Ngân hàng đối mặt rủi ro nợ tái cơ cấu

Trần Anh - 10:01, 20/01/2021

TheLEADERKết quả tài chính sơ bộ năm 2020 của một số ngân hàng lớn ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, nhiều khả năng do đẩy mạnh trích lập dự phòng. Đây được xem là bước chuẩn bị cho sự không chắc chắn trong dự phóng nợ xấu mới hình thành, chuyển nhóm nợ và thu hồi nợ tái cơ cấu vào năm 2021.

Trong bối cảnh nền kinh tế đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ, số lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng vọt, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận tốt. 

Một số ngân hàng vẫn đạt được thu nhập lãi thuần cao, nhờ vào cho vay các phân khúc ít bị ảnh hưởng, trong khi lợi nhuận của một số ngân hàng khác được hỗ trợ bởi khoản phí trả trước từ các hợp đồng bancassurance độc quyền, cơ hội đến từ thị trường vàng biến động, chênh lệch tỷ giá mở rộng và lãi suất giảm sâu.

Bên cạnh đó, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cũng nhờ vào việc cơ cấu nợ và duy trì giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng đã giúp giảm áp lực trích lập cho các khoản cho vay tái cơ cấu.

Các ngân hàng dường như cũng sẽ có thêm thời gian để xử lý nợ tái cơ cấu khi văn bản mới trình Bộ Tài chính lấy ý kiến, dự thảo sửa đổi Thông tư 01 yêu cầu các ngân hàng thương mại duy trì giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại các khoản nợ bị ảnh hưởng, miễn và giảm lãi suất cho các khách hàng đủ tiêu chuẩn, và quan trọng là bắt đầu trích lập dự phòng cho các khoản nợ được cơ cấu lại dựa trên bản chất của các khoản vay.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất kéo dài thời gian trích lập dự phòng cho các ngân hàng theo lộ trình kết thúc vào năm 2024. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tăng chi phí dự phòng và cho các ngân hàng thời gian xử lý nợ xấu.

Mặc dù vậy, một số ngân hàng lớn đã công bố kết quả tài chính sơ bộ năm 2020 ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể. Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6% từ mức 1% trong quý 3/2020. Vietinbank cũng chứng kiến tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1% từ mức 1,9% trong 9 tháng 2020. Nợ xấu của TPBank giảm từ 1,8% xuống 1,1% sau quý 4 hay MBB giảm từ 1,5% xuống 1,1%.

Nhóm phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán một khoản trích lập dự phòng lớn đã được sử dụng để xóa nợ xấu. Đây có thể là bước chuẩn bị cho sự không chắc chắn trong dự phóng nợ xấu mới hình thành, chuyển nhóm nợ và thu hồi nợ tái cơ cấu vào năm 2021.

Dù được hỗ trợ bởi Thông tư 01, nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra thận trọng. Nền chi phí dự phòng tiếp tục được giữ ở mức cao để trích lập dự phòng từng phần cho khoản nợ tái cơ cấu.

Trong đó, các ngân hàng quốc doanh đang mức tăng chi phí tín dụng thấp hơn do cách tiếp cận thận trọng đã mang lại cho họ bộ đệm tốt hơn.

Chi phí tín dụng hiện tại của các ngân hàng quốc doanh (1,5%) dự kiến sẽ đủ để bao phủ 50% nợ tái cơ cấu bị chuyển nhóm thành nợ xấu (tương đương 1% tổng dư nợ) và nợ xấu mới hình thành (1% tổng dư nợ) trong hai năm, giả định là không có sự gia tăng đáng kể trong tỉ lệ nợ xấu mới hình thành hoặc nợ tái cơ cấu.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng tư nhân lớn dường như đang kỳ vọng tỷ lệ hạ nhóm của nợ tái cơ cấu thấp, kinh tế phục hồi mạnh và nợ xấu mới hình thành ở mức vừa phải.

Đánh giá về rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng trong năm 2021, VDSC cho rằng nhờ tín hiệu tích cực từ Thông tư 01, tình hính vẫn sẽ được duy trì ổn dịnh. Các ngân hàng thận trọng trong trích lập rủi ro tín dụng vào năm 2020, như Vietcombank hay Techcombank sẽ ít gặp áp lực hơn. Các bộ đệm dự phòng có thể được sử dụng để hỗ trợ lợi nhuận như giảm chi phí, thu nhập từ khoản phí trả trước, thu nhập từ thu hồi nợ xấu hoặc cuộn lợi suất danh mục trái phiếu chính phủ.