Làm sales và marketing: 'Nhạc nào cũng phải nhảy được'

Hương Xuân - 14:10, 19/11/2017

TheLEADERThời buổi công nghệ, việc quản trị rủi ro rất quan trọng, tuyển dụng giám đốc marketing, giám đốc sales luôn nằm trong top xu hướng tuyển dụng cao.

Làm sales và marketing: 'Nhạc nào cũng phải nhảy được'
Từ trái sang: Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, ông Hoàng Mạnh Thắng, ông Đỗ Kim Dũng, ông Lê Hồng Phúc. Ảnh: Hương Xuân

Tìm được người giỏi, phù hợp với văn hóa công ty vẫn là một bài toán lớn với doanh nghiệp. Tiêu chí nào để hấp dẫn người tài? Tố chất nào giúp cho họ phát huy được sức mạnh của mình?

“60% là trải nghiệm, 20% là kiến thức, 10% mới là hiểu biết về digital”

Đề cập đến thị trường nhân sự cấp cao, trong Đại hội Sales & Marketing toàn quốc 2017, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng nhân sự Talennet, cho biết: “Theo khảo sát, xu hướng tuyển dụng hot nhất tại Việt Nam là bảy ngành nghề: Công nghiệp, ngân hàng, bán lẻ, marketing, sales, khối kỹ sư, tiếp theo nhóm những công ty startup… 

Với những công ty vừa và nhỏ của nước ngoài, họ thường tuyển những bạn sinh viên mới ra trường, trong khi công ty vừa và nhỏ của Việt nam lại thường tuyển những người có kinh nghiệm từ thị trường, tuy nhiên lực lượng này mức độ nhảy việc thường xuyên, vì bên ngoài có quá nhiều lời mời. Một nguồn nhân sự cấp cao mới của thị trường lao động Việt Nam là những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam”.

Khi tất cả mọi thứ đều là công nghệ, nhu cầu tuyển dụng cao hơn, đâu là tiêu chí để thu hút người tài? Bà Quỳnh Phương cho biết: “Với những bạn trẻ, nên đưa ra chương trình phát triển bản thân cho từng bạn. Chia sẻ lợi nhuận và chia sẻ cổ phần với các vị trí cao, đây là điểm hấp dẫn nhất với họ”.

“Môi trường làm việc cũng rất quan trọng khiến doanh nghiệp có giữ được nhân viên hay không. Các bạn trẻ cũng nhìn vào con đường phát triển bền vững của công ty. Lương cho vị trí giám đốc sales và marketing thường chênh nhau khoảng 5 triệu đồng, hiện vị trí marketing đang cao hơn, khoảng 25 đến 30 triệu đồng/tháng. 

Để có được giám đốc marketing giỏi, Samsung đã phải tìm kiếm cực kỳ khó, còn vị trí sales thì dễ dàng hơn. Giám đốc marketing đang rất hot! Top các ngành trả lương khác biệt đầu tiên là hightech, bao gồm cả IBM, tiếp theo là ngành hóa chất, thứ ba là các công ty mua bán thiết bị máy móc…”, bà Phương cho hay.

Nhấn mạnh đến những tố chất mới trong thời đại số của sales và marketing, bà Phương cho biết: “Theo khảo sát trong 10 năm làm công tác tuyển dụng, tôi thấy yêu cầu về sales đã khác, ngày xưa chỉ bán hàng qua hai kênh truyền thống và hiện đại, giờ có thêm digital, phải biết khách hàng là ai, cần tư vấn gì cho khách hàng. Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất để đơn giản hóa vấn đề, từ đó đưa ra hướng giải quyết. 

Cần phải biết khách hàng là ai, trải nghiệm gì qua sản phẩm, hơi nghi ngờ điều gì từ sản phẩm… và phải có khả năng viết ra, phát triển một nội dung bán hàng nào đó. Không còn thời của ý tưởng, tất cả mọi thứ đều phải được thể hiện bằng số, mang lại lợi nhuận bao nhiêu cho doanh nghiệp”.

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện quảng cáo ARTI, người có 26 năm kinh nghiệm trong ngành quảng cáo lại nhấn mạnh tố chất sáng tạo và sự trải nghiệm của người làm marketing.

“Digital tạo ra khác biệt là lượng hóa được khách hàng mục tiêu, trong khi ngành quảng cáo và báo chí không thể làm được điều đó. Tại Nhật Bản, các chương trình truyền hình bắt đầu lượng hóa được khách hàng mục tiêu. Các ngành khác nếu không định lượng được cũng sẽ chết. Vậy người làm marketing cần có khả năng gì?

Khi tuyển dụng, tôi ưu tiên cho người có khả năng viết tốt, được học hành bài bản, có tính sáng tạo, hiểu được sự thật ngầm hiểu trong người tiêu dùng. Còn công nghệ chỉ là phương tiện để ứng dụng. Việc đào tạo con người là cơ bản, đương nhiên phải ưu tiên người trẻ, nhưng phải được học hành tử tế trước khi bước vào digital. 

Khi tôi làm cho Tân Hiệp Phát, phải lặn lộn khắp các thị trường, hiểu ngành nghề, hiểu sản phẩm tường tận, chứ ngồi một chỗ đâu có sáng tạo được. Một nghiên cứu mới đây cho biết 60% là trải nghiệm, 20% là kiến thức, 10% mới là hiểu biết về digital”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Ernst & Young, cũng đồng quan điểm với ông Dũng: “Người làm marketing ngoài chuyện hiểu về quy trình, về văn hóa, ở vị trí này, tôi thường nói với nhân viên “nhạc nào mình cũng phải nhảy được”, đòi hỏi kiến thức sâu rộng hơn ngoài kinh doanh. Làm dâu trăm họ, phải hiểu biết về con người, trải nghiệm càng nhiều càng tốt và biết chọn lọc”.

Xây dựng một doanh nghiệp học tập liên tục

Ông Lê Hồng Phúc, nguyên Giám đốc nhân sự của Samsung chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng một doanh nghiệp học tập liên tục: “Ngành công nghệ cao như Samsung thay đổi rất nhanh, trong quá trình làm việc với Samsung, tôi thấy họ chuẩn bị rất kỹ cho điều này, lấy tiêu chí thay đổi, dẫn dắt thị trường làm chủ đạo." 

Ông Phúc cho biết, sau chức năng nghiên cứu và phát triển, Samsung đầu tư rất nhiều cho marketing và sales, xây dựng cả học viện về sales và marketing để nhân viên được học tập liên tục, nắm bắt những xu hướng mới, giúp họ nhìn nhận thách thức chuyển thành cơ hội chứ không lo lắng. 

"Xu hướng kinh doanh, xu hướng sản phẩm sẽ tạo ra những công việc mới, mất đi công việc cũ, mình là người làm nhân sự, phải giúp họ nhìn ra điều đó để tạo ra công việc mới”, ông Phúc nói.

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ngân sách hạn hẹp, theo ông Phúc, vẫn có thể tạo ra tinh thần học hỏi ở tất cả nhân viên. “Mỗi buổi họp của Samsung không phải chỉ bàn về kinh doanh mà còn kết hợp chủ đề huấn luyện. Những hội thảo chuyên ngành, doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho nhân viên tham gia, chia sẻ lại cho đội ngũ cấp dưới, hãy chuẩn bị kỹ năng học hỏi, vì không ai sinh ra đã giỏi, phải có quá trình học hỏi, hun đúc. 

Các bạn trẻ trong ngành sales và marketing đều bắt đầu từ học mạng online, chúng ta phải trả tiền để học những khóa học cơ bản đó. Các tổ chức tư vấn cũng thường xuyên có chia sẻ về vấn đề của digital”.

Chia sẻ với các bạn trẻ làm thế nào rút ngắn việc trải nghiệm, ứng dụng công việc hiệu quả với ngân sách hạn hẹp, ông Đỗ Kim Dũng cho rằng: “Trải nghiệm không có công thức chung cho mọi người. Bản thân tôi cũng gặp nhiều trở ngại, thua nhiều hơn thắng, phải tự trả giá cho chính mình. Đừng bao giờ sợ vấp ngã. 

Khi còn trẻ tôi làm không công nhiều lắm, sức mạnh là khi bạn sẵn sàng đối mặt với sinh tồn. Bạn phải đi học, rồi về huấn luyện lại nhân viên. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ mà đầy tham vọng, mình eo hẹp ngân sách thì tự mình phải đi bán hàng thôi. Nếu là ông chủ, hãy nghĩ tới khách hàng tương lai là ai, họ sẽ cần gì? Phải bắt đầu thay đổi từ chính bạn, bằng những thay đổi nhỏ nhất, để chuyển đổi ngày mai”.