Miền Tây dẫn đầu về quản trị môi trường

Hoàng Đông - 17:37, 03/04/2024

TheLEADERHợp phần quản trị môi trường của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2023 tiếp tục chứng kiến mức điểm “bết bát” của cả nước. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có tình hình khả quan hơn năm vùng kinh tế, xã hội còn lại.

Miền Tây dẫn đầu về quản trị môi trường
8/13 tỉnh thành miền Tây có điểm quản trị môi trường thuộc nhóm cao nhất cả nước. Ảnh: Hoàng Anh

Báo cáo PAPI 2023 chỉ ra, 61 tỉnh, thành phố được đánh giá trên cả nước có mức điểm về quản trị môi trường thấp trung bình, tức là thấp hơn 4,3 điểm trên thang điểm từ 1 đến 10.

Có đến 26 địa phương có kết quả quản trị môi trường giảm và chỉ có 8 địa phương cải thiện điểm quản trị môi trường so với năm 2021. Mối quan ngại của người dân về môi trường tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp.

Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có kết quả đánh giá khả quan so với các vùng kinh tế, xã hội còn lại. Cụ thể, 8/13 địa phương thuộc vùng này xếp vào nhóm cao của cả nước về quản trị môi trường, tức là phổ điểm từ khoảng 3,8 đến dưới 4,3.

Tỉnh miền Tây là Đồng Tháp đạt gần 4,29 điểm, tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về quản trị môi trường kể từ khi PAPI lần đầu công bố chỉ số này vào năm 2018. Trong khi đó, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM tiếp tục xếp ở hai vị trí cuối cùng.

Nhóm tác giả PAPI 2023 cho biết, theo đánh giá của người dân, chất lượng nước sinh hoạt và việc thiếu nghiêm túc trong thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương là lý do chính dẫn đến mức kết quả thấp về quản trị môi trường.

Nghịch lý là điểm chất lượng nước sinh hoạt, theo đánh giá của người dân, lại đặc biệt kém ở những thành phố có nền kinh tế phát triển và mức sống cao hơn so với trung bình cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Cả ba thành phố này đều có điểm chất lượng nước dưới 0,4 trong phổ điểm từ 0,33 đến 3,33.

PAPI là chỉ số được đánh giá thông qua khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam nhằm tìm hiểu hiệu quả của công tác điều hành, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công dựa trên phản ánh từ phía người dân.

PAPI được triển khai thí điểm từ năm 2009 và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2011. Tuy nhiên, năm 2023, báo cáo PAPI chỉ công bố kết quả của 61 tỉnh, thành phố. Hai địa phương là Quảng Ninh và Bình Dương không được đánh giá do có sự rời rạc bất thường của dữ liệu (độ lệch chuẩn lớn hơn 2) và có dấu hiệu người dân được “tập huấn” trước cách trả lời trong quá trình phỏng vấn.