Nhiều doanh nghiệp sản xuất hương nhang đứng trước nguy cơ phá sản

Đặng Hoa - 13:58, 17/09/2019

TheLEADERĐối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách hạn chế nhập khẩu hương nhang của Chính phủ Ấn Độ không chỉ là 100 doanh nghiệp Việt Nam và rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ mà còn là hàng chục nghìn người lao động ở vùng nông thôn, người yếu thế trong xã hội.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hương nhang đứng trước nguy cơ phá sản
Ngành hương nhang Việt Nam đang gặp khó

Từng được biết đến với cái tên "bà Nguyệt bèo tây", bà Chu Thị Nguyệt - nữ chủ nhân của Công ty TNHH Ánh Hồng (Hưng Yên) một thời gắn bó với cây bèo tây khi theo đuổi nghề thủ công mỹ nghệ đan bèo, đan mây, nhưng do lợi nhuận không cao nên đã sớm chuyển sang sản xuất mặt hàng hương nhang xuất khẩu.

Năm 1996, những công hàng đầu tiên được công ty của bà xuất sang Mỹ. Sau khi gặp một vài vấn đề, bà Nguyệt mất khách ở Mỹ và quay sang làm với doanh nghiệp Ấn Độ. Nhờ hoạt động tốt, ổn định nên bà đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây nhà xưởng, mua máy móc, đổi mới công nghệ. 

Hiện các nhà xưởng của bà Nguyệt có khoảng 1.000 công nhân lao động với 800 chiếc máy, mỗi chiếc trị giá 16 triệu đồng cùng nhiều phụ tùng như lò sấy, giàn phơi... Công ty này cũng vừa thuê thêm được 2ha đất của chính quyền địa phương để mở rộng sản xuất. 

Công việc sản xuất, kinh doanh rất thuận lợi từ khi bà Nguyệt chuyển sang làm việc với Ấn Độ cho đến ngày 31/8/2019. Đó là thời điểm Bộ Công thương Ấn Độ ra thông báo số 15/2015-2020 thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu tự do sang nhập khẩu hạn chế. 

Theo đó, việc nhập khẩu phải xin phép và được một ủy ban liên bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép. 

Ông Trần Thanh Hải, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, việc đưa ra hàng rào hạn chế nhập khẩu với một số ngành, mặt hàng không phải là chuyện mới. Nhưng nghiệt ngã nhất là quy định phải được áp dụng ngay lập tức mà không hề có độ trễ để doanh nghiệp thích ứng hay có giải pháp chuyển đổi. 

Với tình huống bất ngờ này, doanh nghiệp không biết phải xử trí ra sao vì lượng hàng tồn kho hiện lên đến hơn 20 tỷ đồng. Hàng nghìn công nhân của bà Nguyệt đứng trước nguy cơ mất việc làm. 30% trong số đó là những người khuyết tật, còn lại chủ yếu ở độ tuổi 40 đến 60. Tài chính của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Dù thừa nhận nguồn tiền thu về chẳng đáng bao nhiêu so với nhiều ngành nghề nhưng bà Nguyệt cho biết, ngành sản xuất hương nhang đang giải quyết rất nhiều công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Nhiều người trước đó chỉ biết bám lấy từng mẩu ruộng, trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi mà nhiều khi cũng mất trắng vì dịch bệnh. 

Bà Nguyệt kể lại, có năm xưởng của bà bị cháy vào đúng ngày 30 Tết âm lịch. Bà con sẵn sàng bỏ hết công việc chuẩn bị bàn cỗ, lao đến sửa nhà xưởng cùng bà để đầu năm mới có việc làm. 

"Có thể thấy những khuôn mặt đang tươi cười nhưng trong lòng thì chết gan, chết ruột", bà Nguyệt mô tả sự lo lắng của các doanh nghiệp hương nhang trong cuộc họp tìm giải pháp ứng phó trước quy định hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức. 

Nhiều doanh nghiệp hương nhang đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu
Bà Chu Thị Nguyệt, Công ty TNHH Ánh Hồng. Ảnh: DĐDN

Không riêng gì bà Nguyệt, khoảng một trăm doanh nghiệp khác cũng đang đứng ngồi không yên khi nhiều công hàng đã xuất đi chưa kịp cập bến nhưng hiện doanh nghiệp không biết được đang ở đâu. 

Ấn Độ gây khó, sao không chuyển qua thị trường khác?

Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính, không có thị trường thay thế, của ngành hương nhang xuất khẩu Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam, khối lượng hương nhang xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ đạt khoảng 10.000 - 12.000 tấn/tháng, với kim ngạch khoảng 7 triệu USD/tháng. 

Năm 2018 - 2019, Ấn Độ nhập khẩu 83,58 triệu USD hương nhang từ các nước trên thế giới, đặc biệt từ Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần.

Ông Phan Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Liêm Thành, thế hệ thứ hai trong một gia đình có truyền thống làm hương nhang 27 năm qua cho biết, một khi Ấn Độ hạn chế hoặc dừng nhập khẩu thì toàn bộ sản xuất có nguy cơ bị triệt tiêu vì không thể sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường khác do không trùng đặc tính kỹ thuật trong nguyên liệu, phụ liệu, máy móc. Lao động quá tuổi và yếu thế trong xã hội rất khó để tìm công việc mới.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết, trên thực tế, người Ấn Độ là những người sử dụng hương nhang rất nhiều đang có mặt ở khắp thế giới, chỉ sau người Trung Quốc. Thế nhưng, Việt Nam lại không thể xuất khẩu hương sang các thị trường khác cho người Ấn Độ dùng vì bản chất, doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu hương thô. 

Sau khi nhập về, doanh nghiệp Ấn Độ sẽ tẩm ướp nhiều loại hương khác nhau để phục vụ các tôn giáo rồi mới xuất đi những thị trường khác. Người Ấn Độ khắp thế giới mua hương thành phẩm chứ không mua hương thô trong khi hương thành phẩm, theo bà Trang, chỉ có ở Ấn Độ.

Theo ông Luân, hương nhang thô xuất khẩu sang Ấn Độ có chiều dài 20-23cm, trong khi đó thị trường trong nước hay một số thị trường khác bao gồm Thái Lan lại sử dụng loại hương có chiều dài từ 28 - 38cm với mùi hương tự nhiên. 

"Do đặc thù về nguyên liệu trong nước, sản xuất hương cho Ấn Độ rất khó chuyển đổi để sản xuất cho các thị trường khác", ông Luân cho biết.

"Doanh nghiệp Ấn Độ đang trông chờ phía Việt Nam"

Làm việc rất nhiều với các doanh nghiệp Ấn Độ, trung bình mỗi tháng, bà Vũ Thị Hường của Công TNHH Hà Triều (Bình Dương) bay sang Ấn Độ khoảng ba đến bốn lần để gặp gỡ khách hàng, thăm nhà xưởng và xem họ sản xuất ra sao để triển khai cho đúng. 

Vào thời điểm Bộ Công thương Ấn Độ ban hành thông báo số 15, bà Hường cho biết, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp Ấn Độ cũng bàng hoàng, rơi vào trạng thái điêu đứng. Ấn Độ hiện đang trong mùa sản xuất hương cao điểm nhất vì đang trong mùa lễ hội. Đơn hàng tuôn về ồ ạt, các xưởng sản xuất tăng ca. Bình thường sản xuất tới 6 giờ tối thì nay thậm chí làm đến 10 giờ đêm để kịp đóng gói. 

Hệ thống siêu thị ở Mỹ, Pháp, Ethiopia đặt hàng nhưng bị ngưng trệ, nguyên hệ thống không có hàng để phân phối nên các doanh nghiệp Ấn Độ có thể bị phạt ngược trở lại. Các doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về doanh thu, công ăn việc làm cho người lao động.

"Do Ấn Độ nhập khẩu hương nhang thô từ Việt Nam lên tới 90%, nghĩa là trong nước chỉ đáp ứng 10% nên trong nước không có hàng, giá cả bị đẩy lên chóng mặt, gây rối loạn thị trường", bà Hường cho biết. 

Theo vị doanh nhân này, Chính phủ Ấn Độ lấy lý do tăng sản xuất trong nước để bù vào lượng hàng bị thiếu nhưng từ kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, để có được lượng hàng này đòi hỏi cả một quá trình đầu tư nhà máy, máy móc, tuyển công nhân, đào tạo…Đó không phải câu chuyện ngày một, ngày hai mà phải điều chỉnh, học hỏi liên tục trong vòng ít nhất khoảng hai năm. Do đó, để triển khai sản xuất nhằm cung cấp ngay là điều không thể.

"Rất nhiều hiệp hội và các tập đoàn lớn đã lập tức bay tới Delhi đưa đơn kiến nghị yêu cầu Chính phủ tiếp xúc với doanh nghiệp chứ không thể bắn phát chết ngay, nhưng Chính phủ bên đó quá cứng, đến nay vẫn chưa có thông tin phản ứng gì, chưa có lộ trình áp dụng gì", bà Hương kể lại và cho biết thêm: "Các doanh nghiệp Ấn Độ nhắn gửi phía Việt Nam là cố lên, doanh nghiệp Ấn Độ đang trông chờ phía Việt Nam tác động đến Chính phủ". 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, sẽ không có giải pháp nào thực sự áp dụng được cho các doanh nghiệp trong nước trong tình huống bị động như thế này, ngoại trừ sự can thiệp của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Việc yêu cầu Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ một văn bản quy định là "hơi khó". 

Nhưng bà Trang cho rằng cần phải sớm có cuộc làm việc giữa Chính phủ hai nước để hoãn hiệu lực thi hành của văn bản nói trên. Cùng với đó, các bên liên quan cần trao đổi tính pháp lý và tính đúng đắn của thông tư này.

Ông Trần Thanh Hải nhận định, các doanh nghiệp cần phải biết tập hợp và kết nối với nhau; thành lập hiệp hội gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động trong lĩnh vực này để chia sẻ thông tin, tạo tiếng nói chung nâng tầm hoạt động của hiệp hội trở nên chuyên nghiệp hơn.

Các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất chuyên nghiệp hơn, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường. 

Về phía Bộ Công thương, theo ông Hải, sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn như phối hợp với Bộ Ngoại giao để đưa lên cấp cao hơn nữa, đồng thời tiếp tục đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, thương vụ Việt Nam bám sát, đôn đốc phía Ấn Độ. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Ấn Độ thể hiện quan ngại và phản đối biện pháp nói trên của Ấn Độ kết hợp đề nghị phía Ấn Độ trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán trước ngày 31/8/2019.

Bên cạnh đó, xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10/2019) và về lâu dài hủy bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu nói trên.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề xuất buổi gặp với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam để trao đổi về vụ việc và đề nghị Sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam báo cáo xem xét xử lý vấn đề này, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp của hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi từ phía Chính phủ Ấn Độ.