Người dân ngày càng chọn môi trường thay vì kinh tế

Quỳnh Chi - 15:27, 03/04/2019

TheLEADERMặc dù lợi ích kinh tế như tạo việc làm hoặc đóng góp thuế cho nhà nước có tác động tới việc người dân ủng hộ mời một dự án đầu tư vào địa phương, song lợi ích về môi trường là yếu tố tác động lớn nhất tới sự ủng hộ của người dân đối với dự án đó.

Khi Việt Nam ngày càng phát triển, nền quản trị và hành chính công sẽ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức hơn, trong đó có vấn đề môi trường. 

Theo báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2018) vừa công bố, hiện tượng dự án hoặc doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường bằng cách chung chi với chính quyền khi đầu tư vào địa phương là nguyên nhân dẫn tới nhiều xung đột, mâu thuẫn giữa người dân và doanh nghiệp hoặc Nhà nước xung quanh vấn đề môi trường trong vài năm trở lại đây. 

Các chuyên gia đánh giá, những vấn đề môi trường mới nổi lên ở Việt Nam có thể dẫn tới việc người dân ngày càng nhạy cảm với hệ luỵ môi trường của các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Người dân đánh giá chất lượng nước và chất lượng không khí có xu hướng xấu dần đi trong ba năm qua.

Khảo sát PAPI 2018 cho thấy, những lợi ích về mặt kinh tế như tạo việc làm hoặc tổng tiền thuế doanh nghiệp đang xin cấp phép đầu tư có thể mang lại cho địa phương ảnh hưởng tới việc người dân ủng hộ mời đầu tư. Lợi ích kinh tế mong đợi từ dự án đầu tư càng lớn, dự án càng nhận được nhiều lời ủng hộ.

Tuy nhiên, tác động môi trường lại có ảnh hưởng lớn nhất tới sự ủng hộ của người dân, ở mọi tầng lớp xã hội, đối với một dự án. Năm 2016, 69% số người được khảo sát chọn bảo vệ môi trường, cho dù phải từ bỏ các lợi ích kinh tế. Con số này đã tăng lên 74% trong năm 2018. 

Dù có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao, song khi tác động môi trường của dự án đầu tư tăng lên một mức, mức độ ủng hộ của người dân dành cho dự án đó cũng sẽ giảm đi đáng kể. 

Ngoài lựa chọn nhà đầu tư vào địa phương, người dân cũng chia sẻ quan điểm về lựa chọn loại hình nhà máy điện đầu tư vào địa phương bởi loại hình này có thể là nguồn cơn gây tác động tới chất lượng không khí ở địa bàn dân cư và là nguồn tạo phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. 

Là một quốc gia vừa sản xuất, vừa tiêu thụ than, chất lượng không khí gần khu vực khai thác và sử dụng than đang là mối quan ngại ngày càng lớn đối với người dân ở nhiều vùng trên cả nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, người dân Việt cũng đang nhận thức rõ hơn về vấn đề này. 

Khảo sát PAPI 2018 cho thấy đa số người dân cho biết sẵn sàng trả thêm tiền điện nếu điện họ sử dụng bắt nguồn từ nhà máy điện sử dụng nhiên liệu tái tạo thay cho nhà máy điện chạy bằng than, thậm chí là than sạch. Song, mức độ sẵn sàng trả thêm tiền điện để có được năng lượng điện sạch cũng gắn theo điều kiện nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu tái tạo không gây gián đoạn trong cung ứng, nghĩa là đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng.

Các chuyên gia cho rằng, mọi quyết định lựa chọn dự án phát triển nguồn điện của Nhà nước cần được đưa ra lấy ý kiến công chúng đầy đủ nhằm đảm bảo mọi ý kiến của người dân được lắng nghe và bàn bạc công khai, tránh xung đột tiềm ẩn khi triển khai các dự án tại địa phương.