Nhiều ‘ông lớn’ Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Minh Khôi - 12:46, 24/11/2021

TheLEADERViệt Nam tiếp tục được xem điểm đến đầu tư hấp dẫn, thị trường nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Chủ tịch Tập đoàn AEON Motoya Okada mới đây cho biết trong thời gian tới, AEON dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam, cùng với thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, may mặc, sang Nhật Bản.

Đại diện AEON cho biết thêm một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới này dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện AEON đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi đây là thị trường quan trọng không kém thị trường chính là Nhật Bản.

Những thông tin này được ông Motoya Okada trao đổi trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng.

Đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của tập đoàn trong thời gian qua, Thủ tướng khẳng định các cơ quan chức năng ủng hộ mục tiêu của tập đoàn mở rộng kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam.

Thị trường bán lẻ Việt Nam hết sức tiềm năng, AEON có thể mở rộng hệ thống kinh doanh, đồng thời với việc thu mua các loại hàng hóa tại nhiều địa phương.

Nhiều ‘ông lớn’ Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
AEON bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao kế hoạch của AEON trong việc thúc đẩy sản xuất nội địa và xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật Bản và thị trường quốc tế. Đây là kế hoạch rất phù hợp và đúng thời điểm, khi các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, Thủ tướng mong muốn các hoạt động của AEON sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị của hệ thống bán lẻ Việt Nam.

Tại buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều đại diện tập đoàn lớn khác của Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn, dự định gia tăng đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Tsutomu Sugimori, Chủ tịch Tập đoàn ENEOS – một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất Nhật Bản về lọc dầu và kinh doanh dầu nguyên liệu – cho biết hiện đang mở rộng chuỗi cung ứng, mạng lưới cửa hàng xăng dầu, hợp tác phát triển năng lượng mới.

Lãnh đạo ENEOS bày tỏ sự quan tâm định hướng phát triển năng lượng tại Việt Nam, và mong muốn tham gia quá trình giảm thải khí carbon.

Cùng với đó, ông Tsutomu Sugimori khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan tới các dự án tại Việt Nam.

Năm 1990, ENEOS bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2016, tập đoàn này đã quyết định đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Fast Retailing – một trong những tập đoàn bán lẻ đa quốc gia lớn nhất của Nhật Bản và thế giới, sở hữu nhãn hiệu thời trang Uniqlo. Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành đã cho biết kế hoạch mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử của Việt Nam.

Uniqlo hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam và thế giới, qua đó đưa Việt Nam thành cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của tập đoàn.

Ông Masumi Kakinoki, Chủ tịch Tập đoàn Marubeni bày tỏ sự quan tâm tới việc triển khai một số dự án điện, tham gia phát triển hạ tầng tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, thông báo kế hoạch triển khai các nhà máy sản xuất, chế biến giấy, cà phê tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh những tác động không mong muốn, đại dịch cũng là một chất xúc tác để triển khai các dự án; đề nghị tập đoàn triển khai nhanh chóng, dứt điểm các hoạt động đầu tư mới, đồng thời tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị trong quá trình đầu tư, tập đoàn Marubeni lưu ý đáp ứng kịp thời những chuyển đổi trong xu thế sử dụng năng lượng phát triển bền vững của Việt Nam, sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch HĐQT công ty Mitsui báo cáo, kiến nghị một số nội dung liên quan dự án Khí Lô B với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, dự kiến cung cấp khí cho 4 nhà máy điện Ô Môn với tổng công suất khoảng 3.800 MW, đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu cắt giảm khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sojitz cho biết doanh nghiệp này hiện có 17 công ty liên doanh tại Việt Nam với doanh thu khoảng 1 tỷ USD, hoạt động trong lĩnh vực thiết bị, năng lượng, hóa chất, tiêu dùng, điện, phân bón, đầu tư phát triển rừng và chế biến gỗ.

Tập đoàn rất quan tâm tới các dự án liên quan đến giải pháp giảm thiểu carbon tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, bên cạnh thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới, các lãnh đạo doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, khẳng định các trao đổi của Thủ tướng giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và yên tâm hơn nữa trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam đạt gần 3,4 tỷ USD sau 10 tháng, trong đó, số dự án cấp mới là 150, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Điều này góp phần giúp Nhật Bản đạt vị trí thứ 3 trong tổng số 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tháng 1 – 10/2021.