‘Mọi người nói bỏ túi nylon khó lắm’

Phạm Sơn - 08:34, 21/04/2022

TheLEADERTúi nylon gắn liền với đời sống, thói quen sinh hoạt của người Việt nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường.

‘Mọi người nói bỏ túi nylon khó lắm’
Bỏ túi nylon khó nhưng không phải không thể.

Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh những túi bóng to nhỏ đựng rau dưa, thịt cá đã trở nên quen thuộc đối với các bà nội trợ. Giá rẻ, lại dai, không thấm nước, túi nilon tiện dụng dần thay thế những làn, túi vải.

“Văn hóa túi nylon” tiếp tục được “truyền” vào các hệ thống siêu thị. Người tiêu dùng coi việc sử dụng túi nylon là điều hiển nhiên, là tiện ích bắt buộc phải có khi mua sắm. Đựng đồ mua sắm chưa đủ, nhiều khách hàng còn "đòi" thêm túi nylon để mang về nhà dùng dần.

“Mọi người nói bỏ túi niyon khó lắm”, bà Fanny Quertamp, cố vấn quốc gia cấp cao về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn của tổ chức Expertise France, nhận xét về thực trạng diễn ra suốt nhiều năm nay tại Việt Nam.

Chính vì thói quen sử dụng túi nylon ăn sâu vào phong cách tiêu dùng của người dân Việt Nam nên các chương trình giảm thiểu, thay thế túi nylon được triển khai một cách tương đối dè dặt, không tạo được nhiều tiếng vang. Cộng đồng doanh nghiệp dù đặt giảm rác thải nhựa, nylon làm chiến lược kinh doanh quan trọng nhưng còn nhiều e ngại, sợ khách hàng phản đối.

Tuy nhiên, bà Quertamp cho biết, thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đang rất trầm trọng và sẽ tiếp tục trầm trọng hơn nữa “nếu chúng ta ngồi yên không làm gì”. Xuất phát từ điều này, Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam đã ra đời.

Thuộc khuôn khổ Dự án Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải đại dương, Liên minh là tổ chức gồm 16 doanh nghiệp siêu thị, bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, triển khai thí điểm tại thủ đô Hà Nội.

Bắt đầu quá trình bàn thảo từ tháng 1/2021, chính thức thành lập vào tháng 1/2022, Liên minh đã triển khai thành công thí điểm giai đoạn 1, với nội dung trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng; nâng cao năng lực nhân viên thu ngân; tổ chức đối thoại chính sách và các chương trình khuyến mại, khuyến khích giảm sử dụng túi nylon.

Liên minh đã cho ra mắt thành công nhiều sản phẩm truyền thông tạo được tiếng vang lớn như video giới thiệu Liên minh; phim ca nhạc Những chiếc túi biến mất; phim giáo dục Hãy thay đổi thói quen để giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; triển lãm ảnh Túi xanh đi chợ…

Hướng tới đối tượng tiêu dùng trẻ, mạng xã hội cũng là kênh truyền thông được Liên minh chú trọng. Bên cạnh lan tỏa những sản phẩm truyền thông, Liên minh tổ chức cuộc thi Mua sắm không dùng túi nylon trên nền tảng Tiktok, nhận được nhiều sự quan tâm tham gia.

Cùng với sự hỗ trợ của tập đoàn Vingroup, các sản phẩm truyền thông của Liên minh được chiếu trên bảng quảng cáo tại nhiều khu trung tâm thương mại Vincom, khu dân cư Vinhomes.

TS. Kim Thị Thúy Ngọc, chuyên gia Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và môi trường, nhận xét, giai đoạn đầu của sáng kiến đã đạt được thành công, tạo ra dấu ấn và góp phần tích cực thay đổi nhận thức của người tiêu dùng tại Hà Nội.

Thành công này đến từ cam kết mạnh mẽ của các đơn vị bán lẻ, kết hợp với sự hỗ trợ từ phía Sở Công thương Hà Nội và ISPONRE. Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ đã tích hợp sáng kiến của Liên minh vào chương trình trách nhiệm xã hội (CSR), thể hiện sự nghiêm túc trong thực hiện cam kết.

Nói về giai đoạn 1 của sáng kiến, đại diện Tập đoàn TH, một thành viên của Liên minh, cho biết, thực tế các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, nylon dùng một lần đã được triển khai tích cực ở chuỗi bán lẻ TH Truemart của tập đoàn. Tuy nhiên, các hoạt động trở nên bài bản, đồng nhất hơn nữa khi có chung tầm nhìn và định hướng với 16 thành viên của Liên minh.

Bước vào giai đoạn 2, theo bà Ngọc, Liên minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phối hợp sâu rộng hơn với các nhà bán lẻ để thực hiện kế hoạch giảm túi nylon trên toàn hệ thống.

Những thành công ban đầu của sáng kiến Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam cho thấy, dù rất khó để thay đổi thói quen tiêu dùng đã ăn sâu vào nhận thức của người tiêu dùng nhưng dưới nỗ lực của khu vực tư nhân và sự vào cuộc của chính quyền và hoạch định chính sách, việc giảm thiểu rác thải, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững cho Việt Nam là hoàn toàn khả thi.