Mục tiêu của giáo dục và Hội chứng 4.0

Kim Yến - 10:20, 29/08/2018

TheLEADERBối cảnh thời đại công nghệ và hội nhập hiện nay, mọi thứ sẽ tự nó thay đổi rất nhanh, trong giáo dục cơ bản không nên xây dựng nội dung mang tính giai đoạn hay phong trào mà phải có tính bao quát và lâu dài.

Trong buổi tọa đàm “Nhân lực trình độ cao trong nền kinh tế số: Nhận thức, năng lực và giải pháp” do TheLEADER tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM, đề tài được tranh luận nhiều nhất là “hội chứng 4.0”. 

Theo chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh, mục tiêu của giáo dục rất to lớn và bao quát mọi lĩnh vực của xã hội. Cuộc cách mạng 4.0 hay tên gọi tương tự là một trong những điều kiện quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội nhưng chỉ là một phần của nội hàm giáo dục và đào tạo.

Ông Trần Đức Cảnh nguyên là Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), Ủy viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc bang, nhiều năm làm cố vấn tuyển sinh cho Đại học Harvard.

Ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2017 - 2021. Sống ở nước ngoài hơn bốn thập niên nhưng ông luôn quan tâm đến các vấn đề giáo dục nước nhà, đặc biệt đã giúp kết nối các chương trình giáo dục và học bổng Hoa Kỳ với Việt Nam.

Mục tiêu của giáo dục và Hội chứng 4.0
Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh chia sẻ tại tọa đàm về nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế số do TheLEADER tổ chức ngày 26/8

“Trong giáo dục cơ bản không có phong trào”

Theo ông Trần Đức Cảnh, cơ bản của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện không mạnh và tính đồng bộ trong hệ thống không cao, không khéo thì dễ bị chuyển từ cực này sang cực khác. 

"Tôi làm quản lý bộ phận phát triển nguồn nhân lực cho tiểu bang Mỹ nhiều năm nhưng chưa hề nghe từ nhân lực chất lượng cao, thế nhưng từ này lại rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy mục đích lúc đầu là để phân biệt nhưng cũng dễ bị lạm dụng ngôn từ. Cảm tưởng như các quầy bàn nước mía sạch, siêu sạch, rồi siêu - siêu sạch... đến lúc từ cao hay không còn giá trị gì nữa. 

Tương tự như khi ta nói nhiều về công nghệ 4.0 hay tinh thần khởi nghiệp và muốn đưa nó vào giáo trình trung và đại học. Trong thời đại công nghệ và hội nhập, mọi thứ sẽ tự nó thay đổi rất nhanh, trong giáo dục cơ bản không nên xây dựng nội dung mang tính giai đoạn hay phong trào, mà phải có tính bao quát và lâu dài", ông Cảnh phân tích.

Nhìn nhận về nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, ông Cảnh cho biết, xét từ góc độ vĩ mô, số người từ 25 - 60 tuổi có khoảng 48% không qua lớp đào tạo nghề nghiệp, đa phần ở các vùng nông thôn, miền núi; 23% do các doanh nghiệp đào tạo hay đào tạo lại. 

Cộng lại có khoảng trên 70% lực lượng lao động, số được đào tạo nghề nghiệp, đại học và cao hơn chưa đạt được 30%. Riêng lực lượng được đào tạo từ cao đẳng trở lên cũng chỉ khoảng 13%, trong khi trung bình của các nước OECD là 35,7%, Hàn Quốc 46,9%. 

"Chưa nói đến chất lượng, tỷ lệ lao động được đào tạo trình độ cao đẳng trở lên so với các nước phát triển thì Việt Nam còn rất thấp, thách thức không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng mà cả số lượng ở các cấp, các bậc trình độ, mới mong tiếp cận nền kinh tế trí thức và hội nhập thế giới thành công", ông Cảnh khẳng định.

Không những thế, theo đánh giá của vị chuyên gia này, số người ra trường cao đẳng, đại học không có việc làm, không phải vì số lượng mà do chất lượng. Chi phí đào tạo của Việt Nam cho một sinh viên Việt Nam khoảng 700 USD/năm lấy đâu ra chất lượng, trong khi chi phí đào tạo tối thiểu cho 1 sinh viên của khu vực khoảng 5.000 USD/năm, còn Mỹ 19.000 USD/năm. 

Ông Cảnh đặt câu hỏi: Việt Nam có chịu đầu tư chỉ cần một nửa số tiền của khu vực 2.500 USD sinh viên/năm trong thời gian tới? Quan trọng hơn là sẽ áp dụng mô hình, cấu trúc chương trình giáo dục và đào tạo nào để bảo đảm chất lượng và hiệu quả so với số tiền đầu tư?

Chính phủ, Bộ Giáo dục cũng phải quản trị sự thay đổi

Bàn về vấn đề chất lượng, ông Cảnh cho rằng: “Ngoài số tiền đầu tư cho 1 sinh viên thấp còn nhiều vấn đề rất cơ bản khác trong lĩnh vực giáo dục cần thay đổi nữa. Tuy khoảng cách giáo dục còn xa so với các nước phát triển nhưng theo tôi thì nhận thức và quyết tâm của Chính phủ rất rõ là nền giáo dục cần đổi mới, để có thể hội nhập thế giới thành công. 

Về cơ bản, tôi hiểu hoàn cảnh đất nước. Cách đây 20 năm có mấy công ty tư nhân đâu, quá trình hình thành doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tới quy mô lớn thực sự còn rất mới. Trước kia nguồn lực Nhà nước tập trung hết cho doanh nghiệp nhà nước, kết quả thế nào thì nay đã rõ. 

Để vực dậy nền kinh tế, công ty tư nhân phải đóng vai trò quan trọng nếu không nói là chủ đạo của nền kinh tế tương lai, thu hút nguồn lao đông và tạo công việc làm cho hằng triệu lao động mới trong tương lai".

Theo vị chuyên gia này thì cách tốt nhất để thay đổi chất lượng đào tạo là lực hút đầu ra phải mạnh, dĩ nhiên là phải kèm theo các tiêu chí yêu cầu chất lượng đào tạo, các trường muốn có tiếng tăm thì phải xây dựng chương trình có chất lượng mới cạnh tranh được đầu ra và thu hút đầu vào, giáo dục trường phải 20 năm trở lên mới đánh giá được tốt, đầu ra càng chất lượng thì trường càng uy tín. 

Khi có các công ty tốt tuyển chọn sinh viên ra trường hay đặt hàng cho trường, bắt buộc trường phải tuyển sinh tốt, chính thị trường lao động sẽ quyết định khâu đào tạo, đầu vào uy tín, tác động xuống trung học, cấp ba… và cả chuỗi hệ thống giáo dục.

Muốn thay đổi hệ thống giáo dục phải từ đầu ra, mỗi giai đoạn sẽ có đầu ra khác nhau. Do đó nền kinh tế phải phát triển và định hướng phát triển lâu dài, có như vậy mới xây dựng được chương trình giáo dục và đào tạo mới hiệu quả.

Ở nước ngoài, hầu hết trường đại học chỉ phân biệt với nhau qua thương hiệu, các công ty cũng vậy, chỉ cần nói làm việc ở đó là đủ rồi, không cần phải nói bằng này cấp kia. Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp lâu dài là điều tất yếu trong phát triển, thương hiệu cho trường đại học, dù nhỏ hay lớn, bằng thực chất chứ không cần phân biệt bằng các từ 4.0, chất lượng cao/thấp hay học vị hay những từ ngữ, danh hiệu dài dòng vô nghĩa.

Nhìn lại nền giáo dục đại học trong nước, ông Cảnh nhận định, đại học Việt Nam thiếu triết lý giáo dục toàn diện và chưa phát huy tinh thần sáng tạo, khó tiếp cận và hội nhập nền kinh tế trí thức toàn cầu đang diển ra. 

"Tuy nhiên, hiện cũng đã có những tín hiệu khả quan thể hiện ở sự đồng thuận xây dựng mô hình tự chủ đại học trên diện rộng, về mặt chủ trương tôi cho là ổn, vấn đề còn lại là cấu trúc thế nào để bảo đảm tính trách nhiệm và quyền quản lý, điều hành trường hiệu quả? Vai trò của Bộ Giáo dục và đào tạo là bộ quản lý Nhà nước theo luật giáo dục và giáo dục đại học?

Ở Mỹ có 4.600 đại học, khoảng trên dưới 100 trường đại học lớn nhỏ đào tạo lực lượng ưu tú và tài năng, phần lớn còn lại là đa dạng theo nhu cầu công việc, nghề nghiệp của nền kinh tế. Hai năm đầu cơ bản các trường đào tạo nền tảng, tư duy, sáng tạo.. sau đó mới đi vào chuyên ngành.

Tôi kể câu chuyện vui nhưng cũng nói lên tinh thần giáo dục khai phóng trong các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Ngày xưa muốn làm môn sinh của các võ phái lớn như phái Thiếu Lâm bên Trung Quốc, môn sinh phải thụ giáo từ lúc 12 - 13 tuổi. Trong 2 - 3 năm đầu không được dạy võ gì hết, công việc chính của các môn đệ là gánh nước mỗi ngày từ dưới núi lên, lấy củi, chặt cây và luyện thể lực lẫn cách hít thở, giáo dục đạo đức và tự kỷ luật bản thân. 

Sau khi được các sư đánh giá là đủ sức lực và nền tảng trí tuệ, lúc đó mới được truyền võ thuật, nếu không đạt thì phải xuống núi sớm. Giáo dục khai phóng cũng theo hướng này, hai năm đầu đại cương, trí tuệ và nâng thể lực sau đó mới vào chuyên ngành", ông Cảnh cho biết.