‘Lời giải’ cho tình trạng thiếu nhân lực số của Việt Nam

Nhật Hạ - 09:30, 05/11/2022

TheLEADERĐào tạo theo cách truyền thống đã đạt đến mức giới hạn. Với nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay, lời giải chính là đại học số và xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (nhân lực số) trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 nghìn người.

Được biết, các nước châu Âu đã đặt mục tiêu số lượng nhân lực để chuyển đổi số đến năm 2030 là 5% dân số. Theo bộ trưởng, mục tiêu này ở Việt Nam là rất khó, bởi tỷ lệ này nếu chỉ chiếm 2 – 3% dân số, thì nhân lực số cũng đã tầm 2 – 3 triệu người. Trong khi đó, hiện một năm sinh viên ra trường ngành công nghệ thông tin gồm cao đẳng và đại học tầm 60 – 70 nghìn người.

Bộ trưởng cho rằng đào tạo theo cách truyền thông đã đạt đến giới hạn. Do đó, đại học số chính là lời giải nhân lực số Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo trong năm nay cấp 5 giấy phép về thí điểm đại học số.

“Nếu đại học số thí điểm sớm sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số”, ông Hùng nhấn mạnh.

Mặt khác, thực tế, nhân lực chuyển đổi số Việt Nam không chỉ phục vụ chuyển đổi số trong nước mà còn xuất khẩu dịch vụ sang các nước khác. Đơn cử, một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang làm rất tốt, doanh thu hàng tỷ USD, thực hiện chuyển đổi số cho Mỹ, Nhật Bản. Do đó, phát triển nhân lực số là một trong những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ngành dịch vụ này.

Theo Bộ trưởng Hùng, “Chúng ta cũng nên có cách nhìn nhận mới. Ngoài đào tạo qua đại học, cao đẳng, thì mỗi người Việt Nam cũng hãy trở thành người có kỹ năng về chuyển đổi số”.

Một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, tên nền tảng này là One Touch và đã đưa vào vận hành được 6 tháng và có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập. Trong nền tảng này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức lên đấy tự học, tự thi, hệ thống tự đánh giá và bộ sẽ tự cấp các chứng chỉ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng cho biết bộ đã đề xuất với Bộ Giáo dục và đào tạo đưa thêm nội dung kỹ năng số vào chương trình đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3 cho các học sinh.

‘Lời giải’ cho tình trạng thiếu nhân lực số của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh hùng. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Bên cạnh việc bổ sung nguồn nhân lực số trên cả nước, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn tỉnh Thái Nguyên) cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng ‘chảy máu chất xám’ những nhân tài lập trình, quản trị vì nhiều lý do, trong đó có lý do thu nhập khi các doanh nghiệp nước ngoài trả gấp 5 – 7 lần, thậm chí 10 lần. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp trong nước, môi trường công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển không đáp ứng.

Do đó, ông Huấn cho rằng cần có giải pháp để thu hút và gửi chân nhân tài trong lĩnh vực này.

Về lo ngại của đại biểu Huấn, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh đây cũng là vấn đề được Bộ Thông tin và truyền thông quan tâm bởi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhưng theo bộ trưởng, nhân tài đi theo câu chuyện của thị trường. Hiện cũng đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả mức lương tương đương doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, xuất hiện hiện tượng nhiều học sinh, sinh viên, người lao động trong lĩnh vực này đang làm việc ở nước ngoài về Việt Nam…

Do đó, vấn đề cốt lõi ở đây là để thu hút nhân tài, doanh nghiệp Việt cần có lợi nhuận cao và có các dự án tạo ra giá trị gia tăng cao.

Mặt khác, tỷ lệ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đang là 0,9%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 10%, riêng Mỹ là 15%.

Bộ trường Hùng cho rằng, “tỷ lệ 0,9% trên là con số đáng suy nghĩ. Bởi nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, cần phải coi lực lượng khoa học công nghệ số là lực lượng sản xuất. Và giữ chân nhân lực đòi hỏi cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, trong tổng thể chung, không thể đòi hỏi có cơ chế ưu đãi cho nhân lực riêng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác”.

Do đó, theo ông, cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo Al để đỡ 1 phần công việc của cán bộ công nghệ thông tin, từ đó phù hợp với mức lương họ đang nhận. Đồng thời, cần tăng cường thuê, đặt hàng bên ngoài, người làm công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước sẽ làm công việc đặt hàng.

Được biết, với đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030, trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông được giao là chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát triển hạ tầng số, hạ tầng Internet, bảo đảm triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn tỉnh Sơn La) đã bày tỏ sự băn khoăn về khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành công nghệ thông tin đối với việc thực hiện các mục tiêu đề ra của đề án trên, nhất là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.

‘Lời giải’ cho tình trạng thiếu nhân lực số của Việt Nam 1
Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn tỉnh Sơn La). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Bộ trưởng Hùng cho biết, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin cho bà con vùng sâu vùng xa có thể theo dõi tin tức, học tập đã đáp ứng được. Hiện nay cáp quang đã được đưa đến 93% thôn bản. Việt Nam là một trong số ít các nước có tỷ lệ cao như vậy; giá cả cũng nằm trong tốp 20 trên thế giới, tương đối thấp.

Bên cạnh đó, ông khẳng định các doanh nghiệp công nghệ số Việt nam có thể đáp ứng được và tốt, giá rẻ hơn nước ngoài. Do đó, ngành giáo dục, hay các bộ, ngành, địa phương hãy đặt ra nhiều bài toán hơn, càng thách thức và càng khó sẽ giúp công nghệ số của Việt Nam phát triển.

Cách đây 4 năm, số lượng doanh nghiệp công nghệ số dưới 40.000, nhưng hiện đã tiến tới 75.000 doanh nghiệp. Và mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 sẽ có 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tức cứ 1.000 người dân là sẽ có 1 doanh nghiệp công nghệ số.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chúng ta cần tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, hãy trao cho họ nhiều cơ hội hơn, thông qua việc đặt ra nhiều bài toán để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh hơn nữa”.