Giám đốc World Bank Việt Nam: Việt Nam chưa thể nhảy vọt vào nền kinh tế tri thức

Quỳnh Chi - 08:25, 06/07/2018

TheLEADERNền kinh tế tập trung công nghệ có tiềm năng mở ra cơ hội gia tăng việc làm có chất lượng tốt hơn song chỉ 8% lực lượng lao động ở Việt Namcó trình độ đại học để có thể tận dụng được cơ hội này.

Giám đốc World Bank Việt Nam: Việt Nam chưa thể nhảy vọt vào nền kinh tế tri thức
Ông Ousmane Dione, giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (World Bank), sự phát triển bền vững và cạnh tranh của Việt Nam hiện đang bị tác động mạnh mẽ bởi bốn xu hướng lớn.

Một trong những xu hướng lớn được lãnh đạo World Bank nhấn mạnh là sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức và tự động hóa. Theo đó, không có gì ngạc nhiên khi người lao động thế kỷ 21 đòi hỏi phải có một nhóm kỹ năng phức tạp hơn trước đây đặc biệt là khi máy móc đang đảm nhận các công việc thủ công và lặp lại, cùng với đó là nhu cầu ngày càng lớn của một lớp người tiêu dùng ngày càng đông đối với các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao. 

"Nhu cầu về lao động chân tay sẽ ít hơn, chẳng hạn như công việc bốc vác tại các bến cảng. Thay vào đó, người lao động với nhiều kỹ năng kiến thức chuyên sâu, chẳng hạn như hiểu biết về máy tính hay ngành logistics, sẽ là cần thiết để đảm bảo rằng các lô hàng vận chuyển chính xác và đúng giờ", ông Ousmane Dione dẫn chứng.

Tuy nhiên, lãnh đạo World Bank nhận định, một thách thức quan trọng ở Việt Nam là chỉ có 8% lực lượng lao động có trình độ đại học, chưa đủ để tạo bước nhảy vọt vào nền kinh tế tri thức. Các dân tộc thiểu số, người lao động lớn tuổi và một số nhóm thanh niên ở Việt Nam đặc biệt sẽ đối mặt với rủi ro. 

Do đó, ông Ousmane Dione cho rằng, trong khi một nền kinh tế tập trung công nghệ có tiềm năng mở ra cơ hội gia tăng việc làm với chất lượng tốt hơn, người lao động cần được trang bị bộ kỹ năng hợp lý để vượt cơn sóng này.

Trong khi đó, xu thế thay đổi thương mại theo hướng chậm lại đang tạo ra cạnh tranh lớn hơn cho các nước như Việt Nam. Việt Nam đã được hưởng lợi từ một khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh - là một động lực mạnh mẽ cho dòng chảy thương mại, đồng thời trực tiếp sử dụng 2.4 triệu người lao động. 

Tuy nhiên, các nước láng giềng như Campuchia và Myanmar đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút việc làm sản xuất tay nghề thấp. Trong một số trường hợp, ông Ousmane Dione nhận định, sự thay đổi công nghệ nhanh chóng thậm chí còn dẫn đến việc công ăn việc làm quay trở về nước sở tại của FDI.

Để tạo lợi thế, đại diện World Bank cho rằng Việt Nam nên khai thác các hình thái thương mại mới đồng thời tận dụng lợi thế của nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa gia công của một lớp người tiêu dùng đang lớn mạnh ở châu Á.

"Tại Hà Nội, chúng ta thấy các trung tâm mua sắm như Aeon Mall, Royal City và Lotte có rất đông các gia đình vào dịp cuối tuần. Các gia đình trung lưu hiện nay có thời gian và tiền bạc cho các hoạt động giải trí, và điều này sẽ chỉ tăng trong những năm tới", ông Ousmane Dione nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Việt Nam sắp trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử loài người cũng đang là một xu hướng hay nói đúng hơn là một thách thức lớn khác đối với Việt Nam. 

Ông Ousmane Dione cho biết, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã lên tới đỉnh điểm và đang giảm vào năm nay. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa là cứ năm người thì có một người là người cao tuổi. 

Điều này được nhận định sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn và đến lao động nữ do họ có thể chịu nhiều gánh nặng nhất trong việc phải chăm sóc người cao tuổi. Mặt khác, ngành công nghiệp chăm sóc có thể sẽ mở rộng để phục vụ cho người cao tuổi, như đang diễn ra ở các nước châu Á phát triển, châu Âu và Mỹ.

Một xế hướng khác cũng quan trọng không kém được lãnh đạo World Bank chỉ ra là vấn đề biến đổi khí hậu. Ông cho rằng với những ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi trong cách chúng ta sản xuất và kinh doanh là cần thiết, và cần thiết chuyển đổi ngay. 

"Các nhà sản xuất hàng hóa sơ cấp có thể quan tâm đến hạn hán, hoặc lũ lụt, cây trồng hoặc vật nuôi kháng bệnh. Các công ty khai thác du lịch có thể đa dạng hóa sản phẩm tới các vùng ít bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao hoặc nhiệt độ cao", ông Ousmane Dione lấy ví dụ.

Theo ông Ousmane Dione, sự phát triển bền vững và cạnh tranh của Việt Nam phụ thuộc vào việc có được một nền kinh tế có khả năng chống chịu các xu hướng lớn, và đồng thời phát triển và triển khai các loại vốn khác nhau bao gồm: thể chế, con người, vật chất do con người tạo ra, và tự nhiên. 

Tuy nhiên, để Việt Nam có thể vững vàng trước các xu hướng lớn, lãnh đạo World Bank cho rằng bốn loại vốn này phải được phát triển và sử dụng một cách đầy đủ, công bằng và hiệu quả. 

Theo đó, phải giảm chi phí phát triển tất cả các loại vốn; đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận, và phải tạo ra chất lượng cao nhất có thể. Một số vốn, đặc biệt là vốn nhân lực, mất nhiều thời gian hơn để phát triển nhưng có lợi nhuận cao. 

"Vì vậy, thời gian là quan trọng và chúng ta phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu rủi ro hoặđịnhm bắt đầy đủ các cơ hội mà các xu hướng lớn đem lại", lãnh đạo World Bank nhận định.