Kiến tạo văn hóa làm việc trao quyền cho thế hệ Z

Balder Tol (*) - 18:51, 10/12/2022

TheLEADERCác không gian chia sẻ tạo ra cơ hội cho thế hệ Z phát triển bằng cách mở rộng mạng lưới và kết nối với mọi người trong nội bộ và bên ngoài công ty.

Kiến tạo văn hóa làm việc trao quyền cho thế hệ Z
Môi trường làm việc linh hoạt

Tại Việt Nam, khoảng 16,1% người lao động trong độ tuổi từ 24 tuổi trở xuống và 16,7% trong độ tuổi từ 25 - 34 tuổi. Đến năm 2025, thế hệ Z (gen Z) sẽ là nhóm lao động đông đảo nhất. 

Do đó, các ưu tiên dành cho nhóm này sẽ được cân nhắc đặt lên hàng đầu tại nơi làm việc. Để thu hút và giữ chân nhân sự trẻ tài năng ở Việt Nam, doanh nghiệp cần xem xét các quan điểm độc đáo của gen Z - thế hệ ưu tiên lựa chọn công ty quan tâm đến giá trị, phúc lợi của người lao động và môi trường làm việc linh hoạt.

Đào sâu vào thế giới công việc mơ ước của gen Z

Thế hệ Z tại Việt Nam coi trọng sự phát triển cá nhân và sự nghiệp như nhau. Theo Anphabe (2022), mục tiêu nghề nghiệp của gen Z đa dạng hơn so với các thế hệ trước với các yếu tố như: thu nhập, phát triển bản thân, mở rộng mối quan hệ, kinh nghiệm, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Nghiên cứu này cũng giải thích xu hướng nhảy việc của gen Z, bởi mong muốn công việc thể hiện giá trị hơn là tính ổn định. Dựa trên các hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, họ muốn tự do thể hiện sự đặc biệt và đa dạng về bản thân và lối sống.

Một báo cáo năm 2022 của Deloitte cũng có kết luận tương tự sau một nghiên cứu trên 23.220 người trẻ thuộc thế hệ Z và Y. Nhân sự trẻ bày tỏ ý muốn làm việc cho những công ty giúp người lao động đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cơ hội học hỏi và phát triển, văn hóa làm việc tích cực, mô hình làm việc linh hoạt và công việc có ý nghĩa.

Ngoài ra, một nghiên cứu về mối quan hệ giữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và sức hút đối với thế hệ Z cũng được doanh nghiệp dành sự chú ý. Cụ thể, ứng viên gen Z cảm thấy thích thú với các dự án tập trung vào các vấn đề xã hội và môi trường như giảm phát thải carbon, cải thiện điều kiện làm việc và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Chuyển đổi văn hóa làm việc: đặt sức khoẻ tinh thần làm trọng tâm

Tác động lâu dài và đáng kể của Covid-19 lên giới kinh doanh buộc các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình làm việc theo phương án làm từ xa. Mặc dù các nhân viên đã quay lại văn phòng trong năm qua, nhưng thường là theo hình thức kết hợp giữa làm việc từ xa và làm việc ở văn phòng – vài ngày trong tuần, thời gian còn lại làm việc tại nhà, hoặc linh hoạt về địa điểm khi cần.

Tháng 5/2022, Cisco công bố báo cáo “Nhân viên sẵn sàng làm việc kết hợp giữa làm việc văn phòng và làm việc từ xa chưa?”, trong đó có 1.050 người Việt Nam tham gia. Kết quả khảo sát ở Việt Nam cho thấy, hơn 3/4 người Việt muốn mô hình làm việc kết hợp trong khi 19% muốn làm việc hoàn toàn từ xa và chỉ 4% muốn ở văn phòng toàn thời gian. 

Ngoài ra, 70% nói rằng chất lượng công việc của họ được cải thiện, 67% cho biết hiệu suất làm việc cũng được cải thiện, 85% nói sức khỏe cảm xúc, tài chính, tinh thần, thể chất và quan hệ xã hội thay đổi tích cực và 89% nói họ tiết kiệm chi phí khi làm việc với hình thức kết hợp.

Mặc dù vẫn có những lo ngại về các vấn đề công nghệ, an ninh mạng, và quản lý vi mô, nhưng nhìn chung mô hình làm việc kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và từ xa là tương lai mà mọi người hướng tới. Do đó, để thu hút và trao quyền cho thế hệ Z, các doanh nghiệp nên cân nhắc về các lựa chọn thời gian làm việc bên cạnh giờ làm việc quen thuộc, như 9 tiếng hoặc 5 tiếng, cho phép nhân viên làm việc trong các khung giờ khác nhau vào các ngày khác nhau dựa trên lượng công việc hàng tuần. 

Ngoài ra, nên quan tâm đến việc có nhiều ngày nghỉ hơn để duy trì năng suất làm việc, đặc biệt khi chế độ làm việc sáu ngày một tuần vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Đây có thể được coi là sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Kiến tạo văn hóa làm việc trao quyền cho thế hệ Z
Ông Balder Tol, Tổng giám đốc khu vực Úc và Đông Nam Á của WeWork

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tính linh hoạt về địa điểm làm việc được nhiều người trẻ Việt Nam đánh giá cao. Họ coi trọng thời gian và số tiền mà họ có thể tiết kiệm khi đi lại và khả năng sống tại các quận, thành phố hay thậm chí là ở các quốc gia cách xa với văn phòng làm việc chính. Các công ty tạo điều kiện linh hoạt cho nhân viên thấy được mức độ gắn kết của nhân viên cao hơn và làm việc vui vẻ hơn.

Nhân viên thích nghi với mô hình làm việc kết hợp văn phòng và từ xa – đặc biệt là thế hệ Z – muốn có trải nghiệm giữa mô hình làm viêc từ xa và tại văn phòng. Bên cạnh đó, họ muốn săp xếp lịch làm việc với đồng nghiệp và người quản lý, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với đời sống cá nhân. 

Do đó, công nghệ là cần thiết để quản lý làm việc từ xa, và người sử dụng lao động nên tiếp cận với công nghệ đó. Có nghĩa là đầu tư vào các phần mềm, phần cứng như máy tính xách tay và thiết bị ghi hình, và lưu trữ đám mây để nhân viên có thể kết nối với nhau và truy cập vào các tệp cần thiết từ bất kỳ thiết bị nào.

Một trong những cách tốt nhất để tạo ra không gian làm việc trẻ trung nơi các nhân viên muốn dành thời gian của mình ở đó là kết hợp với một không gian việc chia sẻ. Với cách này, các doanh nghiệp sẽ nhận được các tiện ích từ dịch vụ này đối với mô hình làm việc kết hợp giữa văn phòng và từ xa, đồng thời tăng hay giảm quy mô dựa trên nhu cầu của nhân viên. Công nghệ quản lý chuyên nghiệp và cơ sở vật chất được thiết kế thoải mái phù hợp với các phong cách và cá tính làm việc khác nhau và các tiện nghi phong phú.

Các không gian chia sẻ này tạo ra cơ hội cho thế hệ Z phát triển bằng cách mở rộng mạng lưới và kết nối với mọi người trong nội bộ công ty và bên ngoài công ty. Thêm vào đó, tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp đa dạng năng lực chuyên môn và xã hội cho phép họ học hỏi với cách vận hành và các bài học có thể áp dụng vào công việc.

(*) Balder Tol là Tổng giám đốc WeWork khu vực Úc và Đông Nam Á