Những vấn đề về sở hữu trí tuệ khi thiết kế và xây dựng trang web công ty

Hường Hoàng - 09:06, 29/07/2022

TheLEADERMột trong số những yếu tố cơ bản của thương mại điện tử là thiết kế và chức năng của trang web. Khi thiết kế và xây dựng trang web, điều đầu tiên doanh nghiệp cần phải lưu ý là liệu doanh nghiệp này có sở hữu nội dung, hình thức trình bày và những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trên trang web hay không. Nhưng đây chưa phải là vấn đề quan trọng nhất.

Những vấn đề về sở hữu trí tuệ khi thiết kế và xây dựng trang web công ty
Hoạt động xây dựng và thiết kế website tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (Ảnh: GoLegal)

Khi thiết kế website, điều đầu tiên doanh nghiệp phải biết đó là họ đang sở hữu gì, được sử dụng những quyền nào, những điều doanh nghiệp không sở hữu và không có quyền sử dụng. Nếu doanh nghiệp thuê công ty tư vấn hoặc chuyên gia để thiết kế trang web, hãy kiểm tra các điều khoản liên quan đến những quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng. Ai sẽ sở hữu thiết kế và nội dung trong web? Hãy kiểm tra chính xác nghĩa vụ của công ty và phải đảm bảo rằng trong quá trình vận hành trang web, doanh nghiệp không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ bên thứ ba nào.

Nếu bạn đang sử dụng cơ sở dữ liệu, phần mềm, công cụ tra cứu hoặc các công cụ kỹ thuật của Internet được li-xăng từ một công ty khác, hãy kiểm tra những điều khoản của hợp đồng li-xăng để xem ai sẽ sở hữu hệ thống, liệu doanh nghiệp có được phép thực hiện những sửa đổi đối với hệ thống đó hay không và ai sẽ sở hữu những sửa đổi đó. Phải bảo đảm rằng giữa hai bên có hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng này phải được luật sư của doanh nghiệp kiểm tra kỹ trước khi ký, cũng như trước khi bắt đầu thiết kế, sửa đổi hoặc xây dựng trang web.

Doanh nghiệp cần có giấy phép bằng văn bản (còn được gọi là hợp đồng li-xăng, giấy phép hoặc thỏa thuận) để sử dụng hình ảnh, video, bản nhạc, âm thanh, tác phẩm nghệ thuật hoặc phần mềm bất kỳ... thuộc quyền sở hữu của người khác. Sở dĩ như vậy là vì những nội dung này có mặt trên Internet không có nghĩa là chúng thuộc về sở hữu công cộng. Doanh nghiệp có thể sẽ phải trả tiền để được phép sử dụng những đối tượng nêu trên. 

Ở một số nước, doanh nghiệp cần phải liên hệ với hiệp hội quản lý tập thể hoặc hiệp hội của các nghệ sĩ để được cấp phép. Doanh nghiệp không được phép phát tán, đăng tải trên trang web của mình những nội dung hoặc bản nhạc bất kỳ không thuộc quyền sờ hữu của doanh nghiệp, trừ khi doanh nghiệp được chủ sở hữu cho phép bằng văn bản trong việc phân phối những đối tượng này qua Internet.

Các đường liên kết

Hãy cẩn thận khi liên kết với những trang web khác. Các liên kết là một công cụ thương mại điện tử có hiệu quả và là một dịch vụ hữu ích đối với khách hàng của doanh nghiệp, nhưng nhiều nước không có quy định rõ ràng về việc doanh nghiệp có thể sử dụng các liên kết theo cách thức và tình huống như thế nào. Cách an toàn nhất là doanh nghiệp nên đề nghị và có được sự cho phép từ các trang web khác trước khi thiết lập đường liên kết, đặc biệt là khi sử dụng ’’liên kết sâu“, nghĩa là liên kết đến một trang của một website khác mà trang đó không phải là trang chủ.

Xây dựng cấu trúc trang web

Xây dựng cấu trúc trang web là việc gây nhiều tranh cãi hơn cả việc sử dụng các liên kết. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sử dụng những bộ phận của các trang web khác để kết hợp và sử dụng như một phần trong trang web của mình. Doanh nghiệp luôn luôn phải có sự cho phép bằng văn bản trước khi thực hiện điều này.

Cách thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên trang web

Trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng nghe nói nhiều về việc phát tán trái phép nhạc, phim, ảnh, kịch bản và phần mềm (còn gọi là ’các nội dung’) trên Internet. Việc tải xuống trái phép thường vi phạm pháp luật về quyền tác giả quốc gia.

Bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ trên Internet là điều quan trọng. Việc này có thể được thực hiện theo nhiều cách. Doanh nghiệp luôn luôn phải xác định rõ ràng nội dung của mình là gì. Doanh nghiệp có thể sử dụng một thông báo hoặc một số chỉ dẫn đơn giản về quyền sở hữu để nói với người sử dụng rằng họ được phép hoặc không được phép làm gì với những nội dung của bạn. Không bao giờ được phát tán hoặc cho phép tải xuống những nội dung của bên thứ ba, không thuộc về doanh nghiệp và xây dựng các chương trình để đảm bảo rằng nhân viên của doanh nghiệp hiểu được chính sách của công ty về vấn đề này.

Vụ Napster ở Hoa Kỳ đã đặt ra một vấn đề quốc tế về việc tải xuống trái phép các tệp tin âm nhạc. Đây là vụ việc “đổ thêm dầu vào lửa’’ cho các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ trước đến giờ, dẫn đến việc tòa án ra phán quyết cấm Napster vận hành hệ thống chia nhỏ các tập tin vì Napster đã từng bị cáo buộc là hỗ trợ người sử dụng hệ thống sao chép trái phép chứ không phải là Napster chỉ sao chép cho chính công ty của mình. Những vụ việc diễn ra vẫn tiếp tục thử thách pháp luật về lĩnh vực này. Có thể trên thế giới có những vụ việc khác nhau xảy ra với kết quả khác nhau, do những hệ thống pháp luật khác nhau, nhưng bài học của Napster là rất quan trọng đối với các công ty thương mại điện tử để bảo đảm họ có chính sách rõ ràng tránh việc sao chép trái phép các tệp tin hay hành vi bất kỳ nhằm khuyến khích hoặc hỗ trợ việc sao chép trái phép.

Hơn nữa, một số công ty đang áp dụng những công cụ kỹ thuật để bảo vệ các nội dung trên Internet của mình như tạo hình mờ (watermarking), mã hóa (encrypting) hoặc tạo ra những hệ thống nhận dạng và theo dõi tự động. Những hiệp hội doanh nghiệp và các công ty tư nhân đang đề xuất các hệ thống quản lý quyền tác giả điện tử. Đây là những đối tượng xem hệ thống này như biện pháp sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm soát việc bên khác sử dụng các nội dung của họ.