hyundai sang các nước trong khu vực giai đoạn 2024 – 2025.
Việc một doanh nghiệp từ Việt Nam xuất khẩu ô tô sang Thái Lan là "cú lội ngược dòng" bởi từ trước đến nay, Thái Lan là nước hàng đầu Đông Nam Á về lắp ráp và xuất khẩu ô tô, xe máy, trong đó có xuất khẩu sang Việt Nam chưa không có chiều ngược lại.
“Việc thị trường Thái Lan chấp nhận xe du lịch sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam là một việc có ý nghĩa, khẳng định cho chất lượng sản phẩm của Hyundai Thành Công, và cũng góp phần xây dựng thương hiệu cho xe du lịch sản xuất lắp ráp từ Việt Nam tới người tiêu dùng trong khu vực”, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ tại sự kiện.
Sự kiện lần này cũng đánh dấu hơn 15 năm hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Hyundai Motor trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các dòng xe thương hiệu Hyundai tại Việt Nam.
Mối lương duyên với tập đoàn Hàn Quốc đã góp phần đưa Thành Công từ một đơn vị lắp ráp xe ô tô chuyển mình thành một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành lớn. Năm ngoái, Tập đoàn Thành Công xếp thứ 9 về quy mô trong số 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, theo Bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Thành Công giữ vị trí này.
Bệ phóng từ lắp ráp ô tô
Tập đoàn Thành Công xuất phát điểm là Công ty TNHH Cơ khí Thành Công thành lập năm 1999. Năm năm sau, doanh nghiệp này xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại huyện Đông Anh, Hà Nội với thương hiệu xe tải Thành Công và không lâu sau đó trở thành đại lý chính thức của xe tải DongFeng tại Việt Nam.
Năm 2007, Thành Công đã có 30 đại lý trên khắp cả nước. Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng diễn ra vào năm 2008 khi Thành Công trở thành đối tác chính thức của thương hiệu xe tải nặng Hyundai và một năm sau đó là nhà phân phối độc quyền của xe du lịch Hyundai ở Việt Nam.
Liên doanh Hyundai Thành Công đưa nhà máy sản xuất và lắp ráp vào hoạt động năm 2011 tại khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình và từ đó dần phát triển trở thành một trong những doanh nghiệp lắp ráp và bán xe du lịch lớn nhất Việt Nam, đối trọng lớn của Thaco và Toyota.
Chiến lược của Hyundai Thành Công có nét giống với Thaco, khi bắt đầu bằng việc kết hợp với một hãng xe quốc tế, tiến hành lắp ráp, phân phối, sau đó dần chuyển giao công nghệ để có thể hoàn thiện toàn bộ khâu sản xuất và mở rộng danh mục sang các dòng xe cao cấp hơn.
Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, trong khi Thaco hợp tác với nhiều thương hiệu như Mazda, Peugeout, BMW... thì tập đoàn Thành Công chỉ tập trung vào sản xuất, lắp ráp và phân phối duy nhất các dòng xe của Hyundai.
Ở thời điểm mới lắp ráp, các thương hiệu xe Hàn Quốc chưa phổ biến tại thị trường Đông Nam Á và lép vế trước các dòng xe từ Nhật Bản, Mỹ.
Chiến lược của Hyundai Thành Công tập trung vào các dòng xe du lịch phân khúc thấp, giá rẻ và nhanh chóng gặt hái thành công. Những dòng xe như i10 hay sau này là Accent luôn nằm trong danh sách những xe bán chạy nhất phân khúc.
Đến nay, sau hơn một thập kỷ hợp tác với Hyundai, TC Group đã đủ năng lực, công nghệ kỹ thuật để sản xuất hầu hết các dòng xe thuộc phân khúc thấp đến cận cao cấp của tập đoàn Hàn Quốc.
Thương hiệu xe Hyundai cũng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Thống kê tháng 10/2024 cho thấy, trong top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam, có bốn xe là thương hiệu của Hyundai, gồm Accent, Tucson, Creta và Santafe.
Doanh số đạt đỉnh cao năm 2022 khi bán ra thị trường hơn 81.500 ô tô các loại, ước đạt doanh thu 118.000 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 5 tỷ USD. Tập đoàn nộp ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng.
Quy mô doanh số trên gần ngang ngửa với những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam như Vingroup hay Thaco.
Bước sang năm 2023, khi thị trường ô tô trong nước gặp khó khăn chung, TC Group vẫn duy trì được vị thế khi bán ra được hơn 67.400 xe ô tô các loại.
Riêng xe Hyundai đã vượt qua
Toyota trở thành thương hiệu xe bán chạy nhất Việt Nam với 18,25% doanh số toàn
thị trường.
Tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 1/7/2024, ông Euisun Chung, Chủ tịch điều hành Hyundai Motor Group cho biết Hyundai đang hợp tác rất thành công với một số tập đoàn lớn của Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Thành Công.
“Trong tương lai, Hyundai Motor Group mong muốn sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, sẵn sàng chuyển giao các công nghệ mới, đầu tư các kỹ thuật mới tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu và Việt Nam ngày càng phát triển”, ông Chung chia sẻ.
Những bước tiến thần tốc trong lĩnh vực ô tô giúp TC Group mở rộng nhanh chóng và hình thành nên một hệ sinh thái với hàng chục thành viên hoạt động đa ngành Trung tâm là Công ty CP Tập đoàn Thành Công với người đứng đầu là chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn. Mảng lắp ráp, sản xuất ô tô cũng được gom lại thành một hệ thống mang tên TC Motor.
Đến nay, chuỗi giá trị của TC Motor gần như đã hoàn thiện với đầy đủ các khâu từ sản xuất, phân phối cho đến dịch vụ.
TC Motor vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô. Tháng 11/2022, nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu mở rộng được khánh thành với quy mô 50 ha, công suất 100.000 xe/năm, đưa tổng công suất của Hyundai Thành Công lên 180.000 xe/năm.
Cuối năm ngoái, Tập đoàn Thành Công tiếp tục đề xuất đầu tư tổ hợp sản xuất cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô với tổng mức đầu tư hơn 94,2 triệu USD tại khu công nghiệp Lai Vu, tỉnh Hải Dương.
Đại diện tập đoàn Thành Công cho biết, dự án đi vào hoạt động sẽ thực hiện việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp ô tô, đáp ứng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác, sau nhiều năm trung thành với Hyundai, TC Motor cũng thử nghiệm sang một thương hiệu mới là Skoda đến từ Cộng hoà Séc.
Giữa năm nay, nhà máy tại ô tô Thành Công Việt Hưng tại Quảng Ninh đã chạy thử, chuyên sản xuất, lắp ra dòng xe Skoda, có công suất 120.000 xe/năm. Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu vận hành, nhà máy sẽ lắp ráp các phân khúc SUV và sedan hạng B. Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng sang các dòng xe điện.
Mở rộng sang bất động sản
Thành công với Hyundai trong lĩnh vực ô tô thúc đẩy TC Group hợp tác sâu với các tập đoàn Hàn Quốc sang lĩnh vực bất động sản.
Trên thực tế, TC Group bắt đầu gia nhập lĩnh vực bất động sản từ năm 2012 với dự án có quy mô 5,4ha tại Quảng Nam. Đây là dự án hợp tác với The Shilla Hotels & Resorts, thương hiệu thuộc Samsung và khu nghỉ dưỡng 5 sao mang tên Shilla Monogram.
Đến năm 2017, tập đoàn thành lập Công ty TNHH TCG Land (TC Land) trên cơ sở tái cấu trúc Công ty CP Thành Công E&C và tám công ty khác hoạt động về lĩnh vực đầu tư bất động sản và xây dựng của tập đoàn.
Năm 2018, Thành Công thông qua TC Land đã mua 75% cổ phần trong Công ty CP Đầu tư PV-Inconess, qua đó sở hữu hai dự án rất lớn ở Ninh Bình là tổ hợp du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670ha và dự án khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án này lên tới 472 triệu USD.
Đầu năm 2019, Thành Công và Hyundai E&C đã ký kết biên bản
ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.
Dự án xây dựng lớn đầu tiên của TC Group sau khi chuyển mình chính là tòa nhà biểu tượng làm trụ sở của tập đoàn tại phố Duy Tân, Hà Nội. Tòa nhà văn phòng hàng A nằm ngay trung tâm Hà Nội, được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2019.
Năm 2020, TC Land cho ra mắt hàng loạt dự án bất động sản dưới thương hiệu The Five như The Five Villas & Resort Quangnam Danang, The Five Villas & Resort Ninh Binh và The Five Residences Hanoi.
Sự phát triển mạnh mẽ của mảng bất động sản lại thúc đẩy TC Group Công phát triển thêm mảng dịch vụ - TC Service. Đây là lĩnh vực hỗ trợ nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm từ mảng ô tô và bất động sản. Cứ như thế, hệ sinh thái của tập đoàn Thành Công ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bước chân vào tài chính
Với quy mô doanh thu lớn và nguồn lợi nhuận tích lũy nhiều năm, Tập đoàn Thành Công chọn mảng kinh doanh mở rộng tiếp theo là tài chính.
Năm 2019, Tập đoàn Thành Công đã có bước tiến đầu tiên sang lĩnh vực ngân hàng khi tham gia vào Eximbank. Mặc dù vậy, thương vụ này đã không thành công.
Đến giữa năm 2023, khi Petrolimex thoái vốn khỏi PGBank, Tập đoàn Thành Công nhanh chóng tham gia và trở thành một cổ đông quan trọng của ngân hàng này.
Từ khi có sự xuất hiện của Tập đoàn Thành Công, PGBank nhanh chóng lột xác, thay đổi nhận diện thương hiệu, tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 5.000 tỷ đồng và muốn chuyển trụ sở chính về Thành Công Tower.
Ngân hàng cũng “thay máu” dàn lãnh đạo cấp cao, trong đó, ông Đào Phong Trúc Đại – một nhân sự quan trọng của TC Group - được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng cũng cho biết Tập đoàn Thành Công là một cổ đông quan trọng của PGBank, là đối tác hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Nếu hoạt động tại ngân hàng đòi hỏi sự kín kẽ thì tại lĩnh vực tài chính khác, việc bành trướng của tập đoàn Thành Công diễn ra thoải mái hơn khá nhiều.
Cuối năm 2020, bóng dáng những nhân sự quan trọng của Tập đoàn Thành Công đã hiện diện tại Công ty CP Chứng khoán HVS khi họ nhận chuyển nhượng vốn và tham gia hội đồng quản trị của công ty này.
Một công ty chứng khoán khác là Công ty CP Chứng khoán DSC cũng thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Công. So với HSV, DSC có quy mô lớn hơn nhiều. Năm 2021, công ty tăng vốn “thần tốc” từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 10 vừa qua, DSC chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM. Với mức giá tham chiếu 22.500 đồng/cổ phiếu, mức định giá cho công ty chứng khoán này là hơn 4.600 tỷ đồng.
Thế hệ kế cận
Trong một bức tranh ngày càng lớn, việc điều hành cũng
đòi hỏi nhiều nhân lực hơn và có thể thấy, hoạt động của Tập đoàn Thành Công gắn
bó chặt chẽ với những cá nhân xung quanh chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn.
Các thành viên trong gia đình của ông Tuấn đều giữ các vai trò chủ chốt trong tập đoàn và các công ty thành viên. Đến nay, thế hệ kế cận của Tập đoàn Thành Công cũng đã dần lộ diện và tiếp quản một số vị trí trong tập đoàn.
Gần đây, ông Nguyễn Anh Tú, sinh năm 1998, con trai ông Tuấn đã xuất hiện trong vai trò phó tổng giám đốc tại Tập đoàn Thành Công.
Ông Tú cũng có vai trò trong ba doanh nghiệp trong hệ sinh thái Thành Công gồm Công ty CP Liên doanh ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất mủ cao su lốp Kumho Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất găng tay y tế xanh.
Bên cạnh đó, từ năm 2020, ông Tú đã là Ủy viên HĐQT của Công ty CP Đầu tư PV-INCONESS – thành viên trong mảng bất động sản của Tập đoàn Thành Công.
Giải gôn The Legend Valley Trophy 2024 thành công tại Hà Nam
Giải mã công thức thành công của Vincom Shophouse Diamond Legacy
Vincom Shophouse Diamond Legacy mở ra không gian sống thượng lưu, đẳng cấp bậc nhất và cơ hội kinh doanh vượt trội từ mô hình Vincom shophouse độc đáo.
Hội đồng quản trị chuyên nghiệp: Chìa khóa cho thành công bền vững
Hội đồng quản trị có năng lực, đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cổ đông và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, được xây dựng bởi bốn yếu tố cốt lõi.
Dệt may Thành Công trở lại bất động sản sau thập kỷ 'ngủ đông'
Kỳ vọng vấn đề pháp lý được tháo gỡ cùng nội lực mạnh hơn, Dệt may Thành Công lên kế hoạch tái triển khai dự án bất động sản nghìn tỷ đã ấp ủ một thập kỷ.
Khám phá các trụ cột tạo nên thế và lực của TC Group
Được thành lập và vận hành bởi những nhà kinh doanh khá kín tiếng, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã phát triển tới quy mô của những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Bất động sản nhà ở, bán lẻ hút vốn ngoại
Bán lẻ, nhà ở và nghỉ dưỡng là các lĩnh vực thu hút mạnh dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam thời gian gần đây.
GS. Gurdev Singh Khush: 'Được vinh danh cùng với GS. Võ Tòng Xuân là niềm hạnh phúc đặc biệt'
GS. Gurdev Singh Khush, đồng chủ nhân giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình nghiên cứu và hợp tác với GS. Võ Tòng Xuân để tạo ra những giống lúa mới.
Định hướng tăng trưởng mới của Viettel Post
Ngay từ đầu năm nay, Viettel Post đã công bố chiến lược chuyển mình thành một công ty logistics theo hướng chuyên nghiệp, xanh và hiệu quả.
Quy chế dân chủ: Công cụ thực tiễn hay chỉ là hình thức?
Quy chế dân chủ liệu có thật sự bảo vệ quyền lợi người lao động, hay vẫn chỉ mang tính hình thức? Đâu là giải pháp để xây dựng môi trường làm việc dân chủ?
Áp lực bủa vây gen Z: Doanh nghiệp cần làm gì để giải toả?
Trong kỷ nguyên công nghệ, gen Z đang phải đối mặt với áp lực thành công sớm, liên tục đáp ứng kỳ vọng xã hội và xu hướng sống thay đổi không ngừng.
Gen Z mong đợi gì ở nơi làm việc?
Người lao động thế hệ Z không chỉ tìm kiếm công việc mà đòi hỏi môi trường linh hoạt và cơ hội phát triển bản thân liên tục.