Nhiều đương sự chọn giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc

Hoàng An - 21:05, 14/04/2023

TheLEADERMột báo cáo gần đây cho thấy ngày càng có nhiều đương sự nước ngoài chọn giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ quốc tế tại Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết, điều này cho thấy các nhà sáng tạo nước ngoài đang ngày càng công nhận và tin tưởng vào hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Trung Quốc.

Nhiều đương sự chọn giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc
Trung Quốc đang đẩy mạnh những hoạt động về đổi mới sáng tạo cả về hoạt động xác lập, quản lý và thực thi vè sở hữu trí tuệ

Theo báo cáo thường niên của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc vào cuối tháng trước, Tòa sở hữu trí tuệ nước này đã tiếp nhận 457 vụ việc mới liên quan đến các tổ chức nước ngoài, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo nêu rõ, số lượng các vụ kiện mà tất cả các bên đều là thực thể nước ngoài đang gia tăng, cho thấy Trung Quốc đang dần trở thành một trong những địa điểm ưa thích cho các thực thể nước ngoài thực hiện những vụ kiện tụng quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Ngoài việc đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế, Tòa án SHTT bảo vệ tất cả các đương sự, bất kể họ là ai, đến từ đâu, nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh quốc tế theo định hướng thị trường và dựa trên luật pháp.

Bà Kang Lixia, một luật sư về sở hữu trí tuệ tại Công ty luật Hanray của Bắc Kinh, cho biết: “Các tranh chấp về sở hữu trí tuệ giữa các thực thể nước ngoài được xét xử ở Trung Quốc thường là những vụ kiện hành chính, nghĩa là các vụ việc có liên quan đến các cơ quan chức năng Trung Quốc phụ trách các vấn đề về sở hữu trí tuệ”.

Nói chung, một thực thể nước ngoài sẽ kiện lên tòa án Trung Quốc nếu họ tin rằng các bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu của mình bị vi phạm bởi một bên nước ngoài khác ở Trung Quốc và họ không đồng ý với các quyết định về sở hữu trí tuệ của các cơ quan hành chính Trung Quốc trong xử lý sự việc, bà Kang giải thích.

"Sự gia tăng các vụ kiện phản ánh sự tin tưởng ngày càng tăng của các chủ sở hữu quyền nước ngoài đối với hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tư pháp của Trung Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là họ cảm thấy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc là hiệu quả và công bằng, vì vậy họ ngày càng muốn giải quyết các tranh chấp ở đây", bà nói thêm.

Ông Liu Bin, một luật sư về sở hữu trí tuệ của Công ty luật Zhongwen, cho biết sự gia tăng các vụ kiện về sở hữu trí tuệ liên quan đến các thực thể ở nước ngoài, đặc biệt là giữa các bên nước ngoài, chứng tỏ rằng Trung Quốc vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với người nước ngoài và họ lạc quan về tiềm năng kinh tế của nước này và sẵn sàng mở rộng kinh doanh tại đây.

Điển hình, trước đây, công ty thương mại máy tính Apple (công ty con của Apple tại Thượng Hải) đã nộp đơn lên Cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc để vô hiệu hóa bằng sáng chế đã cấp cho Qualcomm, nhưng cơ quan quản lý đã quyết định giữ nguyên bằng sáng chế đó.

Công ty này sau đó đã kiện Cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc và Qualcomm lên Tòa án sở hữu trí tuệ Bắc Kinh. Sau phiên tòa, tòa án cấp trung gian đã bác bỏ yêu cầu của công ty, khiến công ty phải kháng cáo lên Tòa án sở hữu trí tuệ cấp cao nhất.

Tòa án sở hữu trí tuệ quốc gia đã giữ nguyên phán quyết ban đầu và xác định bằng sáng chế của Qualcom là hợp lệ, đồng thời lưu ý rằng ngoài việc xem xét tính sáng tạo của công nghệ, sức mạnh tổng hợp giữa các công nghệ cũng nên được coi là một hình thức sáng tạo.

Ông Liu cho biết vụ kiện liên quan đến hai gã khổng lồ công nghệ quốc tế thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và nỗ lực lớn hơn của các tòa án Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tạo ra một môi trường kinh doanh đẳng cấp thế giới.

Để phục vụ việc mở rộng và giúp Trung Quốc tham gia cải cách quản trị toàn cầu, Tòa án sở hữu trí tuệ Trung Quốc cũng đã tăng cường hoạt động trao đổi quốc tế vào năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc tập trung vào việc phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để biên soạn hướng dẫn quản lý bằng sáng chế theo trường hợp và khuyến khích các thẩm phán tham dự các diễn đàn quốc tế liên quan đến IP và hội thảo.

Báo cáo nhấn mạnh rằng các hoạt động này đã góp phần giải quyết các yêu cầu của lãnh đạo trung ương Trung Quốc trong việc tiếp cận, phối hợp, thúc đẩy vấn đề pháp quyền trong nước cũng như đối ngoại quốc tế.

Hơn nữa, vào năm ngoái, Tòa án sở hữu trí tuệ nước này đã tiếp nhận 1.338 tranh chấp liên quan đến những ngành công nghiệp quan trọng mới nổi, bao gồm công nghệ thông tin, y sinh học, sản xuất thiết bị cao cấp và giống cây trồng mới. Những trường hợp này chiếm 30,4% tổng số trường hợp nhận được, cao hơn 3,5 điểm phần trăm so với năm 2021.

Ông Liu cho biết số lượng các trường hợp gia tăng "là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực này", vì các vấn đề và tranh chấp IP thường đi theo tiến bộ công nghệ.

Bà Kang nói rằng nhiều công ty và nhà đổi mới sáng tạo sẵn sàng đầu tư và phát triển ở Trung Quốc vì hiệu quả của các tòa án nước này.

Bà cho biết Tòa án sở hữu trí tuệ cấp quốc gia được thành lập tại Bắc Kinh vào tháng 1 năm 2019 để giải quyết các vụ khiếu nại hành chính và dân sự về bằng sáng chế và công nghệ phức tạp, đồng thời giúp hợp lý hóa quy trình kháng cáo bằng cách cho phép các đương sự bỏ qua các tòa án cấp tỉnh và kháng cáo trực tiếp.

Nói cách khác, những đương sự không hài lòng với các phán quyết của các tòa án trung gian ở cấp thành phố hoặc quận, hoặc của các tòa chuyên trách về SHTT khác ở các tòa cấp cao cấp tỉnh, có thể trực tiếp đến giải quyết tại Tòa án SHTT cấp cao nhất.

Bà Kang cho biết quy trình xét xử hợp lý các trường hợp sở hữu trí tuệ như vậy "giúp ngăn chặn sự thiếu nhất quán, cải thiện chất lượng xét xử và tối ưu hóa môi trường luật pháp đối với những nhà đổi mới khoa học và công nghệ".

Bà Kang cho biết bà tin rằng sự cải thiện về hiệu quả tư pháp đã và đang đem đến lợi ích cho các doanh nghiệp: “Khi quy trình giải quyết các vụ tranh chấp diễn ra nhanh chóng hơn, các thực thể có thể đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra nhiều công nghệ mới”.