Người dân biết hàng nhái nhưng vẫn tiếp tay

Uyên Phương - 08:33, 28/11/2017

TheLEADER“Về phía người dân, vẫn còn nhiều người tiêu dùng mặc dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn tiếp tay, vẫn sử dụng bởi họ mới thấy lợi ích trước mắt, không thấy hậu quả khôn lường của hàng giả, chưa thấy được tác hại to lớn với cộng đồng, nền sản xuất trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng chân chính” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết.

Người dân biết hàng nhái nhưng vẫn tiếp tay
Hàng giả, hàng nhái lộng hành do có sự tiếp tay của người dân (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM bắt mỹ phẩm lậu)

Ngày 27/11, tại TP. HCM, Bộ Công Thương, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (2007-2017). Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tham dự lễ kỷ niệm.

Bức xúc với tình trạng sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh cho hay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Từ việc làm nhái thương hiệu đến việc truy bắt, xử lý các vụ làm hàng giả, quy mô sản xuất lớn lên đến hàng chục tỷ đồng ở TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Đơn cử, trong hai năm 2015 – 2016, doanh nghiệp liên tiếp phát hiện đối tượng sản xuất ống PVC-U giả. Trong đó, vụ 2016 đã được đưa ra xét xử nhưng công ty không được mời dự với tư cách người bị hại hoặc các bên có nghĩa vụ liên quan. Công ty Bình Minh đã kháng án và mới nhận được giấy triệu tập tại tòa sẽ xử lại vào ngày 29/11 tới. Trong khi, đối tượng vi phạm đã hoàn thành thời gian thi hành án và được trả tự do. “Còn vụ năm 2015 với quy mô lớn, trị giá hàng hóa lên đến hàng tỷ đồng. PC46 Công an TP.HCM bắt quả tang, báo chí đưa tin rầm rộ… Thế nhưng không hiểu vì lý do gì lại tạm đình chỉ, không gia hạn thời gian điều tra. Chúng tôi thực sự bối rối, không biết xoay sở thế nào để tiếp tục theo đuổi vụ án đến cùng” – ông Hải bức xúc.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thừa nhận, thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất... Đây là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sản xuất, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.

Theo hiệp hội, cần phân rõ đầu mối giữa các lực lượng thực thi như công an, quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành và hệ thống thanh tra; công tác giám định hàng hoá cần khắc phục những hạn chế như cho các kết quả khác nhau, thời gian lâu; kinh phí cho các lực lượng còn hạn hẹp, ngăn chặn cho được việc mua hàng kém chất lượng của nước ngoài rồi về dán nhãn mác Việt Nam để tiêu thụ đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến các sản phẩm hàng hoá, gây hậu quả khôn lường cho nền sản xuất trong nước.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp. 

“Đây không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan thực thi mà còn trách nhiệm của Hiệp hội và chính các doanh nghiệp. Những đối tượng liên quan đến gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái còn tồn tại là do sơ hở, thiếu sót về thể chế, lãnh đạo chưa phát huy hết sức mạnh toàn hệ thống chính trị và xã hội” - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.

Lĩnh vực chống hàng giả là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. "Chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm pháp luật” - Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ và cho biết, còn nhiều người tiêu dùng mặc dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn tiếp tay, vẫn sử dụng bởi họ mới thấy lợi ích trước mắt, không thấy hậu quả khôn lường của hàng giả, chưa thấy được tác hại to lớn với cộng đồng, nền sản xuất trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng chân chính.