Những doanh nghiệp 'gạo cội' thua lỗ trong quý 3

Trần Anh - 12:00, 23/10/2021

TheLEADERĐợt giãn cách xã hội quy mô lớn chưa từng khiến nhiều doanh nghiệp lâu đời, luôn kinh doanh tốt tại Việt Nam lần đầu tiên phải ghi nhận thua lỗ.

Quý 3/2021, Công ty nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu chỉ đạt 529 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ tròng 26 tỷ đồng. Là một trong những doanh nghiệp Việt có lịch sử lâu đời với 44 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên nhựa Bình Minh báo lỗ kể từ khi lên sàn.

Nguyên nhân chủ yếu của việc thua lỗ đến từ tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong quý 3, sản lượng của nhựa Bình Minh đã giảm hơn 60%, chỉ đạt chưa đến 11.000 tấn. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của công ty chỉ vỏn vẹn 100 tỷ đồng, giảm 76% cùng kỳ và mới thực hiện 19% kế hoạch năm.

Dịch bệnh bùng nổ trong quý 3 khiến những toàn bộ nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, và những doanh nghiệp tốt cũng phải lao đao. Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng báo lỗ 3 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Đây là quý thiệt hại nặng nhất của dệt may Thành Công, bởi dù dịch Covid-19 đã xuất hiện gần 2 năm nay, công ty vẫn duy trì hoạt động ổn định với lợi nhuận bình quân hàng quý từ vài chục cho đến gần trăm tỷ đồng.

Lãnh đạo dệt Thành Công cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong quý 3, công ty phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/7 nên năng suất lao động của Công ty không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.707 tỷ đồng tương đương cùng kỳ, lãi ròng đạt 118 tỷ đồng giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phương thức sản xuất 3 tại chỗ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong thời điểm dịch bệnh tỏ rõ sự không hiệu quả khi tạo nên gánh nặng chi phí quá lớn. Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) – doanh nghiệp được thành lập từ năm 1976 cũng lần đầu tiên báo lỗ quý.

Casumina cho biết trong quý 3, việc bán hàng khó khăn, dẫn đến doanh thu thuần giảm 21%. Ở phía sản xuất, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cùng chi phí nhập khẩu vật tư tăng cao đã tác động tới giá thành sản xuất. Việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" cũng làm tăng chi phí. Kết quả, công ty lỗ ròng 28 tỷ đồng quý 3. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của công ty đã giảm 88% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ cũng gánh chịu nặng nề và có những “lần đầu tiên” thua lỗ.

Công ty cổ phần Dịch vụ ôtô Hàng Xanh, nhà phân phối Mercedes-Benz lớn nhất tại Việt Nam ghi nhận doanh thu 3 tháng gần nhất giảm 59%, với khoản lỗ ròng hơn 33 tỷ đồng. 

Tương tự, PNJ – nhà bán lẻ trang sức hàng đầu Việt Nam cũng có quý 3 không mấy tốt đẹp khi báo lỗ ròng 158 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc 80% cửa hàng PNJ phải đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội.

Dù trải qua một quý kinh doanh đầy khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan khi đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ sớm được cải thiện khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.

Lãnh đạo công ty nhựa Bình Minh cho biết đã chuẩn bị nguồn lực để có thể quay trở lại sản xuất khi dịch được kiểm soát. Tính đến hiện tại, tỷ lệ công nhân sẵn sàng quay trở lại làm việc là 95%. Khoảng 98% nhân viên đã tiêm vaccine mũi 1 và 92% tiêm mũi 2.

Thời điểm khó khăn nhất là tháng 7, 8 và 9 đã qua, và doanh nghiệp ghi nhận kết quả khả quan hơn trong tháng 10. Cụ thể, doanh thu bình quân tháng 7 khoảng 11 tỷ mỗi ngày, sang tháng 8 giảm xuống 4,7 tỷ mỗi ngày, tháng 9 là 9,8 tỷ mỗi ngày. Trong gần 20 ngày tháng 10, doanh thu bình quân mỗi ngày khoảng 21 tỷ đồng. Điều này cho phép doanh nghiệp kỳ vọng có kết quả kinh doanh tốt hơn quý 4.

Tương tự, Dệt may Thành Công cũng cho biết đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1/2022. Thời điểm hiện tại, công ty đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 mang lại doanh thu và lợi nhuận cho công ty trong thời gian tới.