'Nỗi đau' của những thành phố không có dữ liệu

Việt Hưng - 08:53, 22/08/2022

TheLEADERKhông chỉ doanh nghiệp và người dân sẽ gặp khó khăn khi tìm hiểu, tra cứu thông tin, mà chính quyền cũng sẽ không kết nối được với các hệ thống thông tin, hoạt động chuyên ngành, nếu như không có dữ liệu.

Thực trạng từ số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, Việt Nam hiện có 10.600 tập dữ liệu mở, bằng 10% Australia, 0,75% châu Âu. Khi chưa có chiến lược quy hoạch dữ liệu, các tỉnh, thành phố sẽ đối diện với những "nỗi đau" lớn.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), nếu thiếu chiến lược quy hoạch, chuẩn hóa dữ liệu, chính quyền sẽ không kết nối được với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Từ đó, quá trình phân tích, khai thác dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện, cán bộ viên chức hầu hết phải nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm, ít sử dụng được nguồn dữ liệu cũ gây mất thời gian, khó quản lý, tra cứu.

Đồng thời, doanh nghiệp và người dân sẽ gặp khó khăn khi tìm hiểu, tra cứu thông tin. Nguồn thông tin công khai tản mát, không có nguồn chính thống, dẫn đến mất thời gian khi thực hiện dịch vụ công. Người dân và doanh nghiệp cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận đa dạng các dịch vụ thông minh.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA nhấn mạnh, chính quyền tỉnh, thành phố cần coi dữ liệu chính là sức mạnh. Khai thác dữ liệu triệt để sẽ là nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số.

'Nỗi đau' của những thành phố không có dữ liệu
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam

Dẫn chứng tại địa phương, Chủ tịch VINASA chia sẻ, Thừa Thiên Huế đứng trong top đầu cả nước về chuyển đổi số. Chính quyền tỉnh chú trọng và có đầu tư bài bản để xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế mới chỉ khai thác được 5% dữ liệu vì chưa ban hành chiến lược. Cổng thông tin mở có khá ít dữ liệu được đăng tải. Bên cạnh đó, dữ liệu tản mát, giảm hiệu quả khai thác và tái sử dụng. Tỉnh còn thiếu chuyên gia xây dựng mô hình để giải quyết các bài toán theo từng lĩnh vực.

Trước thực tế về quản lý dữ liệu tại Huế, Chủ tịch VINASA đề xuất giải pháp hiệu quả, tập trung mô hình gồm các bước: Quy hoạch, xây dựng, khai thác và chia sẻ dữ liệu.

"Để thực hiện được mô hình trên cần nguồn lực tài chính, con người, thể chế, pháp lý… Từ đó, dữ liệu được công nhận và sử dụng lâu dài", ông Nguyễn Văn Khoa nói.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ đi sâu hơn vào công tác chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa-di sản với mục tiêu nâng tầm các giá trị văn hóa-di sản, tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn, theo Hiệp hội VINASA, việc xây dựng chiến lược quy hoạch, khai thác và chia sẻ dữ liệu cần cơ chế, chính sách được ban hành, áp dụng và cập nhật thường xuyên.

Bên cạnh đó, Huế cũng cần thu thập từ nhiều nguồn, coi dữ liệu là tài nguyên mới, từ đó, đưa ra tiêu chuẩn cấu trúc thông tin, cách thức lưu trữ, chia sẻ hiệu quả. Và hơn hết, cần có hệ thống quản lý kho dữ liệu dùng chung.

Chiến lược dữ liệu đúng đắn đi kèm bài toán hành động cụ thể sẽ giúp chính quyền có nền tảng để quản trị, lưu trữ và đưa quyết định dựa trên dữ liệu. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi có thể thực hiện tất cả các thủ tục. Dữ liệu của người dân, tổ chức từng khai báo được kế thừa, khai thác.