Người lao động Việt Nam hạnh phúc thứ nhì khu vực Đông Nam Á

Quỳnh Như - 17:50, 07/12/2017

TheLEADERTheo khảo sát SEEK Asia, người lao động Việt Nam hạnh phúc thứ nhì Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia. Tất cả là nhờ FDI tăng trưởng ấn tượng, kèm theo nhu cầu thị trường lao động luôn lớn, tỷ lệ tăng lương cao nhất khu vực.

Người lao động Việt Nam hạnh phúc thứ nhì khu vực Đông Nam Á
Bà Angie Phang, Giám đốc Kinh doanh và Điều hành SEEK Asia khu vực Đông Nam Á – kiêm CEO Jobstreet, trình bày tham luận. Ảnh: QN

Để có một bức tranh toàn cảnh về thị trường nhân lực Đông Nam Á, SEEK Asia đã làm nhiều cuộc khảo sát qua sáu quốc gia phát triển nhất là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Đồng thời, tất cả khảo sát xuyên suốt từ đầu năm 2017, với 11.000 người đến 50.000 người tham gia các cuộc thăm dò chỉ số khác nhau.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, chỉ số hạnh phúc của người lao động Việt Nam trong năm 2017 là 5,19, riêng 6 tháng đầu năm là 4,99; tăng rất nhiều so với năm ngoái: 4,48%. Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, với các chỉ số tương ứng: 5,27 – 5,05 – 5,16. Nước có chỉ số hạnh phúc tệ nhất khu vực là Singapore: 4,31.

Sở dĩ, chỉ số hạnh phúc của người lao động Việt tăng vọt so với các nước láng giềng (từ thứ 4 lên thứ 2) là nhờ FDI tăng trưởng ấn tượng. Trong 10 tháng đầu năm 2017, Việt Nam thu hút 28,24 tỷ USD vốn FDI, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất là TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bắc Ninh.

Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên, khi thị trường nhân sự Việt Nam sôi động nhất so với khu vực. Theo khảo sát, tại Việt Nam, có 68% doanh nghiệp tiết lộ sẽ mở rộng và tuyển thêm người, thứ nhì là Philippines với 64% và thứ 3 là Thái Lan cùng 43%. Thị trường nhân sự của Singapore gần như đóng băng khi có tới 50% doanh nghiệp trả lời sẽ không tuyển, tuyển ít hơn năm ngoái hoặc năm sau mới tuyển.

Chín ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất tại Việt Nam theo thứ tự từ cao đến thấp: Sản xuất, buôn bán, xây dựng – kỹ thuật, thực phẩm – đồ uống, xuất bản - truyền thông, ngân hàng – tài chính, kế toán – kiểm toán, bán lẻ, khách sạn. Ba vị trí dẫn đầu cũng chính là những ngành có tỉ lệ vốn FDI cao nhất.

Chưa hết, Việt Nam là đất nước có tỷ lệ tăng lương cao nhất khu vực: 24%, tiếp theo là Philippines và Indonesia, cùng 20%. Trong tất cả, giám đốc cao cấp là vị trí tăng lương nhiều nhất, còn trung bình Đông Nam Á là quản lý trung cấp.

Thực ra, thị trường nhân sự của Việt Nam không phải toàn màu hồng, chúng đang ẩn chứa vài nguy cơ xấu. Cũng theo đợt khảo sát này, gần 50% nhà tuyển dụng cho rằng, vấn đề khó khăn nhất của họ khi tìm người là tuyển những ứng viên có kỹ năng phù hợp với công việc, nhất là trong ba ngành xây dựng – kỹ sư, công nghệ thông tin và sản xuất. Đặc biệt khó nữa là tuyển cấp giám đốc – trưởng phòng (37%).

Hậu quả: Nhà tuyển dụng tại Việt Nam chỉ mất trung bình 28 tháng để thăng chức một nhân viên, ít hơn so với chuẩn chung trong khu vực, nhằm giữ chân và đảm bảo sự kiện toàn về nhân sự. Do các doanh nghiệp mở rộng không ngừng, có tới 48,29% công ty Việt luôn có nhu cầu nhân sự phát sinh trong thời gian ngắn, không thể tuyển được ứng viên hàng đầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa làm tốt vai trò của mình để giữ chân nhân sự tốt; họ thường thiếu hiệu quả trong quản lý, không có các chương trình đào tạo nâng cao, không cho nhân viên thấy cơ hội thăng tiến. Trong khi hiện tại, các lao động có rất nhiều cổng thông tin để tìm việc và nhảy việc.