Những tác động lâu dài của Covid-19 tới phát triển kinh tế Việt Nam

Phạm Sơn - 15:38, 14/01/2021

TheLEADERTăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%, mục tiêu năm 2021 đạt 6,5%, nền kinh tế Việt Nam đang chứng minh sức chống chịu phi thường trước cơn biến động. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn đang chờ đợi trên hành trình phục hồi và phát triển.

Những tác động lâu dài của Covid-19 tới phát triển kinh tế Việt Nam
Việt Nam vô cùng thành công trong kiểm soát Covid-19 với "cái giá khiêm tốn về cả con người lẫn chi phí kinh tế".

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng đạt mức 7,4% vào năm 2021 nhờ sự phục hồi trở lại của những nước đang bị suy thoái nặng nề. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức tăng trưởng có thể chỉ đạt hơn 5,4% với những kịch bản xấu về tình hình dịch bệnh.

Kiểm soát tốt đại dịch, nối lại hoạt động xuất nhập khẩu và tăng cường hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công là những yếu tố tạo ra mức tăng trưởng 2,91% của Việt Nam trong năm 2020, con số thấp nhất trong suốt nhiều năm qua nhưng cũng là minh chứng cho “năm thành công nhất trong giai đoạn 5 năm (2016 – 2020)”, theo nhận xét của Thủ tướng Chính phủ.

WB nhận định, Việt Nam vô cùng thành công trong kiểm soát Covid-19 với "cái giá khiêm tốn về cả con người lẫn chi phí kinh tế". Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% vào năm 2021. HSCB còn tỏ ra lạc quan hơn về tiềm năng của quốc gia năng động bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi đưa ra mức dự báo tăng trưởng 7,6%.

Năm 2021 cũng là một mốc thời gian vô cùng quan trọng, đánh dấu bước chân đầu tiên của Việt Nam tiến vào thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm (2021 – 2025), giai đoạn 10 năm (2021 – 2030) với những mục tiêu quan trọng. Thành công năm 2020 sẽ trở thành động lực tinh thần vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục để lại nhiều hệ lụy, đe dọa tới con đường phía trước.

Những rủi ro còn đang hiện diện

Báo cáo của WB nhận định, sau khi đại dịch, xu hướng tiết kiệm, tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài. Tâm lý e ngại, lo sợ cũng tiếp tục làm cản trở đối với những ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn và hàng không.

Năng suất bị suy giảm do tụt giảm đầu tư, vốn con người bị xói mòn do tình trạng thất nghiệp gia tăng cũng là những ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn của Covid-19.

Nhìn từ phương diện quốc tế, đại dịch vẫn còn diễn biến vô cùng phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Các chuyên gia nhận xét, tiềm năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ chịu tổn thương nặng nề nếu đại dịch vẫn còn lây lan và việc phân phối vắc xin không đạt được hiệu quả hay tiến độ như kỳ vọng.

Thực tế, dù đang được kiểm soát tốt, nguy cơ bùng phát đại dịch vẫn hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho đến khi vắc xin được phân phối rộng rãi. Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI cũng nhận định, “bất kỳ sự kiện nào liên quan đến việc thử nghiệm, triển khai, chấp nhận vaccine hay biến thể vi rút có thể tác động mạnh đến đà phục hồi”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cao mức nợ công và rủi ro lạm phát nếu chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế được triển khai kém hiệu quả.

Những rủi ro, thách thức kể trên, cộng với bối cảnh đầy biến động của quan hệ quốc tế có thể gây tổn hại tới tiến trình phục hồi năm 2021 cũng như phát triển trong dài hạn.

Kiên cường để bứt phá

Các chuyên gia WB nhận xét, những thành công của Việt Nam trong năm 2020 đã phần nào minh chứng tính “kiên cường bất chấp những sóng gió toàn cầu”. Tính ổn định vĩ mô và công tác giải ngân đầu tư công tiếp tục là những nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế năm 2021.

Về mặt đối ngoại, thương mại Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích từ những hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia WB, Việt Nam cần tiếp tục duy trì “mục tiêu kép”, vừa phục hồi kinh tế, vừa đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả. Việc nghiên cứu và triển khai vắc xin cần được đặt lên làm mục tiêu hàng đầu trong ngắn hạn.

Về trung và dài hạn, các chính sách tài khóa và tiền tệ cần được rà soát một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính hiệu quả để tránh làm tổn thương ngân sách. Nhiều chuyên gia trong nước cũng đã đưa ra nhận định chính sách hỗ trợ cần đưa ra một cách có chọn lọc, hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm lực và tiềm năng phát triển.

Cùng với đó, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu phát thải, ngăn ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong thời đại mới.