Không được đầu cơ, tăng giá các hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán

Phương Linh - 07:50, 06/02/2021

TheLEADERTheo thông tin từ Bộ Công thương, mặc dù dịp Tết Nguyên đán đang tới gần và dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng trên thị trường, các mặt hàng thiết yếu vẫn được đảm bảo đủ cung, giá cả ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Không được đầu cơ, tăng giá các hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán
Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ

Báo cáo công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổng cục chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.

Bộ Công trương yêu cầu các đơn vị không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh. 

Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas..., Bộ Công thương yêu cầu kịp thời báo cáo ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo 389 địa phương và bộ này để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, tính đến chiều 5/2/2021, tại một số địa phương bùng phát dịch bệnh như Hải Dương, Quảng Ninh, tình hình kinh doanh, dịch vụ rất hạn chế, các siêu thị lượng mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến.

Hàng hoá thiết yếu vẫn cung ứng đủ cho thị trường, giá cả đa số không tăng so với trước thời điểm công bố dịch. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ tết lưu thông chậm do dịch bệnh, sức mua giảm.

Tình hình thị trường tính đến ngày 5/2/2021 vẫn bình ổn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng phòng chống dịch và mặt hàng phục vụ Tết, không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định như khi không có dịch.

Tại Hà Nội, UBND thành phố đã quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước. Tất cả cửa hàng kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, quán game trên địa bàn thành phố đã tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng dịch bệnh. 

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có biện pháp giãn cách, phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; dừng các hoạt động lễ hội, sự kiện có tập trung đông người.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường thành phố vẫn giữ ổn định. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn.

Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ.

Không để xảy ra tình trạng tăng giá khẩu trang, nước sát khuẩn 

Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, không có hiện tượng các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn khan hiếm, tăng giá như trong đợt dịch trước.

Theo đó, Bộ Công thương đã vào cuộc từ rất sớm, yêu các các chuỗi siêu thị lớn chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội.

Đặc biệt, trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, trong đó có khẩu trang vải, nước rửa tay khử khuẩn, để người dân tiếp cận phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.

Qua báo cáo nhanh cho thấy, các chuỗi siêu thị lớn Saigon Coopmart, Vincomerce (bao gồm các cửa hàng Vinmart và Vinmart+), Big C, BRG Retail , Bách Hoá Xanh, Satra, MM Mega Market, AEON, Lotte Mart với gần 3.000 điểm bán hàng sẵn sàng cung ứng đủ cho người dẫn tiếp cận mua sắm khẩu trang vải, dùng cho phòng chống dịch. 

Lượng hàng khẩu trang vải sẵn có và lượng hàng dự trữ lớn. Lãnh đạo Saigon Coop khẳng định sẵn sàng phục vụ đơn hàng khẩu trang vải nhỏ nhất của cá nhân đến đơn hàng lớn của tập thể với giá ưu đãi.

Cũng qua báo cáo nhanh của các chuỗi siêu thị lớn, trong những ngày qua người dân đến mua khẩu trang không nhiều, không xảy ra tình trạng dột biến.

Bộ Công thương khẳng định, trong thời gian tới, bộ này sẽ tiếp tục sát sao chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải lớn đảm bảo nguồn cung ứng, không để xảy ra tình trạng không có khẩu trang vải, nước rửa tay khử khuẩn cho người dân mua, dùng cho phòng chống dịch.