Khát vọng... nuôi hành động doanh nhân

Nhà văn Sương Nguyệt Minh - 08:00, 06/02/2019

TheLEADERNhiều doanh nhân, nhiều công dân có khát vọng và hành động thì cả dân tộc cũng hành động và khát vọng. Đất nước sẽ hóa rồng từ khát vọng và hành động của dân tộc.

Khát vọng... nuôi hành động doanh nhân
Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên

Ở nước ta, văn học một thời nhân vật trung tâm là... người lính. “Hoan hô anh Giải phóng quân. Kính chào anh, con người đẹp nhất. Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất. Sống hiên ngang bất khuất trên đời. Như Thạch Sanh của thế kỷ 20...” (Bài ca Xuân 68). Câu chuyện lịch sử này do tính chất thời đại - thời đại “ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp kiện tướng”.

“Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” là hoài bão, lý tưởng và cũng là khát vọng của thế hệ thanh niên một thời. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Tư duy thời chiến chuyển sang tư duy thời bình. Cả nước cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và thực hiện nền kinh tế thị trường thì mọi sự đã khác. Hiện thực mới - Tư duy mới. Hiện thực mới - Con người mới. Người Việt Nam không chỉ làm công dân của tổ quốc mình, mà còn là... công dân toàn cầu. Trong số chúng sinh ấy, dĩ nhiên có một lớp người xuất hiện mang tên... doanh nhân.

Doanh nhân, lúc đầu còn xa lạ, ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng, xa lạ bởi ngày trước trong xã hội “dĩ nông vi bản” lấy nghề nông làm gốc, trọng nông khinh thương. Thời chiến tranh và thời bao cấp cũng vẫn quan niệm ấy, thậm chí còn bị kì thị hơn. Sau thì quen dần với đời sống xã hội,... xác lập một vị trí vững chắc không thể thay thế. Hình ảnh doanh nhân đẹp dần lên, chứ không phải như cái nhìn một thời đánh đồng ai cũng là con buôn, và còn là mơ ước của đông đảo nhân dân. Có người còn ví doanh nhân thời thương trường giống như người lính thời chiến trường, và là nhân vật trung tâm của văn học, nghệ thuật hôm nay.

Đã có nhiều bài hát ca ngợi doanh nhân thế này:

“Những khát khao và giấc mơ cháy bỏng... Một đời doanh nhân bát cơm ăn dở đắng cay muôn phần, bạc đầu ai hiểu đời doanh nhân. Đời doanh nhân bạc tóc lo toan đói nghèo, lòng chưa trọn với quê hương...”.

Hoặc: “Đời doanh nhân thích độc hành lối đi chưa ai từng đi”’; Hay: “Doanh nhân khát khao và đam mê. Là doanh nhân ta khao khát đem tài năng tạo cơ nghiệp đời. Là doanh nhân ta khao khát kênh đầu tư mở rộng khắp nơi. Là doanh nhân ta góp sức mong Việt Nam mãi mãi đẹp giàu”.

Doanh nhân là nhà quản lý, nhà quản trị, cũng là thủ lĩnh, là lãnh đạo của một doanh nghiệp, một nhóm người ít hay nhiều. Dĩ nhiên, đã cái gì liên quan đến con người là phải huy động lý trí và tình cảm để giải quyết các mối quan hệ, để thành công. Doanh nhân không phải là gian thương, càng không phải là “con buôn”, mà phải là doanh nhân văn hóa. Doanh nhân đã là một tầng lớp cơ bản của xã hội, xứng đáng được tôn vinh và khám phá vẻ đẹp đang khuất lập, tiềm ẩn.

Nửa đầu thế kỷ 20, đất nước ta đã xuất hiện một thế hệ doanh nhân vàng với những tên tuổi: Vua đường thủy Bạch Thái Bưởi, ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà, anh hùng vô đối xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền; rồi những tên tuổi lớn như đại gia bất động sản Hứa Bổn Hòa, các nhà tư sản dân tộc như Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ... rất đáng tự hào.

Những năm đầu thế kỷ 21, đất nước ta cũng kịp xuất hiện một thế hệ doanh nhân mới góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội với những danh tiếng: “Vua bất động sản” Phạm Nhật Vượng (Vingroup), “Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển (Tuần Châu), “Vua ô tô” Trần Bá Dương (Thaco), “Vua cafe” Đặng Lê Nguyên Vũ, “Vua cao su” Đoàn Nguyên Đức, “Vua thép” Trần Đình Long (Hòa Phát), “Vua máy bay giá rẻ” Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjetair)...

Con đường đi đến giàu khủng (nhiều người là tỷ phú đô la) và trở thành doanh nhân mỗi người một hoàn cảnh, một lối riêng, và còn để người đời với thời gian kiểm định phẩm chất, nhưng họ đều có phẩm chất chung rất đang ngợi ca, học tập là... khát vọng lập nghiệp, khát vọng thành công. Khát vọng thành công mới tạo ra dấu ấn. Dấu ấn có thể là lớn nhỏ, nhưng là điểm nhấn, là dấu son đỏ để khẳng định khác người và xác lập thành công. Không có khát vọng, không thành doanh nhân đúng nghĩa. Còn trở thành doanh nhân do may mắn, do chống lưng, thì rất mong manh dễ nát tan đổ vỡ.

Khát vọng... nuôi hành động doanh nhân

Lúc còn sống, doanh nhân quyền lực, nhà sáng chế Steve Jobs - sáng lập viên và là Tổng giám đốc hãng Apple có đến trường đại học danh tiếng Stanford (Mỹ) nói chuyện với sinh viên. Thay vì chúc sinh viên tạo dựng sự nghiệp thành công, ông lại khuyên họ: “Stay hungry. Stay foolish” (Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ).

Khát khao là mong muốn một cách đặc biệt tha thiết. Hoài bão là luôn luôn ấp ủ trong lòng muốn làm những điều lớn lao, tốt đẹp. Khát vọng gần nghĩa với khát khao, với hoài bão, với ước mơ..., đều là mong muốn, nhưng khát vọng ở cấp độ cao hơn mong muốn, với sự thôi thúc mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Dại khờ là hạn chế về trí tuệ, nhựng vụng về, vụng dại về hành vi trong mọi mối quan hệ. Dại khờ theo cách nói của Steve Jobs là không theo kiểu nghĩ thông thường với tính hệ thống, khuôn mẫu, chuẩn mực, mà là không so đo tính toán thiệt hơn, không như kẻ khôn ngoan cân nhắc, giữ mình cho an toàn, sợ mất vốn, sợ đầu tư, rồi để cơ hội, thời vận trôi qua; mà là hành động mạo hiểm, phiêu lưu, thậm chí liều lĩnh dám đối mặt để làm việc lớn.

Nhân loại luôn luôn phát triển trên hành trình vận động không ngừng nghỉ. Rất cần những phát minh sáng tạo vượt thời đại, hoặc ít ra thì cũng phải có những bước đi táo bạo, dũng cảm vượt lên trước thời đại. Con người không có khát vọng, chẳng ước mơ, cứ bình bình, tàng tàng, thậm chí ngủ quên thì sẽ bị thời đại bỏ rơi, bỏ quên, sẽ bị thụt lùi. Không có khát vọng, cũng đồng nghĩa với sợ thất bại, lấy sự an toàn giữa đám đông để giữ mình. Steve Jobs và Bill Gates “dại khờ” đến mức các ông bỏ “ngang xương” đại học để thực hiện cái khát khao của mình là... lập nghiệp, khát khao thành công. Steve Jobs sống những ngày gian nan cùng cực: “Tôi không được ở ký túc xá, vì vậy tôi ngủ ở sàn nhà phòng các bạn, trả vỏ lon Coca để lấy 5 cent mua thức ăn, và đi bộ hơn 10 cây số dọc thành phố vào các ngày chủ nhật để đến ăn một bữa làm phúc hàng tuần của đền Hare Krishna”.

Không có khát vọng, không có ý chí mãnh liệt vượt qua, thì Steve Jobs không có một vương quốc Apple sừng sững ở “Thung lũng Silicon” như bây giờ.

Nhà thuyết trình, doanh nhân nổi tiếng Keith D. Harrell nói rằng: “Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người. Động lực này được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ, để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh.” Không có khát vọng sẽ không có năng lượng. Không có năng lượng sẽ không có gì cả. Người ta nói năng lượng con người ngủ quên đến 95%, chỉ 5% là thức. Có khát vọng sẽ sinh ra đam mê và mới đánh thức được năng lượng của mình đang ngủ quên. Thử hỏi ông doanh nhân thành đạt, thời nhỏ có bao giờ nghĩ mình sẽ là các ông vua bất động sản, vua thép, vua ô tô, vua cao su. Có thể có và cũng có thể không, nhưng khát vọng làm giàu và hành động để thành công thì chắc chắn ông nào cũng tiềm ẩn trong người. Có bột mới gột nên hồ là vậy.

Doanh nhân có khát vọng đi tìm cơ hội, tìm đường đi, chứ không đi tìm sự an toàn.

Con người hơn thế giới động vật là có ý thức và ước mơ. Còn ước mơ, còn hy vọng, nhưng ước mơ sự chở che, hay ban ân của Bụt, Thiên Chúa, Thánh Alla, hoặc gặp bà Tiên, ông già Noel... thì cũng chỉ là ước mơ. 

Rất xa vời, thụ động! Tuổi thơ doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là những ngày trồng ngô bẻ bắp, chăn lợn, gà và nhào đất cùng mẹ đóng gạch. Đi bộ trên con đường đất đỏ lầy lội hơn chục cây số đến trường. Trong giấc ngủ chập chờn, ông cũng mơ gặp Bụt và cũng ước những điều ước như mọi người nghèo khác với miếng cơm mang áo. Song, ông không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Học năm thứ 3 trường Y thì bỏ học, vì thấy mình sinh ra không để cầm dao kéo, bông băng. Không có khát vọng vượt qua ước mơ, mà hành động thì vua cafe không có “Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và Mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn” ở Đắk Lắk và thương hiệu Trung Nguyên vượt xa ra ngoài biên giới.

Donald Trump nói rằng: “Đằng nào thì bạn cũng phải nghĩ. Vì vậy, sao không nghĩ lớn luôn?” Không có khát vọng không bao giờ nghĩ lớn được. 

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được người đời xếp hạng cuối cùng trong bốn người Việt Nam giàu nhất đầu thế kỷ 20 “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”. Nhưng ông lại được nhắc đến tên nhiều nhất, được các học giả, các thần tượng ngưỡng mộ, bởi ông luôn luôn gương cao ngọn cờ dân tộc, và khát vọng cải tạo xã hội với tinh thần “Người Việt Nam đi tầu Việt Nam”. 

Những cuộc đấu li kì cạnh tranh thị phần đầy khát vọng chiến thắng và thành công với các nhà tư bản Pháp, tư bản Hoa là những dấu ấn son đỏ trong lịch sử doanh nhân Việt Nam, rất đáng để các doanh nhân trẻ ngày nay học tập. Người chiến thắng không phải là những người không bao giờ thất bại, mà họ chỉ là người không bao giờ bỏ cuộc. Không bỏ cuộc bởi luôn hành động, luôn hành động bởi luôn hi vọng và khát vọng. 

Người Eskimo ở Bắc Cực lạnh giá luôn luôn chuẩn bị suốt những ngày hè ít ỏi cho mùa đông dài, và luôn sống đầy hi vọng những đêm đông khắc nghiệt triền miên sẽ qua và khao khát mùa hè sẽ lại về. Không có hi vọng và khao khát thì người Eskimo đã bị băng tuyết nhấn chìm mất tăm tích hàng ngàn năm trước.

Khát vọng... nuôi hành động doanh nhân 1
Đất nước sẽ thịnh vượng nhờ những khát vọng và khả năng biến khát vọng thành hiện thực của các doanh nhân

Còn buồn chán gì hơn những người sáng cắp ô đi tối cắp về, năm nay qua năm khác không tiến bộ thêm một chút về chuyên môn. Họ đến cơ quan “cạo giấy” hết 8 tiếng đồng hồ về, sống đều đều, tẻ nhạt, để rồi ngong ngóng cuối tháng nhận đồng lương còm cõi. Sống làng nhàng, ngưng đọng, không có ước mơ, chẳng có khát vọng, thì cuộc đời mới buồn chán làm sao. 

Doanh nhân đầy khát vọng không bao giờ ngưng đọng. Người ta nói: “Doanh nhân có khát vọng là người tạo ra cuộc đời mình; còn người nghèo thì thụ động chạy theo những bất ngờ xảy ra với cuộc sống”. Doanh nhân có khát vọng đi tìm cơ hội, tìm đường đi, chứ không đi tìm sự an toàn.

Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến thế giới loài kiến. Kiến không bao giờ bỏ cuộc. Một con kiến đang hành tiến, nếu bị chặn đường, nó không bao giờ bất lực, đầu hàng, quay lại. Dứt khoát kiến đi tìm một đường đi khác, trèo qua chướng ngại, hoặc chui xuống dưới, hay đi vòng sang bên hông. Chúng không ngừng tìm kiếm một giải pháp khác để vượt qua chướng ngại vật phía trước, không ngừng tìm kiếm đường để đi đến đích.

Nếu không đếm chân bước, thì chỉ đứng mòn mỏi im một chỗ. Dừng lại cũng đồng nghĩa với thụt lùi. Đất nước ta đã có nhiều doanh nghiệp tỷ đô la, những cũng đang có hàng vạn doanh nghiệp đã và đang hoạt động với khát vọng doanh nhân thành triệu phú, tỷ phú đô la. Nhiều doanh nhân, nhiều công dân có khát vọng và hành động thì cả dân tộc cũng hành động và khát vọng. Đất nước sẽ hóa rồng từ khát vọng và hành động của dân tộc. 

Hy vọng, những đại gia, những doanh nhân mới sẽ lại vào tác phẩm văn học nghệ thuật như những nhân vật trung tâm của thời đại.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc san Dấu ấn & Khát vọng