Nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập

An Chi - 10:55, 19/03/2023

TheLEADERLãi suất cao đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngừng hoạt động, phá sản. Khủng hoảng và suy thoái kinh tế sẽ xuất hiện nếu không có giải pháp khai thông dòng vốn kịp thời.

Nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập
Đa số doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng rất khó khăn

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hệ thống ngân hàng hiện đang trong trạng thái khá rủi ro khi sắp tới, một lượng lớn trái phiếu bất động sản không trả được nợ. Theo ông Hiếu, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) ngành ngân hàng rất có thể sẽ từ 11,69% về dưới 10%. 

Trả lời câu hỏi đâu là yếu tố rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới tình hình tài chính ngân hàng Việt Nam, vị chuyên gia này chỉ ra rằng, trước hết, các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề lớn về thanh khoản. Một vài ngân hàng đang hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp của Ngân hàng Nhà nước để bảo toàn thanh khoản, bao gồm cả khả năng trả tiền gửi khách hàng, trả nợ.

Sự thiếu hụt thanh khoản đến từ 2 nguyên nhân chính. Một là nợ xấu làm dòng tiền cho vay không trở lại, buộc ngân hàng phải huy động vốn mới với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Hai là các khoản đầu tư nhiểu rủi ro, trong đó có việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, thời gian vừa qua, nhiều nhà phát hành trái phiếu đã phải hoãn nợ, không trả được nợ.

Cũng vì thiếu thanh khoản đã khiến nhiều ngân hàng phải duy trì lãi suất cao để huy động tiền gửi. Lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao làm tê liệt nền kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.

"Cứ như thế, vòng xoáy doanh nghiệp gặp khó khăn đưa đến nợ xấu và chậm trả nợ. Nợ xấu và hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới để trả vốn cũ và từ đó đẩy lãi suất lên cao. Điều này chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bị đánh bật khỏi thị trường. Cuối cùng, khủng hoảng và suy thoái sẽ xuất hiện", ông Hiếu nhận định.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng, cần tăng tốc khơi thông dòng vốn.

Nền kinh tế và các doanh nghiệp đang trong tình huống rất khó khăn. Trong 2 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng các khu vực kinh tế tương đối chậm, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ.

Mặc dù năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15%, nhưng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77% bằng 1/3 mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Nếu không kịp thời có các giải pháp đồng bộ thì rất khó có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng đã đề ra.

Cần sớm khai thông nguồn vốn tín dụng

Theo ông Khang, điều đầu tiên cần làm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay là hạ lãi suất. Với lãi suất 14-15%, rất khó để các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. 

Do đó, cần hạ mức lãi suất, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đạt 14-15%. Nếu không đạt mức này rất khó để đạt mục tiêu GDP 6,5%, ông Khang nhận định.

Để khai thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ông Hiếu cũng cho rằng, thứ nhất cần có "cơ thể" để ngành ngân hàng minh bạch các con số, thông tin về nợ xấu. "Hiện nay, nợ xấu không biến mất mà chỉ bị che dấu dưới một vài con số đẹp".

Thứ hai, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã xây dựng sàn giao dịch nợ xấu. Tuy nhiên, hoạt động giải quyết không thực sự hiệu quả, chính vì vậy, việc cần làm là có cơ chế để sàn này hoạt động thực chất. Thứ ba, Nghị định 42 sắp hết hạn cần được gia hạn hoặc luật hoá. Cuối cùng là cơ quan thanh tra, quản lý cần tập trung thanh tra vào bất động sản, chứng khoán đảm bảo tính minh bạch và hoạt động lành mạnh cho thị trường.

Đối với việc giảm lãi suất, ông Hiếu cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều tín hiệu giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên, hình như thị trường vẫn có sự nghi ngại về chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Bởi Ngân hàng Trung ương thế giới vẫn tăng lãi suất trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại giảm.

"Giảm lãi suất lúc này có thể là tín hiệu quá sớm. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất, VND không tăng sẽ làm tỷ giá tăng, bất ổn ngoại hối, dòng tiền chảy khỏi Việt Nam để đi vào nơi có lợi nhuận cao hơn. 

Quan trọng hơn, việc cần làm hiện nay là cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng. Với các ngân hàng hiện tại, chất lượng tài sản là vấn đề lớn. Nợ xấu là ách tắc trong tín dụng ngân hàng, nhiều vốn huy động mới được dùng vào việc trả nợ cũ, không phải để cho vay mới khiến tăng trưởng tín dụng rất thấp trong các tháng đầu năm 2023", ông Hiếu nhấn mạnh. 

Trước câu hỏi lãi suất ngân hàng có giảm được như đề ra hay không, ông Trịnh Quốc Hùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, về phía Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giảm lãi suất, yêu cầu các chi nhánh thiết lập đường dây nóng để tiếp cận, hỗ trợ khách hàng vay vốn; đồng thời tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, chỉ đạo công tác thanh tra xử lý vi phạm.

Theo ông Hùng, khả năng giảm lãi suất là khả thi. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp phê duyệt phương án cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc. Về chất lượng nợ của hệ thống ngân hàng thì tỷ lệ nợ xấu năm 2022 là 2%. Vấn đề thanh khoản của thị trường hiện nay khá tốt, đây là một trong nhưng lý do khiên Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành.

Tình hình lạm phát trên thế giới trong năm 2022 lên rất cao nhưng gần đây đã chững lại, có dấu hiệu tạo đỉnh. Đây chính là cơ sở hạ lãi suất điều hành, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng vay vốn và có điều kiện để sản xuất kinh doanh.

Về khơi thông nguồn vốn, theo đánh giá của ông Hùng, tăng trưởng tín dụng đến 17/3 khoảng 1%, nếu so với năm 2022 thì thấp hơn nhưng không chênh nhiều với các năm trước, bởi một số nguyên nhân khác quan là quý I rơi vòa dịp Tết nên sau thời gian nghỉ quay lại sản xuất kinh doanh chậm, nhu cầu vốn thấp.

Bên cạnh đó, tình hình trên thế giới làm phát cao nên đơn hàng đặt giảm, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, giảm nhu cầu vay vốn, hai là do tác động COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Một yếu tố ảnh hưởng nữa là đầu tư công chậm. Từ nay đến cuối năm, nếu các giải pháp khơi thông dòng vốn được thực hiện hiệu quả, tăng trưởng tin dụng sẽ tích cực trở lại.