Mở lại thị trường du lịch quốc tế như thế nào để tránh rủi ro Covid-19?

Minh Nhật - 08:08, 09/06/2020

TheLEADERViệt Nam rất cần có một quy trình được đồng thuận và một bộ thủ tục mở cửa thị trường để có thể tiếp cận trở lại thị trường quốc tế sau Covid-19.

Mở lại thị trường du lịch quốc tế như thế nào để tránh rủi ro Covid-19?
Nhiều đơn vị trong ngành du lịch mong muốn nối lại du lịch quốc tế trong bối cảnh một số quốc gia đã phòng chống dịch tốt.

Quyết định mở lại thị trường du lịch nội địa là bước quan trọng nhưng chưa đủ để giảm bớt đau đớn mà ngành du lịch đã và đang trải qua khi vẫn đóng cửa đối với khách quốc tế từ những thị trường được đánh giá là đã an toàn và có sự yên tâm là du khách đến từ những quốc gia cụ thể đó sẽ không đem đến những rủi ro sức khỏe đối với người dân.

Đó là nhận định của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) trong bức thư gửi Thủ tướng mới đây. “Chúng tôi tin rằng sự an toàn và sức khỏe của người dân cần được cân đối hài hòa với các tính toán và lợi ích kinh tế”, TAB nhấn mạnh.

TAB cho rằng Việt Nam rất cần có một quy trình được đồng thuận và một bộ thủ tục mở cửa thị trường để có thể tiếp cận trở lại thị trường quốc tế. Một thủ tục cụ thể có thể là thương thảo các thỏa thuận song phương với từng nước và các công việc triển khai thực hiện, được kỳ vọng sẽ đi trước một bước hoặc ít nhất ngang bằng về thời điểm với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Cụ thể, các thủ tục cần bao gồm mở lại các đường bay và đảm bảo rằng chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng (do vậy có thể cần thiết cho phép bay thuê chuyến đến các thị trường chưa có chuyến bay thường lệ), miễn visa du lịch, yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế, đo nhiệt độ hành khách nhập cảnh.

Bên cạnh đó, thủ tục cần bao gồm thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm, thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn khác theo thỏa thuận trong các hoạt động du lịch an toàn cũng như thực hiện các biện pháp đóng thị trường (nếu cần thiết) khi xuất hiện rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước khi mở cửa đối với mỗi quốc gia cụ thể, cần đảm bảo các quốc gia này đạt được những tiêu chí đáng tin cậy để đảm bảo cho người dân Việt Nam, bao gồm những tiêu chí như số lượng ca nhiễm đang có, mức độ ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng và xu hướng.

TAB kiến nghị bắt đầu đàm phán với các thị trường nguồn quan trọng nhất và các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đáng kể nhất. Các thỏa thuận đó sẽ được triển khai và có hiệu lực khi nào các tiêu chí đã thỏa thuận được thỏa mãn và các chuyến bay thẳng được thiết lập. Các tiêu chí như vậy sẽ đảm bảo mở dần dần và cần thiết tiếp cận từng bước để Việt Nam vừa làm rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình sau một thời gian bởi vì chưa từng có tiền lệ ứng phó với loại thách thức này.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng những thảo luận vừa qua về việc mở các điểm đến trên đảo cho du khách nước ngoài sẽ không đủ đối với sự tồn tại của nhiều khách sạn và doanh nghiệp”, TAB nhấn mạnh.

Việt Nam có thể xem xét việc chào bán các khu nghỉ dưỡng trọn gói và biệt lập an toàn, thỏa mãn tiêu chí khai thác an toàn cho các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng.

Đặc biệt, Việt Nam cần sẵn sàng thực hiện chương trình quảng bá định vị Việt Nam như một thiên đường an toàn và nêu rõ những kỳ tích mà Việt Nam đã đạt được trong việc kiểm soát và chống lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Thời gian qua, các hãng hàng không cũng như nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành, lưu trú mong muốn mở cửa bầu trời, nối lại du lịch quốc tế trong bối cảnh một số quốc gia đã phòng chống dịch tốt.

Ông Steve Wolstenholme, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Hoiana), đánh giá du lịch trong nước quan trọng nhưng cũng cần phải quan tâm du khách quốc tế. Du lịch Việt Nam cần đề cập đến thông điệp an toàn – điều tiên quyết và quan trọng thời điểm này để thu hút du khách quốc tế, đi cùng với đó là đảm bảo sự an toàn cho nhân viên.

Việt Nam cũng cần tăng cường vị thế là thiên đường của sự an toàn với số ca lây nhiễm ít và hiện chưa hề có ca tử vong. “Rõ ràng thành tích này là cơ hội tuyệt vời để quảng bá tạo ra nhu cầu với du lịch Việt Nam. Chúng tôi tin thị trường Việt Nam rất hấp dẫn nếu biết tận dụng hình ảnh", ông Steve nhấn mạnh.

Ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, cho rằng có nhiều cách để đón đầu du lịch quốc tế, không chỉ đưa ra tiêu chí an toàn mà còn là lựa chọn thị trường an toàn. Ông cho biết doanh nghiệp cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng để có những phương án tốt nhất đồng thời có những hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp du lịch, kích cầu trực tiếp từ nội địa đến quốc tế.