Lịch sử các thương hiệu gia tộc kinh doanh Việt Nam

Đặng Hoa – Võ Văn Quang (*) - 08:00, 11/11/2019

TheLEADERTrong suốt thời kỳ phát triển doanh nghiệp kể từ thời cận đại đến thế kỷ 20, trải qua chiến tranh, những giai đoạn khó khăn rồi đổi bước sang quá trình đổi mới và hội nhập; bước sang thế kỷ 21, đất nước ta trải qua rất nhiều thăng trầm, tuy nhiên cũng có thể đúc kết lại những gia tộc kinh doanh Việt Nam tiêu biểu dưới góc nhìn toàn cảnh của chuyên gia.

Lịch sử các thương hiệu gia tộc kinh doanh Việt Nam
Nhiều gia tộc kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp cho đất nước

Những ký ức doanh thương từ thời cổ đại

Là một dân tộc có lịch sử lâu đời, người Việt xưa phát triển kinh tế hàng hoá rất sớm ngay từ hậu kỳ Đồ đá mới (Hoa Binh – Neolithic), đến thời Thần Nông đã có nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Xét về lịch sử, không phải Việt Nam không có nền Nông-Công-Thương. Giới nghiên cứu lịch sử gần đây đồng ý rằng câu chuyện về ông Mai An Tiêm - thương gia tiêu biểu trong lịch sử Văn Lang hoàn toàn có thật, nói lên bản lĩnh khai mở thị trường và xây dựng thương hiệu của doanh nhân thời cổ đại.

Bên cạnh đó, những con đường thương mại nổi tiếng thế giới như Con Đường Tơ Lụa phía Bắc và con đường “Trà Mã Cổ Đạo” phía nam đều có dấu ấn sản phẩm và kinh doanh từ nước Việt cổ. Đặc biệt, con đường buôn trà cổ xưa có một nhánh quan trọng kết nối từ Bắc Việt lên biên giới ở huyện Mạn Hảo, xưa thuộc tỉnh Cao Bằng (Đại Nam), nay thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Hoa); sang Tứ Xuyên rồi qua Tây Tạng. Sản phẩm Tơ-Lụa cũng có xuất xứ từ địa bàn Bách Việt và Lạc Việt xưa.

Thời vua An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc có ngài Cao Lỗ chế tác ra nỏ thần đã làm khiếp sợ quân Tần và trong cuộc chiến với Triệu Đà; đó là một kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất thời bấy giờ.

Nói về công nghiệp, ông Hồ Nguyên Trừng là một công trình sư lỗi lạc những năm đầu thế kỷ XV, được coi là ông tổ nghề đúc súng thần công của cả Việt Nam và Trung Quốc. Ông Nguyễn An là tổng công trình sư của Tử Cấm Thành Bắc Kinh cùng 17.000 thợ lành nghề của Việt Nam bị bắt sang Trung Quốc.

Chiến thuyền của Đại Việt là một đội thuỷ binh hùng mạnh đã làm khiếm đảm quân Mông – Nguyên. Trong thời kỳ khai phá Đàng Trong của các Chúa Nguyễn cũng có sự tham gia của gia tộc Mạc Cửu là người gốc Minh Hương sang lập nghiệp khai phá đất Hà Tiên ở miền Tây vào đầu thế kỷ XVIII. Một gia tộc Minh Hương khác có thể kể đến là Chú Hoả ở Sài Gòn.

Thời nhà Nguyễn, các sỹ phu như Nguyễn Trường Tộ và Bùi Viện là những người đã kết nối và đề xuất giao thương với châu Âu và châu Mỹ. Các nhân sỹ này đã tích cực tham mưu chính sách thương mại cho quốc gia. Những thương cảnh Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An… một thời vang danh khắp thế giới. Đặc biệt, chí sĩ Phan Châu Trinh là một trong những người khai mở dân trí, lấy doanh thương làm chủ đạo để thực hiện sứ mệnh chấn hưng dân tộc.

Liên Thành Thương Quán ra đời sớm từ đầu thế kỷ XX cũng là một ví dụ tiêu biểu cho lịch sử các nhà yêu nước gây dựng cơ sở kinh tài, chấn hưng dân khí và đóng góp ngân sách cho hoạt động cách mạng. Đây còn có thể nói là mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tiên của Việt Nam hiện đại, vượt lên cả mô hình doanh nghiệp gia đình, với mạng lưới phân phối cả nước và mang sản phẩm đi đấu xảo tại Pháp. Có thể nhắc tên ông Hồ Tá Bang cùng các đồng chí trong phong trào Duy Tân đã khởi lập một chuỗi cơ sở kinh doanh Liên Thành và nhà máy sản xuất nước mắm ở Phan Thiết và Sài Gòn, hiện thực hoá tinh thần chấn hưng dân tộc của chí sĩ Phan Châu Trinh.

Mô hình này đã được truyền lại cho nhiều doanh nhân khác trong những thập niên 1940 đến 1970. Thậm chí sau năm 1975, Chủ tịch HĐQT là ông Huỳnh Văn Dậu đã đồng ý hiến Công ty cho Nhà nước và trải qua thăng trầm thương hiệu Nước mắm Liên Thành vẫn được duy trì theo hình thức cổ phần hoá và phát triển cho đến ngày nay.

Trong thời Pháp thuộc, chúng ta đã có các doanh nhân Việt tiêu biểu như ông Bạch Thái Bưởi và Trịnh Văn Bô ở miền Bắc. “Vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng đã vươn lên trở thành một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông đã đánh bại các nhà tư bản Pháp và thương nhân Trung Quốc, tạo bước chuyển biến lớn mang tầm quốc gia, dân tộc với tinh thần “Người Việt Nam đi tầu Việt Nam”.

Kế thừa uy tín và cơ nghiệp của cha, nhờ cần cù, cẩn thận và tiết kiệm, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đã nhanh chóng phát triển hiệu buôn Phúc Lợi để từ những ngày khởi nghiệp chỉ có 30 ngàn đồng Đông Dương trở thành nhà tư sản lớn thời bấy giờ.

Đầu năm 1945, vợ chồng đại gia Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương tương đương 25 cây vàng cho Mặt trận Việt Minh, khởi đầu sự nghiệp đóng góp tài chính cho cách mạng qua nhiều giai đoạn. Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, ông bà còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Hàng loạt nhà tư bản đầu tiên ở Nam kỳ cũng xuất hiện, tiêu biểu như gia đình ông Huyện Sỹ là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, một trong tứ đại hào phú đất Sài Gòn xưa. Đó cũng là thời điểm mà xuất khẩu gạo của Nam kỳ lên tới hàng triệu tấn mỗi năm. Các đại điền chủ hàng đầu của Nam Bộ có diện tích canh tác lên đến hàng vạn mẫu.

Đến thời công nghiệp hoá

Lịch sử các thương hiệu gia tộc kinh doanh Việt Nam
Một số gia tộc đã chuyển giao kế nghiệp thành công cho nhiều thế hệ

Vào thập niên 1930, thương hiệu xà bông Cô Ba – xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam do doanh nghiệp của ông Trương Văn Bền sản xuất nức tiếng một thời đã đẩy lùi xà bông Marseille và hàng loạt mặt hàng xà bông khác nhờ phẩm chất tốt, giá thành thấp và phương thức quảng cáo độc đáo. Ông Trương Văn Bền là một đại tư bản tiêu biểu của Sài Gòn thời bấy giờ.

Sau khi sang Pháp vào năm 1948, các con của ông ở Việt Nam tiếp tục sự nghiệp. Ông Trương Khắc Trí làm Tổng giám đốc Công ty xà bông Việt Nam từ 1959 tới 1965. Ông Trương Khắc Huệ đảm nhiệm chức vụ này cho đến 1970. Người con trai út là Trương Khắc Cần quản lý công ty đến năm 1975. Sau năm 1975, Công ty của ông Bền và các con trở thành Nhà máy hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Mãi đến năm 1995 mới được giao cho Nhà nước tiếp quản và liên doanh với tập đoàn Procter & Gamble (Mỹ).

Bên cạnh đó, nổi bật có đại gia Nguyễn Tấn Đời tiêu biểu trong ngành bất động sản của Sài Gòn, khởi phát từ cơ hội xây dựng các toà nhà cho quân đội Mỹ thuê vào những năm 1960. Toà nhà to nhất Sài Gòn lúc đó - khách sạn 13 tầng President Hotel (chung cư 727 Trần Hưng Đạo) cũng do doanh nghiệp ông Nguyễn Tấn Đời xây dựng.

Vào thời kỳ này, ở miền Nam đã hình thành vài chục nhà tư bản, một số có đóng góp thiết thực cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam khi lập nên các cơ sở kinh tài.

Ở miền Bắc, các gia tộc kinh doanh thời điểm này cũng trải qua những khoảng lặng buồn với lịch sử khá đen tối trong giai đoạn đánh cải cách ruộng đất thời 1953-1956 đã khiến một số gia tộc biến mất. Ở miền Nam đến đợt đánh tư sản từ 1975 - 1980 cũng chứng kiến sự ra đi của một loạt gia tộc kinh doanh.

Trong ngành tài chính ở Sài Gòn, có khoảng 10 ngân hàng đầu tiên hoạt động bài bản, chuyên nghiệp và là mạch máu lưu thông kinh tế tư bản miền Nam như Sài Gòn Thương Tín, Việt Nam Thương Tín... Giới ngân hàng đã hoạt động rất bài bản từ thập niên 60, 70.

Khá nhiều doanh nhân Sài Gòn đã ở lại Việt Nam, cùng đất nước trải qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế (1975-1989). Tiêu biểu như gạch bông Đức Tân của vợ chồng ông Đinh Hồng Kỳ và bà Võ Liên Hương, gạch bông Đồng Tâm của doanh nhân Võ Quốc Thắng, nhựa Phát Thành của ông Lê Văn Thành với thương hiệu Fataco nổi tiếng một thời, hay hãng sơn Bạch Tuyết do ông Bùi Duy Cận sáng lập. Nhóm Thứ Sáu ở Sài Gòn tập trung nhiều trí thức và doanh nhân đóng góp cho chính sách Đởi Mới của ông Võ Văn Kiệt.

Trong ngành dược, một thương hiệu gia tộc tiêu biểu may mắn tồn tại đến ngày hôm nay cũng là hãng dược đầu tiên của miền Nam – Hãng dược OPV do Gia đình ông Nguyễn Cao Thăng, bà Hà Trương Bích Tuý là những doanh nhân trí thức gốc Huế khởi lập.

Từ một cửa hàng bán thuốc được thành lập vào năm 1950 tại Huế, OPV đã trở thành công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam trong những năm 1970 và là đơn vị cấp phép độc quyền cho cả kinh doanh và sản xuất cho những công ty dược phẩm đa quốc gia đứng đầu thế giới như Bayer, Ciba Geigy, Mead Johnson, Roche, Sandoz,... Trong suốt quãng thời gian đó, OPV đã xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm quy mô, hiện đại bậc nhất; và trở thành đối tác cùng tập đoàn Nestle xây dựng nhà máy sữa dành cho trẻ em tại Việt Nam.

Đến năm 1975, gia đình OPV di cư sang Mỹ, để lại hai nhà máy cho chính quyền cách mạng. Ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận vào năm 1994, OPV chính thức trở lại Việt Nam và vẫn đang là doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành dược Việt Nam.

Ở miền Bắc, trong giai đoạn khó khăn vào những năm 1980 cũng có một số doanh chủ từng bước gây dựng cơ nghiệp. Một trong số đó là Công ty đầu tư CP khách sạn Oasis của ông Trương Hữu Thắng (Thắng Doa) là một trong những người khai thác đá quý đầu tiên; ông sở hữu một trong những khách sạn tư nhân đầu tiên ở Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Đường, được mệnh danh là Vua Bia, là doanh nhân thành đạt ngay từ thời bao cấp. Ông Đường hiện là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình với các công trình bất động sản dát vàng như tòa tháp đôi Hòa Bình Somerset, Hòa Bình Green City hay Hà Nội Golden Lake.

Không thể không kể đến ông Trần Văn Sen ở Thái Bình là một doanh nhân bươn chải từ thời bao cấp và thành công đến ngày hôm nay khi dẫn dắt Tập đoàn Hương Sen nổi tiếng với thương hiệu Bia Đại Việt. Ông Sen là hậu duệ của nhà Trần danh gia vọng tộc, là hậu duệ chính dòng của thái sư Trần Thủ Độ. Cần phải nhắc đến cụ Trần Văn Tuân, ông nội của ông Sen, là người đã có công thiết lập quan hệ buôn bán với các thương gia nước ngoài từ năm 1937. Đại gia đình ông Trần Văn Sen hiện là một tập đoàn kinh tế dẫn đầu của tỉnh Thái Bình.

Đầu thời kỳ Đổi Mới, Việt Nam xuất hiện một thế hệ doanh nhân mới phát triển đến ngày hôm nay. Tiêu biểu như ông Trương Gia Bình là người anh cả của thế hệ doanh nhân ở miền Bắc và ông Phạm Phú Ngọc Trai là anh cả của doanh nhân trẻ Sài Gòn. Họ đều là những doanh nhân tiêu biểu đầu tiên của thời kỳ đổi mới kinh tế và hội nhập, có uy tín và bền vững về tính gia tộc khi có con trai đang kế tục sự nghiệp một cách vững chắc.

Các đại gia tiêu biểu khác gồm có gia đình ông Trần Quý Thanh, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đứng đầu ngành nước giải khát của Việt Nam và luôn đứng vững trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu ngoại như Coca-Cola và Pepsi. Những ái nữ nhà Trần Quý Thanh gồm Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích được đánh giá là tiêu biểu trong việc kế thừa thành công doanh nghiệp của gia đình.

Lịch sử các thương hiệu gia tộc kinh doanh Việt Nam 1
Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Câu lạc bộ Thương hiệu Việt

Hai anh em gốc Hoa là ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên cùng sáng lập nên Tập đoàn KIDO - đế chế bánh kẹo lớn nhất Việt Nam chỉ từ một tiệm bánh nhỏ của gia đình. Ông Đặng Văn Thành là người đã sáng lập ngân hàng Sacombank và hiện là ông chủ của “đế chế” Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group); Đặng Hùng Anh, con trai của ông Thành hiện là lãnh đạo Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.

Trong các tập đoàn thành đạt và ổn định hiện nay còn phải kể đến Tập đoàn Thaco và tỷ phú đô la Trần Bá Dương, doanh nhân xuất thân từ một gia đình nho giáo gốc Huế. Có thể nói, văn hoá của Thaco chịu ảnh hưởng rất nhiều từ dấu ấn tính cách cá nhân của người sáng lập. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất tạo ra sự thành công trong sự nghiệp kinh doanh của ông Dương nói riêng và Thaco nói chung là sự ủng hộ tuyệt đối và thực tâm từ gia đình.

Các gia tộc này sau giai đoạn thành đạt hiện đang bước sang giai đoạn chuyển giao thế hệ, và duới góc độ quản trị là một đề tài nghiên cứu quan trọng. Dù vậy, cũng có các gia đình không suôn sẻ trong việc phát triển thế hệ, ngay mối quan hệ vợ chồng đã không hoà hợp lẫn nhau, đơn cử là gia đình Cà phê Trung Nguyên.

Tương tự Cà phê Trung Nguyên là gia đình Bánh ngọt Đức Phát. Tuy nhiên sau khi chia tay, ông Kao Siêu Lực cùng các con vẫn cố gắng gây dựng và phát triển thương hiệu mới ABC Bakery, thương hiệu Đức Phát để lại cho vợ. Không những thế, ông vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh với cửa hàng của vợ cũ cho đến khi bà xây dựng xưởng mới và ổn định nhân sự.

Trở lại trường hợp Trung Nguyên, diễn biến sự việc quá ồn ào, cho thấy mặt trái của một số doanh nghiệp gia tộc thiếu kinh nghiệm quản lý và ứng xử trong nội bộ gia đình. Đây chưa phải là tình huống duy nhất trong số các gia tộc kinh doanh ở Việt Nam.

Quản trị doanh nghiệp gia đình theo xu hướng của thế giới

Ở Đông Nam Á, đặc biệt là các trường đại học ở Singapore từ lâu đã đưa đề tài nghiên cứu quản trị doanh nghiệp gia đình vào chuyên ngành chủ đạo vì đó là nếp văn hoá tiêu biểu của Đông Nam Á, nhất là các gia đình theo đạo Khổng. Một khó khăn chung được rút ra là các doanh nghiệp này gặp nhiều vấn đề trong quá trình chuyển giao thế hệ quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là việc nghiên cứu một mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với các gia tộc trong bối cảnh công ty đại chúng.

Ở Việt Nam cũng vậy, nhiều năm trước đã đặt ra đề tài quản trị doanh nghiệp gia đình để nghiên cứu cũng như đưa ra các hướng hỗ trợ. Giới chuyên gia trong nước đã chỉ ra những khó khăn trong vấn đề quản trị và chuyển giao thế hệ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước và tư nhân, từng bước đưa ra các mô hình quản trị doanh nghiệp (corporate governance) phù hợp trong bối cảnh mới như mô hình vốn, sở hữu, điều hành, cổ phần…

Các thực thể doanh nghiệp, công ty, tập đoàn…trên thế giới thực ra xuất phát từ khái niệm Khế ước Xã hội (social contract) của các nhà triết học phương Tây tiền bối như Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu (Pháp), và John Locke (Anh) tiêu biểu của Kỷ ánh sáng. Khái niệm này ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành Hiệp chủng quốc Hoa kỳ và các mô hình Công ty hiện đại. Khế ước Xã hội là nền tảng hình thành hai thực thể quan trọng của xã hội hiện đại là Tam quyền phân lập (Mỹ) đối với quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp theo mô hình Công ty đại chúng.

Đó là bản chất công ty mà các doanh nghiệp gia tộc Việt Nam cần học hỏi trong việc hình thành một mô hình công ty hài hoà giữa gia đình và công chúng, giữa tư hữu gia tộc và nhân tài xã hội.

Nước Nhật trải qua gần 200 năm lịch sử doanh nghiệp gia tộc từ mô hình Zaibatsu nặng về tư tưởng phong kiến và đã cải tiến thành Keiretsu học hỏi từ các mô hình doanh nghiệp phương Tây kết hợp trong bối cảnh văn hoá Nhật Bản để gia tăng tinh thần dân chủ trong mối quan hệ làm việc. Các Chaebol của Hàn Quốc cũng học hỏi từ Nhật Bản.

Doanh nghiệp vốn dĩ xuất phát từ ‘khế ước xã hội’. Sự ảnh hưởng của đạo Khổng trong việc công ty xem người làm là đầy tớ ở các nước Á Đông cần được xoá bỏ và thực sự đang được xoá bỏ, kể cả tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, Singapore là quốc gia văn minh nhất, mô hình quản lý nhà nước cũng như quản lý doanh nghiệp đều theo mô hình công ty đại chúng. Ngoài mức lương cao thì các thành viên Chính phủ còn được tiền thưởng từ hiệu quả quản trị ngân sách nhà nước và hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.

Tuyên ngôn Độc lập của cả Việt Nam và Mỹ đều nhắc đến “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” lấy lại và chỉnh sửa từ Luận điểm nổi tiếng của triết gia John Locke là Life (quyền sống), Liberty (quyền tự do) và Posession (quyền tư hữu). Đó được xem là mẫu số giá trị chung của kinh tế tư bản tư nhân.

Có thể kỳ vọng gì với gia tộc doanh nhân

Thương hiệu Biti’s của gia tộc doanh nhân Vưu Khải Thành hiện cũng đang trong một quá trình chuyển đổi thế hệ khá suôn sẻ và mang lại những ý tưởng mới. Điển hình là chiến dịch sản phẩm thương hiệu mới Biti’s Hunter do thế hệ mới là ái nữ Vưu Lệ Quyên hiện đang phát triển rất thành công. Nhờ đó, những doanh nhân thế hệ trước như ông Vưu Khải Thành hoàn toàn có thể mãn nguyện.

Tiêu biểu như công ty gia đình Tân Hiệp Phát trong giai đoạn đầu tiên của thời kỳ chuyên nghiệp hoá (sau năm 2000) vẫn còn có chủ trương phát triển không bền vững khi có ý đồ bán công ty. Nhưng sau một thời gian, đích thân chủ doanh nghiệp nghiệm ra rằng phát triển doanh nghiệp không phải vì mục đích tài chính mà vì những mục đích sâu sắc hơn là thương hiệu, danh dự và truyền thống gia đình. Để doanh nghiệp là nơi giáo dục các thế hệ sau về giá trị của đồng tiền, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người và đóng góp cho xã hội. Kể từ đó Tân Hiệp Phát trở thành một tập đoàn gia đình nhưng cũng từng bước có các chính sách đãi ngộ đối với nhân sự bên ngoài.

Ở Hà Nội, gia đình họ Đỗ là đại gia nổi tiếng ba đời làm doanh nhân. Có máu kinh doanh từ thời trẻ, cụ Đỗ Thế Sử vẫn quyết lập công ty may mặc Gamexco ở tuổi 73. Con thứ ba trong số 11 người là giáo sư tiến sỹ và doanh nhân con trai của cụ Sử là ông Đỗ Minh Phú, người gây dựng thương hiệu Diana và sau này đầu tư vào Tienphong Bank và Tập đoàn DOJI

Ông Đỗ Anh Tú, người con thứ sáu trong Đỗ Gia là Tổng giám đốc Diana và Phó chủ tịch HĐQT TPBank. Một người con khác của cụ Sử là ông Đỗ Anh Dũng Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh. Thế hệ thứ ba của gia tộc này cũng đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình quản trị doanh nghiệp của gia đình.

Nối tiếp truyền thống gia đình doanh nhân danh gia bậc nhất Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng, người con trai áp út của ông Trịnh Văn Bô là ông Trịnh Cần Chính đã khởi mở trở lại “con đường kinh doanh” của gia đình sau sau hơn 60 năm đứt quãng khi trở thành Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và đang định hướng cho con gái kế nghiệp.

Gia đình Alphanam của ông Nguyễn Tuấn Hải thuộc lứa doanh nghiệp trẻ đầu tiên của Hà Nội cũng là một ví dụ thành công và quá trình chuyển giao thế hệ cũng diễn ra rất tốt đẹp với hai người con đang nối nghiệp cha là Nguyễn Ngọc Mỹ và Nguyễn Minh Nhật.

Ông Vũ Minh Châu, người sáng lập Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu là một doanh nhân thành đạt nhất nhì Hà Nội và hiện vẫn là doanh nghiệp kim hoàn, vàng bạc đá quý số 1 miền Bắc. Ông Châu là một doanh nhân đại gia rất ‘căn cơ’, là người ‘ngồi trên đống vàng’… nhưng có lối sống rất lành mạnh, yêu thiên nhiên và nghệ thuật. Bảo Tín Minh Châu đang chuyển giao thế hệ rất vững chắc và thế hệ kế tiếp như anh Richard Vũ cũng đang tự tin kế tục sự nghiệp của gia đình với những tư duy phát triển và chiến lược mạnh mẽ chuyên nghiệp, luôn biết học hỏi các mô hình kinh doanh hiện đại của thế giới từng bước áp dụng vào sự mở rộng đế chế kinh doanh của Gia tộc. Đây là doanh nghiệp tiêu biểu của Văn hoá Hà Nội mang phong cách quý tộc.

Có thể nói, đây đều là những doanh nhân tiêu biểu trong một gia tộc bề thế kết hợp giá trị của kinh doanh và giá trị của tri thức và đạo đức gia đình.

Bên cạnh đó, có khá nhiều doanh nhân tiêu biểu rất thành công dù chưa hình thành ‘yếu tố gia tộc’ như tỷ phú tự thân Nguyễn Phương Thảo của Vietjet Air, tỷ phú Trần Đình Long của Hoà Phát, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) của Tập đoàn T&T, bà Thái Hương của Tập đoàn TH, bà Nga của BRG. Riêng về sự nghiệp lừng lẫy của Bà Tư Hường (Khánh Hoà) rất tiếc gần đây xảy ra sự tranh chấp giữa chồng và các con sau khi bà vừa mất, là một chuyện ngoài sự mọng đợi của giới doanh nhân, nhất là với cổ đông của ngân hàng Nam Á Bank và ảnh hưởng đến uy tín gia tộc.

Cuối cùng, xin lấy bối cảnh một gia đình là thương hiệu Cà phê Nhân ở Hà Nội như một lời nhắn nhủ. Nếu mười thành viên của thương hiệu Cà phê Nhân lâu đời của Hà Nội biết hợp sức và đoàn kết, thì có lẽ giờ đây đã có một Tập đoàn Cà phê Nhân hùng mạnh không kém Trung Nguyên sau này và các tập đoàn kinh tế khác. Đó là điều chúng tôi trăn trở trong văn hoá thương hiệu của các gia tộc ở Việt Nam. 

Sự đoàn kết là yếu tố quyết định giữa các thành viên và thế hệ trong gia tộc, giữa công ty và quan hệ đại chúng như tinh thần của “khế ước xã hội”. Và chúng ta kỳ vọng các thương hiệu gia tộc sẽ đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế, không chỉ thành công ở Việt Nam mà còn vươn ra chinh phục thị trường quốc tế như Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm được. 

(*) Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang có nhiều kinh nghiệm phân tích các mô hình quản trị, điều hành doanh nghiệp và tham vấn chính sách

Bài viết đã được đăng tải trên ấn phẩm đặc biệt DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua đặc san, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.vn

Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ

Điện thoại: 024 3244 4359

TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1

Điện thoại: 08867 08817