Nỗ lực mở cửa thị trường của Trung Quốc có chăng là ‘vẽ’?

Lan Hương - 16:26, 26/12/2018

TheLEADERTrung Quốc mới đây đã công bố danh sách hạn chế đầu tư mới được đánh giá nới lỏng hơn so với phiên bản trước nhưng hiệu quả ra sao vẫn khá “mù mờ”.

Ủy ban Phát triển và Cải cách cùng Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đã phối hợp ban hành danh sách hạn chế đầu tư mới, đưa ra các lĩnh vực nhà đầu tư bị kiểm soát hoặc bị cấm hoàn toàn.

Danh sách này được áp dụng chủ yếu với các nhà đầu tư nước ngoài và trong một số trường hợp, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước, theo thông tin được đưa bởi Global Times.

Theo đó, 151 lĩnh vực sẽ bị cấm tham gia hoặc cần phải sở hữu giấy phép, giảm mạnh từ con số 177 trước đó.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra danh sách hạn chế ở cấp quốc gia, thể hiện cam kết đối với việc cải cách sâu rộng và tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp.

Danh sách được đưa ra giữa bối cảnh Bắc Kinh loay hoay duy trì tăng trưởng kinh tế khi những căng thẳng thương mại với Washington gia tăng và sự lo ngại ngày càng nhiều từ doanh nghiệp tư nhân đối với sự ủng hộ của Đảng Cộng sản với khu vực Nhà nước.

Tuy vậy, theo đánh giá từ South China Morning Post, phần lớn vẫn không có sự thay đổi quá nhiều so với phiên bản trước trong các lĩnh vực cấm cửa với tư nhân và nước ngoài, ví dụ như chế biến và phân phối muối ăn.

Trong một số lĩnh vực khác như sản xuất xe hay tài chính, việc tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải chịu quá trình phê duyệt kéo dài và phức tạp dù trước đó Bắc Kinh đã nâng mức sở hữu nước ngoài trong liên doanh.

Tháng trước tại Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh ủng hộ toàn cầu hóa, cam kết gia nhập thị trường dễ dàng hơn cho các công ty nước ngoài, SCMP dẫn tin.

Tuy vậy, không ít nhóm doanh nghiệp, bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đánh giá rằng lời hứa của Bắc Kinh không đủ sức thuyết phục về một thị trường công bằng và minh bạch.

Đầu năm 2013, Trung Quốc từng tìm cách thể hiện sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài khi cho phép Thượng Hải thành lập khu vực thương mại tự do đầu tiên.

Tuy nhiên động thái này sau đó đã thất bại trong việc thu hút các quỹ nước ngoài vì sự hạn chế chặt chẽ và quy trình phê duyệt cứng nhắc.