Những điểm mấu chốt để xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam

An Chi - 15:01, 18/09/2018

TheLEADERĐại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Pereric Hogber cho rằng, nếu có môi trường cho người dân thử nghiệm sáng kiến mới thì mới thành công và làm cho đô thị đáng sống hơn.

Những điểm mấu chốt để xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam
Ông Pereric Hogber, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam

“Muốn có thành phố thông minh nhất thiết phải có người dân thông minh. Người dân thông minh mới có ứng dụng thông minh và chính sách thông minh. Mấu chốt là vấn đề con người và chính phủ phải có trách nhiệm phát triển thông minh đi kèm với kinh tế thông minh."

Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Pereric Hogber nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ kinh nghiệm của Thuỵ Điển trong việc phát triển thành phố thông minh tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 tổ chức sáng nay tại Hà Nội nhằm đưa ra chiến lược, giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ mới.

Đại sứ dẫn chứng Thuỵ Điển chỉ có dân số khoảng 10 triệu người, chiếm 0,13% dân số thế giới và lớn hơn một chút so với dân số Hà Nội, nhưng trong nhiều năm liền, quốc gia này luôn đứng đầu về năng lực đổi mới sáng tạo. 

Để làm được điều này, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam tiết lộ: "Nguyên tắc của đất nước chúng tôi là sự cởi mở trong đổi mới. Muốn có các thành phố thông minh, các công ty phải có các ứng dụng thông minh để phục vụ người dân và nền kinh tế". 

Trong bối cảnh đó, nếu chính phủ không tạo ra các môi trường để các doanh nghiệp thử nghiệm các sáng kiến của mình thì sẽ không thể phát triển thành công. Với một quốc gia nhỏ như Thuỵ Điển, chỉ có tư duy cởi mở và cầu thị mới có thể giúp các doanh nghiệp phát triển. 

Môi trường sáng tạo khởi nghiệp của Thuỵ Điển không phụ thuộc vào việc xây dựng ra bao nhiêu hạ tầng mà bắt đầu từ việc làm thế nào có được không gian cho suy nghĩ được tự do phát triển, những ý tưởng tốt được thoải mái tranh luận, những người có đầu óc sáng tạo cần được kích hoạt để sáng tạo.

"Kết quả là chúng tôi đứng thứ hai trong việc sản xuất các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên thế giới, chỉ xếp sau Thung lũng Silicon về các công ty kỳ lân", ông Pereric cho hay.

Yếu tố thứ hai trong việc phát triển thành phố thông minh theo vị đại sứ này là tính bền vững. Để làm được điều này cần sự nỗ lực rất lớn không chỉ đến từ chính phủ mà còn đến từ mọi người dân. 

Khi chú trọng đến phát triển bền vững, các doanh nghiệp sẽ thực hiện các mục tiêu không phải vì sự thúc ép của chính phủ mà vì họ cảm thấy cần phải làm để mang lại một môi trường sống tốt nhất cho người dân.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất của phát triển bền vững là quy hoạch đô thị, hệ thống giao thông. Hiện nay, nếu được quy hoạch tốt hơn nữa, Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Giao thông tại Hà Nội hiện nay đang đối diện với thiều thách thức về việc quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông. Do đó các ứng dụng di chuyển thông minh, giao thông thông minh sẽ giúp cho người dân di chuyển dễ dàng hơn.

Từ kinh nghiệm của Thuỵ Điển, ông Pereric cho rằng, Việt Nam nên áp dụng các giải pháp như phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống tầu điện, đường sắt đô thị, chia sẻ chuyến đi để hạn chế tốt đa các phương tiện cá nhân tham gia lưu thông. Bên cạnh đó là đánh thuế cao ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm thành phố. 

Tiếp đó là vấn đề về ô nhiễm môi trường vì theo Đại sứ Thuỵ Điển, khi ông gặp những người trẻ ở Hà Nội, họ rất lo lắng về sự an toàn khi tham gia giao thông trên đường và an toàn thực phẩm. 

Một giải pháp khác để giải quyết các vấn đề về môi trường là phát triển hệ thống lưới điện thông minh, chuyển từ việc sử dụng năng lượng hoá thạch của các phương tiện giao thông sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, người tiêu dùng năng lượng đồng thời là người sản xuất ra năng lượng. Trong tương lai, hệ thống xe điện chắc chắn sẽ rất phát triển giúp bảo vệ môi trường và giảm chi phí cho người dân. 

Bên cạnh đó, chính quyền các thành phố thông minh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến mạng lưới liên lạc thông minh, đầu tư lớn về hạ tầng để cung cấp dịch vụ thanh toán thông minh cho người dân, sớm xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt.

Quay trở lại với yếu tố quan trọng nhất của thành phố thông minh là con người, theo Đại sứ Thuỵ Điển, chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục thông minh. Giáo dục giúp sinh viên không chỉ có những kiến thức mà còn không ngại đặt ra câu hỏi và mắc sai lầm. Từ đó, họ mới có được các ý tưởng mới giúp ích cho xã hội. 

Cuối cùng, mấu chốt của thành phố thông minh là người dân. "Nếu tôi là lãnh đạo, tôi sẽ giúp người dân cảm thấy hạnh phúc tại thành phố của mình và muốn ở lại thành phố giúp nó phát triển ngày càng tốt đẹp hơn".

Theo kinh nghiệm của Thuỵ Điển, chính quyền các thành phố tại Việt Nam cần lắng nghe các tham vấn của các chuyên gia và hỏi xem người dân thực sự muốn gì ở thành phố của họ, từ đó đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp nhất. 

Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 được tổ chức trong hai ngày 18-19/9/2018 sẽ có nhiều phiên thảo luận về các giải pháp giúp xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề cấp bách đang được thành phố quan tâm như quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự và môi trường.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường.

Ông Chung cho biết thành phố sẵn sàng hướng tới một mô hình thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.