Nhà bán lẻ Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam

Phạm Sơn - 16:31, 31/05/2022

TheLEADERPhục hồi tích cực sau cú sốc Covid-19, nhiều nhà bán lẻ Hàn Quốc đang đặt kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam để tận dụng cơ hội.

Nhà bán lẻ Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam
GS25 đặt mục tiêu tổng số 260 cửa hàng tại Việt Nam trong năm 2022.

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2018, đến nay GS Retail đã đạt con số 160 cửa hàng tiện lợi GS25. Những cửa hàng này mang đậm phong cách Hàn Quốc, từ mô hình vận hành cho tới sản phẩm.

Thị trường bán lẻ dần phục hồi sau những cú sốc gây ra bởi Covid-19 cũng là lúc GS Retail đẩy mạnh hoạt động. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc dự kiến sẽ mở thêm khoảng 100 cửa hàng mới trong năm 2022, đồng thời tăng cường thu hút nhân lực đảm nhận công tác quản lý, vận hành.

Korea Mart, chuỗi siêu thị chuyên cung cấp nông sản Hàn Quốc với khoảng 20 cửa hàng sau một năm có mặt tại thị trường Việt Nam, cũng đặt mục tiêu mở thêm 100 siêu thị trên toàn quốc trong năm nay.

Theo Nikkei Asia Review, các cửa hàng tiện lợi xuất xứ từ Hàn Quốc hoạt động thuận lợi ở Việt Nam nhờ vào sự phổ biến của văn hóa Hàn. Rất đông người Việt ở mọi độ tuổi đều là “fan” của những ca khúc K-pop hay những bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Sản phẩm giải trí Hàn Quốc được trau chuốt tỉ mỉ về nội dung, khéo léo lồng ghép những hình ảnh quảng bá ẩm thực, thời gian, du lịch.

Mặt khác, Hàn Quốc cũng là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Ước tính có khoảng 200 nghìn người Hàn sinh sống tại Việt Nam, cũng là đối tượng khách hàng được các chuỗi bán lẻ Hàn hướng đến.

Cộng với yếu tố dân số trẻ, thu nhập bình quân cũng như tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với những chuỗi cửa hàng như GS Retail hay Lotte, khi thị trường Hàn Quốc vốn đã bão hòa.

Tại Hàn Quốc, nhiều cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang phải vật lộn với bài toán phát triển. Nhiều giải pháp táo bạo đã được đưa ra, ví dụ như việc một cửa hàng của Lotte Mart ở Seoul mở hẳn sân bóng đá trong nhà, hay cửa hàng Homeplus ở Incheon xây bể bơi rộng 500m2. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa ghi nhận hiệu quả.

Dù xuất hiện tại Việt Nam có phần sớm hơn nhưng các nhà bán lẻ Nhật Bản đang tỏ ra chật vật tại thị trường này. Đơn cử như FamilyMart, với hơn 10 năm phát triển ở Việt Nam, đang phải giảm tốc độ mở rộng vì chi phí mặt bằng, chi phí nhân công tăng cao. Tốc độ mở rộng của 3 chuỗi cửa hàng lớn đến từ Nhật Bản là FamilyMart, Seven & i Holdings và Lawson hiện nay chỉ còn bằng 10% thời kỳ đỉnh cao.

Nikkei Asia Review lý giải cho sự thất thế của các nhà bán lẻ Nhật Bản, đến từ hoạt động liên doanh kém hiệu quả với các công ty nội địa. Ngoài ra, không thể phủ nhận việc văn hóa Nhật Bản không được phổ biến tại Việt Nam như văn hóa Hàn Quốc.

Nhìn chung, thị trường Việt Nam vẫn là mảnh đất đầy hứa hẹn đối với ngành bán lẻ. Tính riêng 4 tháng đầu năm, doanh thu ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào chiến lược mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cũng chính vì vậy, mức độ cạnh tranh trên thị trường này sẽ ngày càng khốc liệt. Không chỉ các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản mà hàng loạt cái tên đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ và cả nhà bán lẻ nội địa đều tích cực giành lấy thị phần.

Thực tế, không ít chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã và đang “nếm trái đắng” tại thị trường Việt. Nhiều thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới như Auchan, Metro Cash & Carry, Shop&Go… đã biến mất sau một thời gian hoạt động.

Điều này cảnh tỉnh các nhà bán lẻ phải không ngừng làm mới mình để thu hút khách hàng, đặc biệt khi thói quen tiêu dùng đang ngày càng thay đổi.