Nguyên Cục trưởng Thông tin đối ngoại: 'Truyền thông chính sách là vấn đề sống còn'

Đức Anh - 16:23, 10/01/2018

TheLEADERTheo ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, truyền thông chính sách là vấn đề sống còn, phía sau khủng hoảng truyền thông là khủng hoảng chính trị, lòng tin của người dân.

Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính đến người dân và là nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông cấp Nhà nước.

Các chuyên gia nhìn nhận, thời gian qua, việc truyền thông chính sách đã đạt được một số kết quả đáng kể nhất là trong việc tác động tích cực tới hoạt động của bộ máy hành chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện truyền thông các chính sách còn tồn tại một số hạn chế nên kết quả còn khá khiêm tốn. 

Nhằm hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông cấp nhà nước, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông.

Nguyên Cục trưởng Thông tin đối ngoại: “Truyền thông chính sách là vấn đề sống còn"
Ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông chính sách trong bối cảnh hiện nay?

Ông Lê Văn Nghiêm: Vấn đề truyền thông chính sách là vấn đề cấp bách, vấn đề sống còn. Chúng ta nên nhớ phía sau khủng hoảng truyền thông là khủng hoảng chính trị, khủng hoảng lòng tin giữa dân và chính quyền.

Nếu chúng ta làm chưa tốt sẽ gây nảy sinh các vấn đề, những mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt.

Khủng hoảng truyền thông hiện nay xảy ra thường xuyên và phổ biến ở mọi lúc mọi nơi và đây là vấn đề cháy nhà chết người.

Vậy về tình hình truyền thông chính sách hiện nay thì ông đánh giá như thế nào?

Ông Lê Văn Nghiêm: Việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí dưới góc độ là truyền thông chính sách trong 10 năm qua đã có những mặt đạt được. 

Chúng ta đã triển khai được hệ thống người phát ngôn từ các bộ ngành xuống tới các tỉnh thành phố cũng như thực hiện được cơ chế phát ngôn theo quy tắc phát ngôn.

Mặc dù vậy, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn và còn nhiều hạn chế cũng như thách thức chúng ta cần phải giải quyết.

Việc truyền thông nhà nước chưa được làm đúng nghĩa, công tác truyền thông phải có mặt trong suốt chu trình của chính sách, từ khi chính sách mới ở giai đoạn ý tưởng ban đầu. Trong suốt quá trình dự thảo cũng phải có hoạt động truyền thông để người dân được biết, được bàn, được phản biện, được theo dõi để góp ý.

Tuy nhiên, hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chủ yếu là để tuyên truyền chính sách sau khi đã ban hành.

Theo ông, việc truyền thông chính sách trong suốt quá trình như vậy thì mang lại những lợi ích gì?

Ông Lê Văn Nghiêm: Theo tôi việc truyền thông chính sách có hai cái lợi chính. Thứ nhất, nếu truyền thông tốt, chính sách xây dựng sẽ có chất lượng tốt.

Thứ hai, nếu người dân được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách thì sẽ huy động được trí tuệ của nhiều người, từ đó nhận được sự ủng hộ và đồng thuận tham gia, thực hiện chính sách.

Điều này khác với tình hình hiện nay khi rất nhiều chính sách sau khi được ban hành thì người dân mới biết và đa số người dân phản ứng. Chính sách càng kém, người dân phản ứng càng dữ dội.

Ông nhìn nhận như thế nào về sự cố Formosa năm 2016 nếu nhìn ở góc độ một khủng hoảng truyền thông trên quy mô lớn và tác động tới nhiều người?

Ông Lê Văn Nghiêm: Theo tôi, đối với sự cố Formosa, bên cạnh sự cố về thảm họa môi trường thì đây còn là một cuộc khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên chúng ta lại chưa có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về khủng hoảng truyền thông này.

Cụ thể, việc nhận diện khủng hoảng truyền thông là quan trọng nhất thì chúng ta lại nhận diện rất yếu, rất chậm từ các địa phương cho tới các bộ ngành.

Khủng hoảng đã diễn ra hai ba tuần mà chưa xử lý cũng giống như việc cháy nhà hai ba tuần rồi mà cứu hỏa chưa tới. Không những thế, khủng hoảng xảy ra nhưng tận ba tuần sau mới diễn ra họp báo, nội dung cuộc họp đó cũng gây thất vọng cho dư luận và các nhà báo.

Nếu chúng ta nhận diện tốt thì sẽ có thông tin được cập nhật hàng ngày để cảnh báo người dân rằng cá biển chưa ăn được, nước biển chưa tắm được, phải bảo vệ sức khỏe người dân thay vì lúng túng tìm cách làm những việc khác. 

Xin cám ơn ông!