CEO Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm: Nhiều bạn trẻ còn lơ mơ về khởi nghiệp
Khởi nghiệp mà theo kiểu "con trâu cái cày, buôn gánh bán bưng" hoặc sao chép thì chỉ làm nghèo thêm cho đất nước thôi.
25 câu chuyện nhỏ trong Người thả diều của chị Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food là những đúc kết của cả mấy chục năm tận tâm với nghiệp, tận tâm với con người, nhất là những người trẻ.
"Hai phần ba nội dung Người thả diều là những trải nghiệm thăng trầm trong kinh doanh của một nữ doanh nhân giàu tâm huyết say mê công việc. Những câu chuyện được kể chân tình, như rút ruột, từ ngữ không trau chuốt hoa mỹ, hô hào, tạo phấn khích cho độc giả ngay lúc đọc, nhưng nó thực sự lắng đọng và thú vị. Có bao giờ chuyện khốc liệt trong chiến tranh và gay gắt trên thương trường được kể lại một cách nhẹ nhàng, duyên dáng rất là nữ tính và đầy ắp yêu thương như thế!".
Đó là cảm xúc của chị Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT- CEO PNJ khi nói về Người thả diều, cuốn sách vừa xuất bản của chị Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food.
Người thành đạt nhiều, nhưng người phụ nữ Việt Nam thành đạt và hạnh phúc không nhiều lắm và cũng không phải ai cũng dành được thời gian để viết, để chia sẻ. 25 câu chuyện nhỏ trong Người thả diều của chị Lê Thị Thanh Lâm là những đúc kết của cả mấy chục năm tận tâm với nghiệp, tận tâm với con người, nhất là những người trẻ.
Cuốn sách thực sự là cẩm nang “gối đầu giường” cho những startup với những bài học sống đầy thử thách và vô cùng chân thực về trui rèn bản lĩnh, nuôi dưỡng ước mơ và xây dựng thương hiệu cá nhân một cách nghệ thuật…
Có rất nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, xây dựng thương hiệu Saigon Food từ khi chưa ai biết đến khi trở thành một ngọn hải đăng của ngành xuất khẩu thủy hải sản và thực phẩm tươi cho thị trường nội địa lần đầu tiên được tiết lộ. Những giọt mồ hôi, thất bại là cả quá trình bền bỉ theo đuổi một dòng sản phẩm của bộ phận R&D, để trở thành nhà cung cấp thực phẩm tươi chủ lực cho 7-Eleven với hơn 50 món ăn tươi, và niềm vui bất ngờ của chị khi có thêm một nick name mới: người bán xôi!
Cả những kinh nghiệm đầy ứng biến trong xử lý khủng hoảng truyền thông, biến nguy thành cơ một cách ngoạn mục với phương châm “Không điều tồi nào tệ hết, nếu chúng ta minh bạch mọi chuyện, ứng biến kịp thời để xử lý và chuyển hóa tình hình. Điều đó cũng nhờ xuất phát từ tinh thần mạnh mẽ trong nỗ lực bảo vệ sự thật, bằng mối quan hệ tốt với giới truyền thông…”.
Làm thuê với tâm thế của người chủ, chị đã truyền dẫn tinh thần đó đến mọi nhân viên, biến Saigon Food thành mái nhà thân yêu cho tất cả, để cùng nhau vì mục tiêu chung. Đến bây giờ, thương hiệu cá nhân của chị đồng hành cùng thương hiệu Saigon Food như một phần không thể tách rời.
Người thả diều vừa xuất bản, nhiều sinh viên tìm đọc và rất thích, nhiều giám đốc đọc xong mua tặng cho nhân viên… đến nay Saigonbooks đã tính tái bản lần hai. Hỏi chị vì sao lại lấy tên cuốn sách là Người thả diều? Chị thổ lộ: “Trong một lần chia sẻ với các bạn trẻ trong công ty tôi lấy hai hình tượng lục bình trôi sông là người sống không có mục tiêu, và người thả diều là người có mục tiêu cuộc đời và lập kế hoạch để thực hiện mục tiêu ấy để so sánh. Không ngờ, sau lớp học đó, các bạn cứ trao đổi với nhau, không muốn mình là lục bình trôi sông, mà muốn thành người thả diều. Từ đó hai hình ảnh tương phản này đã đưa vào bài giảng Xây dựng thương hiệu cá nhân với các bạn startup. Đi đâu, tôi cũng nói với các bạn “Hãy là người thả diều, một người thả diều có kỹ thuật để những cánh diều luôn bay cao trong tầm mắt. Và đây cũng là một bài “ đinh” của quyển sách …
Với tuổi trẻ đầy hoang mang, làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi về bản thân, về cuộc sống, để là chính mình? Câu chuyện Chèo chống nỗi sợ hãi qua sông của chị là ký ức về một tuổi thơ dữ dội thời chiến tranh đã hình thành nên bản lĩnh rắn rỏi, sẵn sàng đương đầu với thử thách.
“Hồi xưa tôi đi học phải bơi xuồng qua một dòng sông rồi đi bộ tiếp đến trường. Thời chiến tranh, có hôm người nhà đưa qua sông, có hôm mình phải tự chèo xuồng. 13 tuổi tôi đã biết tự chèo xuồng qua sông. Mỗi lần chèò xuồng là phải xăn quần, lội sình. Lúc đi học thì nước cao, lúc về nước cạn, xuồng nằm chỏng chơ trên sình, phải cột hai vạt áo dài lên cổ, gò lưng đẩy xuồng xuống sông. Cực thôi, nhưng tôi sợ nhất là lúc chèo xuồng giữa dòng sông mà súng đạn nổ, không biết trú ẩn vào đâu…Nỗi sợ này đã ám ảnh tôi suốt thời thơ ấu…”
Vậy làm thế nào để chị vượt qua nỗi sợ hãi?
“Sống chung với nỗi sợ hãi… và cũng từ đó mà lớn lên thôi. Nhà dưới thời chiến tranh nhà nào cũng phải có hầm, một không nóc, một có nóc. Lúc nào giao tranh căng thẳng đêm phải ngủ trong hầm không nóc, khi có bom pháo phải nhào vào trong hầm có nóc. Sống trong lo sợ, không biết cái chết xảy ra bất cứ lúc nào. Gia đình cô ruột tôi đã bị mooc chê rơi vào hầm trong lúc đang ngủ, bảy người đều chết, trong đó có đứa con gái của cô bằng tuổi tôi. Lúc nhỏ, ba đi làm cách mạng, mẹ không làm khai sanh được cho tôi, trong thời khó khăn cùng cực đó, mẹ phải lấy giấy khai sanh của đứa em gái đã chết tên Nguyễn Thị Ánh Hồng cho tôi đi học!”
Dưới quê muỗi rất nhiều, buổi tối học bài mình phải tròng một cái quần khác vô hoặc quấn cái mền cho muỗi khỏi cắn, nhưng khi đạn bắn vội vàng chạy vô hầm quên là mình đang quấn mền, té lăn cù hoài… Thực sự những người trải qua giai đoạn tuổi thơ khó khăn như vậy khi kinh doanh khó khăn mình chẳng thấy có gì ghê gớm, vì đâu có ảnh hưởng đến sự sống, cái chết như ngày xưa!
Ngay từ thời đó tôi đã mê lên Sài Gòn học đại học, lý do chỉ là muốn có cuộc sống yên ổn thôi, không có ước mơ gì lớn cả. Thế là bằng mọi giá phải học thật giỏi đế được lên Sài Gòn. Chính bản lĩnh đó đã giúp mình biết ứng xử với những hoạn nạn xảy ra… Nhiều em sinh viên sau khi đọc sách đã thổ lộ với tôi: “ Con không thể tưởng tượng được cảnh cô cột hai vạt áo dài lên cổ rồi lội xuống đò!”… Các em không thể tưởng tượng được, vì bây giờ sống sung sướng quá, nên khi ra đời gặp khó khăn rất dễ nản, suy sụp liền. “Trở ngại” cho đường lập thân của các bạn chính là sự quá đầy đủ! Ngày xưa chúng tôi “ vượt khó”, còn bây giờ các em "vượt sướng"!
Muốn thành công phải bền chí. Muốn bền chí phải trui rèn bản lĩnh. Bản lĩnh không tự dưng mà có, phải được hình thành từ những trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, để từ đó ta vụt lớn dậy, đầy rắn rỏi…
Là người có công trong việc giúp cho người phụ nữ Việt Nam được nhàn nhã hơn khi vào bếp, với những món ăn truyền thống được đóng gói sẵn hấp dẫn, nhưng ít ai biết động lực khiến chị sáng tạo ra những món ăn ấy khởi nguồn từ một nỗi niềm chôn giấu trong lòng từ thủa thiếu thời?
Chuyện trái mận rụng thủa thiếu thời đã đi theo tôi trong suốt những năm tháng trưởng thành. Vùng Mỹ Tho Tiền Giang quê tôi nổi tiếng mận Hồng Đào, nhà trồng mận rất nhiều, mình đi học một buổi, một buổi về phụ mẹ hái mận. Mẹ phân chia rất rõ, mận trên cây để riêng, còn trái mận rụng mẹ bảo để cho sinh hoạt riêng của mẹ. Mẹ phân ra tới ba loại mận rụng, loại thứ nhất lau sơ đóng vô giỏ đem bán cho những nhà dân quê bên kia sông không có vườn…Thường loại thứ hai bị chim ăn nửa trái, dập một bên, loại đó mẹ bắt lựa ra, cắt bỏ phần hư, còn lại phơi lên, ăn ngọt dữ lắm. Loại thứ ba tệ nhất mình phải để riêng đùa xuống ao cho cá ăn.
Ngay từ nhỏ được người lớn huấn luyện thế rồi, nên sau này có ý thức kinh doanh, biết cái nào chính phẩm, phụ phẩm, để sử dụng hết không lãng phí. Nhưng mãi đến khi ra trường rồi tôi vẫn còn ấm ức tại sao nhà mình trồng mận mà không được ăn trái trên cây? Tạo sao đồ ngon thì dành để bán hết, còn người nghèo không được ăn đồ ngon? Nên khi làm thủy sản, thấy mọi người cứ nghĩ đồ ngon xuất khẩu, đồ dạt mới để cho thị trường nội địa, tôi ấm ức lắm.
Khi đảm nhận chức Phó tổng giám đốc Saigon Food, để giải tỏa nỗi đau này, tôi nhất quyết không chịu lấy hàng dạt từ xuất khẩu, mà còn nhập cả hàng chất lượng cao từ nước ngoài về, mua tôm nguyên con còn sống ở đìa lên để làm lẩu. Tôi ức chuyện người làm ra tôm cá mà phải ăn đồ không ngon lắm. Những câu chuyện rất thật như thế lại có vẻ rất lạ với tuổi trẻ bây giờ…
Tốt nghiệp đại học thủy sản, lập nghiệp của chị từng khó khăn thế nào?
Tôi tốt nghiệp 1982, thời khắc ngành thủy sản bắt đầu phát triển, ba tôi lúc đó là Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang. Ba kêu về quê, ông xã tôi khuyên ở Sài Gòn, nói không được dựa dẫm cha mẹ. Nếu về chắc giờ này tôi tiến thân bằng con đường chính trị rồi. Hai vợ chồng quyết định ở lại Sài Gòn lập nghiệp.
Nhà ở tuốt đầu quận ba, mỗi ngày đi xe đạp mười mấy cây số xuống Phú Lâm đi làm, mình nhớ hoài hai vợ chồng phải ở đậu tạm nhà ông chú trên chuồng cu. Khi ra riêng, mẹ cho một thùng gạo, hai cái chén, một cái tô, cái đĩa. Bà dì ruột cho được một chiếc chiếu với cái mùng. Không giường, cứ trải dưới sàn ngủ thôi. Nghèo đến nỗi có lần đám cưới bạn mời không có nổi tiền mừng, phải bán cả thùng gạo để lấy tiền đi đám cưới đứa bạn thân…
Tập sự ba năm làm công nhân, chính thời gian làm dưới xưởng tôi học được mọi thứ. Giờ làm lãnh đạo, nói đến kỹ thuật nào mình cũng nắm được. Xuất thân gia đình có thuyền thống ẩm thực, lại chịu cực từ nhỏ, khi vô ngành thủy sản thấy chẳng cực gì, vì đã quen rồi. Có lẽ thế nên trụ được. Một lần ba ghé nhà máy thăm, mình mặc đồ công nhân đi ủng ra gặp ba hỏi con làm gì vậy, mình nói “Con đang lột tôm”, Từ đó ba gọi mình là kỹ sư lột tôm. Câu nói đùa đó của ba khiến mình có động lực, vươn lên để khác biệt.
Từ kỹ sư đến lãnh đạo đòi hỏi nỗ lực tự thân thế nào?
Cũng có may mắn, vị giám đốc đầu tiên thử thách mình, nhưng cũng cho mình cơ hội. Từ kỹ sư tập sự được lên làm thử điều hành xưởng khi chị xưởng trưởng nghỉ ốm. Đó là bước ngoặt giúp mình chứng minh được những gì học hỏi, quan sát, áp dụng, thành công. Sau này khi chị trở lại, ông đưa tôi lên làm trưởng phòng kỹ thuật, trưởng phòng kinh doanh, rồi trợ lý giám đốc, giám đốc… Trải qua hết các vị trí từng bước rất chắc trong một đơn vị kinh doanh để trở thành lãnh đạo công ty. Từ công ty nhỏ đến công ty lớn, ra cổ phần khá vững vàng.
Tuy nhiên, nói vậy không chỉ là kinh nghiệm, mà là tất cả đam mê, xem làm việc là lẽ sống là niềm vui là hạnh phúc . Ai cũng nghĩ tôi làm chủ, dù mình chỉ có cổ phần nhỏ thôi…Bởi mình không làm với tư thế người làm thuê, mà làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời… Xuyên suốt cuốn sách thể hiện chuyện đó.
Điều mình muốn chia sẻ với các bạn sinh viên hiện nay mới ra trường, các bạn rất năng động, rất giỏi, nhưng cũng không ít người thụ động, có thả diều, có lục bình trôi sông. Thậm chí người muốn thả diều cũng không nhất thiết ai cũng phải trở thành lãnh đạo, trở thành doanh nhân. Có người trở thành chuyên gia, đi dạy, làm chuyên viên phòng thí nghiệm cũng được.
Nhưng do phong trào khởi nghiệp rầm rộ quá nên mọi người hiểu sai về khởi nghiệp. Cứ ham làm chủ mà không áp dụng gì sáng tạo công nghệ cả thì chỉ có thất bại thôi. Thông điệp tôi muốn đưa ra từ những thành công và thất bại của mình là như thế, nếu không có chuẩn bị tốt cho mình thì hãy bắt đầu bằng công việc làm thuê để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nuôi dưỡng niềm đam mê chờ cơ hội …
Trong kinh doanh và trong cuộc sống nỗi sợ nào lớn nhất mà chị đã từng trải qua?
Nổi sợ ư? Hồi nhỏ sống trong bom đạn sợ chết , bây giờ sợ già … chính ra là sợ cái ngày không còn sức khỏe để làm việc nữa vì với tôi làm việc như là lẽ sống
Cuối cuốn sách tôi có viết một bài thay lời kết “Mong những cuộc tình trọn vẹn “, có lẽ là tôi còn có nỗi sợ nữa là sợ sự phản bội của con người, vì tôi không quen với điều đó. Mỗi lần xem phim, xem kịch, đến những tình tiết căng thẳng của sự phản bội tôi thường chuyển qua kênh khác ….
Chị có thể chia sẻ chiến lược mới của Saigon Food?
Có thể nói chúng tôi đang tập trung phát triển nội lực, trong đó quan trọng nhất là nguồn nhân lực.
Tôi đang tập trung mảng huấn luyện, đào tạo cho cán bộ công nhân viên, làm sao cho đội ngũ mạnh mẽ, vững vàng. Bản thân mình cũng phải học hỏi thêm, trước giờ quản trị bằng cái tâm, như thế chưa đủ, phải ứng dụng công nghệ, học tập trong quản trị…
Chiến lược Saigon Food 5 năm nữa là phát triển song song thị trường xuất khẩu và nội địa, đưa tỷ trọng 70% xuất khẩu, 30% nội địa năm 2017 lên 50% xuất khẩu và 50% nội địa, xây dựng Saigon Food trở thành nơi làm việc đáng sống, đưa doanh thu đột phá từ 1 ngàn tỷ lên 3 ngàn tỷ, trong chiến lược phát huy nội lực và ứng dụng công nghệ… Hiện nhà máy mới đã đưa vào hoạt động, chạy 90% công suất rồi, tháng 4/2018 sẽ chạy 100% công suất.
Trong thời đại cuộc cách mạng 4.0, chị muốn truyền tinh thần nào cho toàn đội ngũ, để tạo nên bản sắc của Saigon Food?
Saigon Food có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ rất sớm, cách đây 7 năm rồi. Trong quá trình chuyển mình sang giai đoạn mới, chúng tôi muốn phát triển, làm giàu văn hóa doanh nghiệp lên hơn nữa.
Về tầm nhìn, sứ mệnh không thay đổi, nhưng về giá trị cốt lõi thì từ 3 chữ C lên 5 chữ C: Cam kết, nói thật làm thật; Chân tình, sống với nhau chân tình, trong cư xử, trong hành động phải từ trái tim; Chia sẻ, cho là nhận, cho đi để đón nhận hạnh phúc. Cải tiến không ngừng và sáng tạo liên tục. Chuyên nghiệp, suy nghĩ và hành động tích cực để đạt hiệu quả. Tuy nhiên 5 chữ C này phải nằm trong vòng tròn của chữ Tâm, mọi người đều làm việc với cái tâm của mình. Tâm ta ở đâu thì sự nghiệp ta ở đó.
Trong vai trò Phó chủ tịch hội nữ doanh nhân TP. HCM, theo chị, khó khăn nhất với người phụ nữ làm kinh doanh là gì?
Phụ nữ làm kinh doanh có nhiều lợi thế, làm thực phẩm càng có lợi thế, tuy nhiên điều tôi muốn nhắn nhủ với các bạn nữ doanh nhân là cho dù phụ nữ truyền thống hay hiện đại đều có tầm ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Nhiều nữ doanh nhân có nhược điểm có thể bước ra xã hội rất bản lĩnh, rất khoa học, nhưng về nhà lại bị tình cảm chi phối, quá chiều chuộng con, chúng ta nên cân bằng trong chuyện dạy con.
Viết đối với chị có là một đam mê? Chị tìm thấy hạnh phúc gì trong chuyện viết và chia sẻ?
Người làm lãnh đạo rất cần khả năng viết và nghệ thuật kể chuyện để truyền lửa cho nhân viên. Hồi nhỏ mình có ước mơ làm cô giáo dạy văn, thương cô nên học giỏi văn, từ nhỏ viết văn đã khá rồi, thỉnh thoảng cũng có viết bài gửi các báo…Tôi rất hay viết thư cho chồng con, cho nhân viên, cho con cái. Viết trở thành thói quen. Lãnh đạo là người lôi cuốn, dẫn dắt, tạo cảm hứng, không nói tốt, viết tốt làm sao tạo cảm hứng…
Tuy nhiên bị áp lực thời gian. Cuốn sách này có lúc nản tính dừng lại rồi đó, nhưng phải thực hiện theo cam kết với mọi người trong công ty, hứa năm nay ra sách là … về trước kế hoạch 2 tháng là để kịp sự kiện Ngày hội văn hóa của công ty… Rút ruột kể hết, chia sẻ hết. Nói về cải tiến tưởng như chỉ kỹ thuật, nhưng ngay đêm đầu tiên nhận sách về tôi đã thức suốt để đọc một lèo và nghĩ ngay đến việc tái bản phải sửa cái gì, đó cũng là cải tiến. Chỉ tội viết chưa chuyên nghiệp , còn nhiều sơ sót mong độc giả bỏ qua…
“Những câu chuyện chị kể, thật như hơi thở, từ chiến tranh đến hòa bình, từ quê nghèo lên thành phố, từ ước mơ đến hiện thực, từ thất bại đến thành công, từ Việt Nam ra thế giới… ngồn ngộn trải nghiệm sống… Một điều đặc sắc tuyệt vời là tất cả đều được hành động trong tình yêu. Không phải là vươn lên quật khởi chỉ để chứng tỏ bản thân mình, mà là sống chia sẻ và biết ơn với những người đã đi qua cuộc đời mình từ gia đình đến xã hội…”
(Phan Quốc Công- Chủ tịch HĐQT Saigon Food)
Khởi nghiệp mà theo kiểu "con trâu cái cày, buôn gánh bán bưng" hoặc sao chép thì chỉ làm nghèo thêm cho đất nước thôi.
Khi tôi làm sản xuất và R&D, tôi yêu sản phẩm. Khi tôi làm kinh doanh tôi yêu khách hàng. Khi tôi làm nhân sự tôi yêu con người...
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.