Người Việt chi tiêu thế nào dưới áp lực của Covid-19?

Minh Nhật - 17:18, 12/05/2021

TheLEADERNhững thay đổi trong chi tiêu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã trở nên thận trọng hơn giữa bối cảnh đại dịch, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng từ bên ngoài sang tại nhà, theo khảo sát của Deloitte.

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, tỷ lệ người tham gia khảo sát có dự định cắt giảm chi tiêu đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, 36% người được hỏi đã chia sẻ quan điểm trên, trong khi con số này ở khảo sát tương tự năm trước chỉ là 6%.

Người dân có xu hướng dành nhiều ưu tiên hơn cho các mặt hàng trong danh mục nhu yếu phẩm thiết yếu trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của gia đình, Deloitte cho biết. 

So với khảo sát trước, chi mua thực phẩm (bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, tươi sống và đồ hộp) tăng từ 34% lên 42%, chi phí nhà ở và tiện ích cũng tăng từ 7% lên 12%. Những thay đổi này trong hành vi tiêu dùng nhiều khả năng là do ảnh hưởng của việc người dân phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như ở nhà nhiều hơn hoặc tự nấu ăn.

Deloitte ghi nhận một vài khác biệt nhỏ về phân bổ tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của người dân ở các thành phố.

a
Phân bổ chi tiêu theo địa phương.

Trong khi thói quen chi tiêu của những người tham gia khảo sát ở Hà Nội và TP.HCM khá tương đồng với nhau, người dân ở Đà Nẵng lại chi mua thực phẩm (chế biến sẵn và tươi sống) nhiều hơn, còn người Cần Thơ tiêu tốn nhiều cho các sản phẩm nhà ở và tiện ích.

Về cơ bản, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu đồng nghĩa với việc người dân cắt giảm chi phí tiêu dùng cho các danh mục sản phẩm dịch vụ khác. Chẳng hạn, họ đã giảm mua sản phẩm điện tử dân dụng từ 10% xuống 0,2%, còn mức chi cho dịch vụ giải trí và du lịch từ 4% xuống chỉ còn 0,4% so với năm 2019.

Nếu như cắt giảm ngân sách cho giải trí và du lịch được giải thích là do tình trạng hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, thì việc giảm chi tiêu cho điện tử dân dụng đã phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong thời kỳ bất ổn này.

Một điểm đáng lưu tâm là các người tham gia khảo sát ở TP.HCM dường như sẵn sàng dành thêm ngân sách gia đình cho các dịch vụ không thiết yếu hơn, trong khi người tiêu dùng Cần Thơ không như vậy. 80% ngân sách hàng tháng của họ được chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu.

Xét theo mức thu nhập hộ gia đình hàng tháng, nhìn chung, có thể thấy với mức thu nhập hàng tháng càng cao, người tiêu dùng càng có xu hướng chuyển dịch từ các nhu yếu phẩm thiết yếu sang chi tiêu tùy ý. Đặc biệt, sự dịch chuyển rõ nét nhất là từ nhóm nhà ở và tiện ích sang quần áo và giày dép, và các sản phẩm định hình phong cách sống khác.

a 1
Cơ cấu chi tiêu theo thu nhập hộ gia đình hàng tháng.

Những người tham gia khảo sát cũng có xu hướng dành nhiều tiền hơn cho giáo dục và các sản phẩm tài chính cá nhân như bảo hiểm, phúc lợi và tiết kiệm khi họ có nhu nhập cao hơn, đặc biệt đối với những hộ gia đình có mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Điều thú vị là tất cả mọi người tham gia khảo sát, dù với các mức thu nhập hộ gia đình khác nhau đều có tỷ lệ chi tiêu cho các sản phẩm giải trí như đồ uống có cồn và thuốc lá như nhau. Hành vi này có thể lý giải là do đây đều là các sản phẩm có giá cả phải chăng, được bán lẻ rộng rãi.

Thay đổi trong kế hoạch chi tiêu phản ánh cách thức vận hành mới của kinh tế tiêu dùng

Đối với nhu cầu thiết yếu, người Việt Nam có xu hướng tích trữ hàng hóa nhiều hơn trong đại dịch, chẳng hạn như vào thời điểm cách ly xã hội toàn TP.HCM, doanh số bán bánh mì ăn liền và sữa hộp đã tăng tương ứng thêm 112% và 12% so với cùng kỳ năm trước, theo Kantar.

Trong năm 2020, mặc dù người tiêu dùng Việt Nam đã giảm quy mô giỏ hàng về số lượng các mặt hàng được mua trên mỗi lần mua sắm hàng tạp hóa, tương đương mức của năm 2019, nhưng giá trị giỏ hàng của người tiêu dùng lại tăng cao đáng kể.

Điều này cho thấy mặc dù tiêu dùng đã trở lại như bình thường, nhưng người dân lại sẵn sàng chi nhiều hơn cho mỗi đơn vị hàng hóa.

a 2
Những thay đổi trong kế hoạch chi tiêu của hộ gia đình về một số mặt hàng trong danh mục nhu yếu phẩm dưới ảnh hưởng của Covid-19.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn, đó là gia tăng chi tiêu hàng tháng vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù Covid-19 rõ ràng là một trong những ‘cú hích’ thúc đẩy việc người dân quan tâm hơn đến sức khỏe, nhưng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, ý thức nâng cao sức khỏe của người dân cũng đã là một xu hướng.

Ngược lại, chi tiêu hàng tháng theo kế hoạch của các hộ gia đình dành cho đi lại đã giảm do các biện pháp giãn cách xã hội khiến người dân tiết chế nhu cầu đi lại bên ngoài.

Tương tự, chi dùng cho dịch vụ giáo dục cũng hạn chế. Ở khu vực thành thị, ngoài việc học chính khóa, phụ huynh còn cho con cái tham gia các lớp luyện thi, lớp học kỹ năng để cạnh tranh suất vào các trường nổi tiếng.

Dưới tác động của đại dịch, trong khi khối trường công vẫn nhận được trợ cấp của Chính phủ thì các trường luyện thi, trường dạy kỹ năng này hầu như phải tạm đóng cửa, theo đó, mức chi tiêu của người dân trong các dịch vụ này cũng giảm đi tương ứng.

Đối với các sản phẩm tiện ích, người tiêu dùng dường như đã mạnh mẽ cắt giảm toàn bộ chi tiêu, trừ hai nhóm dịch vụ Internet và đồ vệ sinh gia dụng.

Các danh mục sản phẩm như nghỉ ngơi giải trí, ăn tiệm, karaoke và quán bar cũng bị cắt giảm hầu hết, chủ yếu do tình trạng đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động trong bối cảnh Covid-19.

Theo Deloitte, có hai điều mà các doanh nghiệp có thể rút ra từ đây.

Thứ nhất, chúng đang được coi là sản phẩm không thiết yếu, do đó dễ bị ảnh hưởng về doanh số hơn trong thời kỳ đại dịch hoặc suy thoái.

Thứ hai, trong một thập kỷ vừa qua, đây là nhóm hàng hóa dịch vụ chứng kiến mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Tình trạng này như một lời nhắc nhở thẳng thắn rằng độ co giãn về cầu đối với các danh mục sản phẩm rất cao. Nếu như có bất kỳ cú sốc thị trường nào xảy ra thì các sản phẩm này sẽ phải chịu ảnh hưởng rất lớn.