Mobile Money: Khi điện thoại thông minh thay thế ví tiền

Trang Nguyễn - 10:33, 04/06/2019

TheLEADERCác công ty viễn thông, với cơ sở hạ tầng mạng trải rộng trong biên giới của một quốc gia, sẽ có lợi thế hơn so với ngân hàng hay ví điện tử trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử qua mô hình Mobile Money.

Mobile Money: Khi điện thoại thông minh thay thế ví tiền
Mobile Money sẽ hoạt động dựa trên việc sử dụng tài khoản di động

Thí điểm Mobile Money

Mobile Money hiểu đơn giản là hoạt động dựa trên việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị dịch vụ nhỏ cùng với việc chuyển, nạp và rút tiền. 

Tại hội thảo về tiền điện tử trên thuê bao di động tổ chức mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, bản chất của Mobile Money là một dạng ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng và đối tượng được phép triển khai Mobile Money là các công ty viễn thông đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh

Hiện chỉ có Viettel và VNPT đã có giấy phép trung gian thanh toán, còn MobiFone đang trong quá trình xin giấy phép.

Nếu Mobile Money sớm được thí điểm triển khai trong thời gian tới, các công ty viễn thông sẽ chính thức bước vào cuộc canh tranh thanh toán với nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với ngân hàng và các ví điện tử trên thị trường thanh toán điện tử.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 4 về triển khai thí điểm tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ với giá trị nhỏ và các dịch vụ tương tự nạp rút tiền qua ví điện tử.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, đại diện Viettel, để có thể triển khai dịch vụ Mobile Money, nhà mạng viễn thông cần các điều kiện như được phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có nghiệp vụ xác minh thông tin khách hàng, loại bỏ thuê bao sim rác và có nguồn tài chính đảm bảo thanh toán.

Các công ty viễn thông, với cơ sở hạ tầng mạng trải rộng trong biên giới của một quốc gia hoặc xuyên quốc gia, được nhận định là có lợi thế hơn so với ngân hàng hay các ví điện tử trong hoạt động thúc đẩy tài chính toàn diện, khi các công ty này có thể dễ dàng đưa các sản phẩm tài chính tiếp cận đến bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng cư trú tại các khu vực nằm ở vùng sâu vùng xa, vùng hẻo lánh.

Mạng lưới viễn thông, theo báo cáo có tựa đề ‘Số hóa tiền mặt tại ASEAN’ của Ngân hàng Standard Chartered, có thể hỗ trợ việc ra mắt của các ví điện tử để cung cấp cho người dân tại các khu vực này các dịch vụ tài chính cơ bản, bắt đầu bằng một tính năng đơn giản là cho phép người sử dụng nạp tiền vào ví điện tử của mình để có thể chuyển tiền cho những người sử dụng khác trong mạng lưới.

Tiếp theo là các tính năng khác như thanh toán hóa đơn, mua vé xem phim, thanh toán qua mã QR, như trong trường hợp của ví điện tử GCash và PayMaya tại Philippines, hay ví điện tử Momo tại Việt Nam với mục tiêu rõ ràng là cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản cho bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng.

Triển vọng rộng mở

Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia trưởng về tài chính của Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam, đánh giá cao triển vọng của Mobile Moneytại Việt Nam khi mô hình này có thể đưa các sản phẩm và dịch vụ tài chính đến khu vực nông thôn nhờ vào khả năng phủ sóng của các nhà mạng đến nhiều khu vực địa lý, chứ không bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng thanh toán thường chỉ hiện diện tại các tỉnh thành lớn của các ngân hàng truyền thống.

“Một trong những khu vực đã thành công trong áp dụng mô hình Mobile Money là Châu Phi, đặc biệt là các nước như Tanzania, Kenya và Rwanda, đã đưa tài chính tiếp cận đến hầu hết người dân tại đất nước họ. Mô hình này cũng được nhiều nước trong khu vực xem xét áp dụng bởi tính khả thi và phủ sóng, để tăng cường tài chính toàn diện tại quốc gia mình, ví dụ như Indonesia”, ông Alatabani nói.

Nền kinh tế số của khu vực ASEAN nói chung, theo ngân hàng Standard Chartered, hiện tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu hàng năm và khu vực này được dự đoán sẽ trở thành một trong năm nền kinh tế số lớn nhất thế giới đến năm 2025, nhờ tỷ lệ người dùng Internet chiếm 58% dân số và hơn 90% số người này dùng Internet qua thiết bị điện thoại di động. Xu hướng này nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ví điện tử để thay thế các phương thức thanh toán truyền thống trong khu vực.

Việt Nam có nhiều lợi thế để áp dụng mô hình Mobile Money khi số lượng người sử dụng điện thoại di động trong năm 2018 là hơn 70 triệu nguời trong tổng số hơn 96 triệu dân.

Các con số thống kê được Standard Chartered dẫn ra như người sử dụng ví điện tử hiện chiếm chưa đến 4% tổng dân số trên 15 tuổi tại Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (8,26%), Malaysia (10,88%) và Singapore (9,55%), cùng với tiềm năng đến từ hơn 90% lượng dân số này đang mua hàng COD, hay nhận hàng rồi mới thanh toán, để chi trả cho các hoạt động mua hàng trên mạng, là tiền đề để Việt Nam có thể phát triển hơn nữa dịch vụ Mobile Money.

Đối với vấn đề rủi ro liên quan đến định danh khách hàng hay rửa tiền của mô hình Mobile Money, theo ông Alatabani, sẽ phụ thuộc vào cách các nhà làm chính sách quản lý hình thức thanh toán này cùng với các giải pháp phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam và các bài học kinh nghiệm từ các nước đã thành công với mô hình thanh toán này trên thế giới.

Cạnh tranh với truyền thống

“Mobile Money sẽ là một trong những kênh thanh toán số nhằm thúc đẩy chi tiêu không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Đối với ngân hàng truyền thống thì đây có thể nói là cạnh tranh cũng đúng, nhưng thực ra là thêm một nhà cung cấp thanh toán số nữa trên thị trường và làm cho thị trường sôi động hơn và khách hàng sẽ có nhiều trải nghiệm hơn,” bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối bán lẻ của Ngân hàng VIB, chia sẻ quan điểm với TheLEADER tại một sự kiện ngân hàng tổ chức cuối tháng 5 vừa qua.

Theo bà Hương, Mobile Money có thể có những lợi thế của riêng mình nhưng ngân hàng vẫn sẽ có các lợi thế của cạnh tranh như cơ sở vật chất cũng như hệ thống tích hợp nhiều công nghệ hiện đại. Cùng với đó là một hệ thống dữ liệu khách hàng sãn có và sự tin tưởng của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng hiện có.

Bà Hương cũng lưu ý là ngay cả Mobile Money cũng sẽ cần rất nhiều thời gian để khai thác khu vực vùng sâu, vùng xa chứ không riêng các ngân hàng bởi hàm lượng công nghệ hoặc cơ hội tiếp xúc với công nghệ ở những khu vực này vẫn còn hạn chế và trên 64% dân số Việt Nam đang sống trong những khu vực như vậy.