‘Ly hương’ ở miền Tây: Một góc nhìn khác

Hoàng Đông - 09:18, 11/06/2024

TheLEADERBên cạnh việc làm, sinh kế, một bộ phận người dân Đồng bằng sông Cửu Long bắt buộc phải rời quê hương vì vùng này không đảm bảo những dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục.

Sở hữu tấm bằng y học, anh H được nhận vào một bệnh viện ở tỉnh Bến Tre, đồng thời mở cho mình một phòng khám tư nhân. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh tương đối dư dả.

Tuy nhiên, gia đình anh H vẫn quyết tâm rời quê hương để lên TP.HCM sinh sống bởi cho rằng chất lượng giáo dục ở thành phố lớn sẽ tốt hơn, giúp tương lai những đứa con của anh sẽ được bảo đảm hơn.

Còn đối với chị P, cũng là một người con miền Tây, quyết định cùng gia đình chuyển sang Bình Dương sinh sống để tìm kiếm cho con mình một dịch vụ giáo dục đặc biệt.

Trả lời khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), chị P cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có cơ sở giáo dục chuyên biệt để hỗ trợ trẻ em mắc chứng tự kỷ.

Anh H, chị P không đại diện cho đa số những người lao động di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, câu chuyện của họ cho thấy, bên cạnh những yếu tố về sinh kế, việc làm, một bộ phận người miền Tây quyết định “đi Bình Dương” bởi quê hương thiếu vắng những dịch vụ xã hội cần thiết cho họ và gia đình.

Y tế, giáo dục tụt hậu

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hạ tầng y tế ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với mức trung bình. Cụ thể, số giường bệnh trên 10 nghìn dân của miền Tây trung bình là 32 chiếc, thấp hơn số trung bình của cả nước là 34. Số bác sĩ trên 10 nghìn dân cũng chỉ đạt gần 9,3, thấp hơn trung bình cả nước là hơn 11,1.

Bên cạnh đó, khu vực này cũng được xem như “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Tỷ lệ dân số tốt nghiệp trung học phổ thông của Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 11%, thấp nhất cả nước. Số lượng trẻ em không được thụ hưởng giáo dục cao gần nhất cả nước với hơn 14%.

Lãnh đạo một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giáo dục miền Tây đối diện với ba nút thắt, bao gồm thiếu trường lớp, thiếu nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và thiếu kinh phí.

Năm 2023, tỷ lệ phòng học kiên cố của Đồng bằng sông Cửu Long đạt 68,7%, tỷ lệ trường đạt chuẩn gần 69%. Nhiều điểm trường lẻ vẫn tồn tại với cơ sở vật chất chưa bảo đảm nhưng nếu xóa bỏ sẽ gây quá tải cho các trường học chính.

Hạ tầng y tế, giáo dục tác động trực tiếp tới đời sống của người dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến quyết định di cư giống như của chị P, anh H nhằm tìm kiếm cho bản thân và gia đình một môi trường sống đủ đầy hơn.

Tuy nhiên, không phải cứ di cư là mọi vấn đề đều được giải quyết. Theo khảo sát của Viện Social Life đối với những lao động di cư tại TP.HCM (di cư từ Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương khác), có đến hơn 50% sinh sống bằng các công việc tự do, không có hợp đồng lao động và hơn 23% lao động bằng các nghề buôn bán nhỏ như bán hàng rong, vỉa hè, thu mua ve chai, đồng nát.

Mức thu nhập phổ biến của người lao động di cư tại TP.HCM là 5 – 7 triệu đồng mỗi tháng, chiếm gần 40% số lao động di cư trả lời khảo sát. Gần 60% người lao động di cư gặp khó khăn về tài chính và chỉ có hơn 25% người lao động đóng bảo hiểm xã hội, hơn 57% tham gia bảo hiểm y tế. 97,7% người lao động sống ở mức đủ hoặc thiếu thốn.

Với mức thu nhập ít ỏi, tài chính khó khăn, tình trạng không có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế, xã hội vẫn còn phổ biến, những người di cư dù đã rời quê hương nhưng vẫn khó có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu tại nơi định cư mới.

Trong tình cảnh như vậy, một sự kiện rủi ro hoàn toàn có thể “đánh gục” người lao động, chẳng hạn như tai nạn, ốm đau hoặc mất việc làm, chưa kể đến những biến cố bất thường như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Sau mỗi mùa hạn mặn, vấn đề di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long lại tiếp tục được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp phát triển kinh tế, sinh kế, cần có thêm giải pháp về phát triển y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội thiết yếu để miền Tây thực sự trở thành nơi đáng sống, để người lao động không nhất thiết phải ly hương hòng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.