Lộc Trời sẽ là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên trên thế giới thành lập quỹ riêng để hỗ trợ nông dân trong quá trình triển khai mô hình chuỗi sản xuất nông sản đồng bộ.
Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu kỳ vọng đạt 14.155 tỷ đồng tăng 88,5% so với năm 2020.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến thấp hơn doanh thu, với lợi nhuận trước thuế khoảng 507 tỷ đồng, tức là chỉ tăng 12% so với năm 2020.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Lộc Trời đang tập trung đầu tư, phát triển bốn ngành chính có sự tương hỗ lẫn nhau.
Cụ thể, dù mới được thành lập trong năm 2020 nhưng ngành dịch vụ nông nghiệp đang được định vị là ngành mũi nhọn. Theo đó, lực lượng kỹ sư nông nghiệp được tổ chức thành các nhóm hoạt động chuyên môn trên cây lúa, cây ăn trái, rau, cây công nghiệp.
Ngành dịch vụ nông nghiệp sẽ có hai hoạt động chính là triển khai giải pháp quản lý mùa vụ theo quy trình chuẩn đến nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ chức trồng lúa theo đơn đặt hàng có lợi nhuận cao.
Lộc Trời đang triển khai ngành dịch vụ nông nghiệp trên quy mô lớn, tập trung ứng dụng các giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tối đa hóa lợi ích trên cùng đơn vị canh tác.
Tập đoàn tiếp tục củng cố ngành vật tư nông nghiệp. Hệ thống phân phối hai cấp được sàng lọc chặt chẽ, từng đại lý được phân vùng bán hàng và chỉ tiêu cụ thể. Ngành vật tư sẽ cung ứng sản phẩm vật tư cho vùng trồng do ngành dịch vụ nông nghiệp quản lý. Việc bán hàng được thực hiện một lần vào đầu vụ, việc giao hàng và thu nợ được thực hiện trong suốt mùa vụ.
Ngành lương thực với năm nhà máy sản xuất gạo tại đồng bằng Sông Cửu Long sẽ vận hành mô hình kinh doanh bắt đầu tư đơn hàng của thị trường. Các hợp đồng được ký trước ít nhất một vụ với các tiêu chí rõ ràng về sản lượng, loại giống và chỉ tiêu chất lượng để ngành dịch vụ nông nghiệp tổ chức vùng trồng. Ngành lương thực áp dụng quản lý, mua bán theo lô để quản lý hàng hóa tốt hơn.
Ngành sản xuất, với năm nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và sáu nhà máy sản xuất giống đang hoạt động tốt, quản lý chi phí hiệu quả, kịp thời cung ứng sản phẩm theo tiến độ mùa vụ. Lộc Trời đang dẫn đầu đồng bằng Sông Cửu Long trong vai trò là nhà sản xuất giống chất lượng cung ứng cho thị trường.
Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai lập hai quỹ dự phòng “tích cốc phòng cơ” có tổng giá trị 720 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nông dân và người lao động. Cụ thể, quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân có giá trị 360 tỷ đồng và quỹ dự phòng rủi ro do thiên tai dịch bệnh giành cho cán bộ nhân viên của Tập đoàn.
Đây là khoản tiền mặt được trích từ lợi nhuận sau thuế sau khi tập đoàn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận dự kiến, là tài sản tiền mặt của công ty và cổ đông.
Hai quỹ nêu trên là “thuyền cứu sinh” cho nông dân và cán bộ công nhân viên của tập đoàn khi có biến động lớn về thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Với việc thành lập quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân, Lộc Trời sẽ là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên trên thế giới thành lập quỹ riêng để hỗ trợ nông dân trong quá trình triển khai mô hình chuỗi sản xuất nông sản đồng bộ.
Ngoài quỹ quỹ dự phòng rủi ro do thiên tai dịch bệnh, cán bộ công nhân viên có nhiều nỗ lực và cống hiến còn được tham gia chương ESOP với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tạo động lực gắn kết của nhân viên với tập đoàn Lộc Trời.