Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững với định hướng công dân toàn cầu

Phạm Sơn - 20:26, 07/10/2020

TheLEADERTrong bối cảnh toàn cầu hóa, năng lực của người lao động cũng cần phải được phát triển theo hướng toàn cầu về cả suy nghĩ, nhận thức và quy mô để có thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững với định hướng công dân toàn cầu

Kỷ nguyên công nghệ và toàn cầu hóa đã làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế, xã hội từng ngày từng giờ, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với tiến trình xây dựng, phát triển nền kinh tế, đảm bảo ổn định và công bằng xã hội cũng như giữ gìn các giá trị văn hóa cho các quốc gia.

Chương trình giáo dục công dân toàn cầu thuộc Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhận định, phát triển công dân toàn cầu sẽ là một trong những giá trị trị căn bản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững cho các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.

Trở thành công dân toàn cầu để không bị tụt hậu so với khu vực và quốc tế cũng là một trong những trọng tâm mà Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắn gửi tới các em tân sinh viên tiêu biểu tại Lễ khai khóa năm học 2020 – 2021 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức vừa qua.

Trên tinh thần đó, trong khuôn khổ hợp tác giữa trường Đại học Thương mại, trường Đại học Lao động xã hội cùng các cơ sở đào tạo đại học và tổ chức, doanh nghiệp khác đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững với định hướng công dân toàn cầu.
GS. TS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại cho biết, phát triển nhân sự theo hướng công dân toàn cầu sẽ là lời giải cho bài toán nhân lực nhằm đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

Với tinh thần độc lập, nghiêm túc và khách quan, hội đồng chuyên môn của Hội thảo đã tiến hành đánh giá, thẩm định 120 bài viết khoa học được gửi về, chọn ra và tổng hợp 80 bài viết để xây dựng kỷ yếu Hội thảo.

Các bài viết được chọn đều thể hiện hàm lượng nghiên cứu khoa học cao, có giá trị thực tiễn và gợi mở ra nhiều giải pháp, hàm ý chính sách để tối ưu hóa hiệu quả xây dựng và nâng cao trình độ nguồn nhân lực theo định hướng công dân toàn cầu cũng như tận dụng tối đa nguồn nhân lực này để tăng cường nội lực đất nước, khẳng định vị thể Việt Nam trên trường quốc tế.

Giá trị công dân toàn cầu và đề xuất chính sách cho Việt Nam

Theo các chuyên gia, công dân toàn cầu là những người có tư duy, tầm nhìn và tri thức mang tính toàn cầu, được thể hiện bởi không chỉ kỹ năng, vốn hiểu biết hay kinh nghiệm đa dạng, phong phú mà còn là thái độ sống tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, có cái nhìn tôn trọng tính đa dạng và cởi mở, sáng tạo trong học tập, làm việc.

Định hướng phát triển nguồn nhân lực công dân toàn cầu đòi hỏi nỗ lực hợp tác của các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng như doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư.

Cụ thể, ngoài những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, các bên liên quan cần cung cấp và tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp thu những quan điểm đúng đắn, những giá trị sống tích cực để họ có thể đóng góp và xây dựng giá trị chung cho cộng đồng, bởi “có tài mà không có đức là người vô dụng”.

Giáo dục công dân toàn cầu còn cần đặt trọng tâm vào khả năng thích ứng với mọi môi trường, hoàn cảnh để có thể phát huy năng lực mà không bị giới hạn bởi những rào cản về không gian và thời gian.

Đặc biệt, nhà nước luôn nắm vai trò dẫn dắt định hướng công dân toàn cầu, thông qua các chính sách đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới cơ chế phát triển trọng dụng nhân tài cũng như các chính sách chi tiêu công cần đặt trọng tâm vào giáo dục, đào tạo.

Các chuyên gia đề xuất, xã hội hóa để huy động nguồn vốn trong cộng đồng có thể giúp nâng cao hiệu quả phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu. Cùng với đó, chương trình giáo dục cần phải được cải cách mạnh mẽ, tăng cường hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, chú trọng đào tạo kỹ năng thực tiễn, thường xuyên cập nhật thông tin quốc tế, đẩy mạnh nâng cao thể chất sức khỏe và tinh thần.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Đinh Văn Sơn cho biết, các ý kiến đóng góp từ Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và báo cáo lên cơ quan quản lý để làm tư liệu xây dựng đề xuất chính sách nhằm nâng cao chất lượng lao động trong thời gian tới.