"Ông lớn" bán lẻ Hàn Quốc và tham vọng 2.500 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam

Linh Lan - 08:05, 05/01/2018

TheLEADERGS25 Việt Nam, chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc, sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào ngày 19/1/2018, sau hai tháng trì hoãn.

"Ông lớn" bán lẻ Hàn Quốc và tham vọng 2.500 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam
Một cửa hàng GS25 tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Tháng 7 năm ngoái, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 là GS Retail đã ký thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Sơn Kim của Việt Nam với tham vọng mở 2.500 cửa hàng GS25 tại Việt Nam trong 10 năm tới.

Việt Nam sẽ là thị trường nước ngoài đầu tiên của GS Retail, sau khi ra mắt tại Việt Nam, GS Retail cũng có kế hoạch tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác.

Với tầng lớp dân số trẻ và mức chi tiêu gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, ngành bán lẻ Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Hiện nay, ngành bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm hai con số. Nếu như tổng mức bán lẻ năm 2010 chỉ mới đạt 88 tỷ USD thì năm 2016 đã đạt 158 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của nhiều hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD.

Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP với hơn 14%, kéo theo sự phát triển của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế; đồng thời dịch vụ bán lẻ cũng là một trong top 6 các ngành nghề thu hút vốn đầu tư lớn nhất.

Trong những năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi với mức tăng trưởng hàng năm 70%. Các tên tuổi đình đám có thể kể đến là chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Mini Stop hay Shop&Go.

Với sức ép cạnh tranh lớn như vậy, lý do nào khiến GS25 đặt ra mục tiêu lớn gấp 2,5 lần so với con 1.000 cửa hàng của chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới là 7-Eleven và tại sao đến tận bây giờ, 'ông lớn' này mới quyết định tham gia cuộc chơi tại thị trường ngoại?

Chọn mặt gửi vàng

Lý do thứ nhất phải kể đến đó là mối quan hệ hợp tác của GS Retail với Tập đoàn Sơn Kim. Không có gì khó hiểu khi tập đoàn Hàn Quốc lại chọn Sơn Kim làm đối tác nhượng quyền bởi đây chính là 'ông lớn' đứng đằng sau các thương vụ nhượng quyền đình đám trong ngành thời trang, đặc biệt là ở dòng sản phẩm đồ lót.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Sơn Kim có tới 4 công ty con, là Sơn Kim Fashion, liên doanh chuyên đồ lót Quadrille&Vera, nội thất SB Furniture và kênh bán hàng qua tivi VGS Shop. VGS Shop đang được phát sóng 24h trên 4 mạng cáp lớn HTVC, VTC, HCTV, IPTV và một số mạng cáp tỉnh.

Hiện nay, Sơn Kim là một nhà một nhà bán lẻ lớn với hơn 400 cửa hàng trên khắp Việt Nam và là nhà sản xuất gốc cho các thương hiệu đồ lót như Jockey, Vera, J.Buss và WOW.

Thêm một chuỗi cửa hàng tiện lợi gia nhập thị trường: Càng đông, liệu có càng vui?
Sơn Kim là đối tác nhượng quyền uy tín của nhiều hãng thời trang nổi tiếng. Ảnh: Sonkimmode.com

Trước khi hợp tác liên doanh với GS25, Sơn Kim Fashion (thuộc tập đoàn Sơn Kim) đã hợp tác với GS Home Shopping (công ty con của GS Group) trong mảng mua sắm tại nhà từ năm 2012. Bên cạnh đó, nội thất SB Furniture cũng là sản phẩm hợp tác giữa một liên doanh với GS Shop của Hàn Quốc.

Theo thoả thuận, GS Retail sẽ cung cấp kinh nghiệm quản lý, vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi và quyền sử dụng nhãn hiệu cho liên doanh. Ngược lại, liên doanh sẽ phải trả tiền bản quyền và lợi tức cho GS Retail tương ứng với 30% cổ phần nắm giữ.

Kinh nghiệm chinh chiến

Trước khi GS25 tham gia cuộc đua giành thị phần ở chính thị trường quê nhà, 'miếng bánh' bán lẻ tại Hàn Quốc đã từng bị hai ông lớn 7-Eleven và FamilyMart 'thống lĩnh'. 

Tuy nhiên, đến nay, với các chiến lược marketing hiệu quả và kế hoạch đa dạng hóa các loại sản phẩm, GS25 đã trở thành một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất, chiếm khoảng 30% thị trường bán lẻ tại Hàn Quốc.

Thêm một chuỗi cửa hàng tiện lợi gia nhập thị trường: Càng đông, liệu có càng vui? 1
Có mặt ở 12 quốc gia, chuỗi cửa hàng Watsons đã trở nên phổ biến trên khắp châu Á

Cũng phải nói thêm rằng, tập đoàn GS của Hàn Quốc hoạt động kinh doanh ở 3 lĩnh vực: Năng lượng, Thương mại - Bán lẻ và Xây dựng - Dịch vụ. 

Trong đó, chuỗi cửa hàng GS25 nằm trong công ty GS Retail thuộc mảng kinh doanh thứ hai Thương mại - Bán lẻ. 

Bên cạnh chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, GS Retail còn đang điều hành GS Supermarket (hệ thống siêu thị đảm bảo an toàn, thực phẩm tươi sống đến người tiêu dùng), Watsons (hệ thống cửa hàng mở rộng sự lựa chọn của người tiêu dùng về sức khoẻ và sắc đẹp) và Parnas Hotel (thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới).

Theo đó, những hệ thống này đều đang 'ăn nên làm gia' ở các thị trường họ đặt chân tới.

Chiến lược riêng biệt từ sức mạnh mềm

Tuy nhiên, ngoài hai lý do trên, không ai có thể chắc chắn chuỗi cửa hàng này sẽ thành công tại thị trường Việt, nếu họ không có những chiến lược thu hút khách hàng độc đáo.

Chiến lược thứ nhất mà GS25 hướng tới đó là thu hút khách hàng là người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Hàn Quốc đã và đang là nhà đầu tư trực tiếp lớn nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, số lượng các công ty đặt chi nhánh và cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, kéo theo mức tăng của số lượng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại đây.

GS25 kỳ vọng sẽ nhận được sự quan tâm của người Hàn Quốc tại Việt Nam khi chuỗi này bước chân vào thị trường.

Thêm một chuỗi cửa hàng tiện lợi gia nhập thị trường: Càng đông, liệu có càng vui? 2
Hình ảnh giới trẻ Việt Nam háo hức gặp thần tượng được ghi nhận tại trung tâm Hà Nội. Ảnh cắt từ clip chương trình.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng giới trẻ Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) qua các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Do vậy, khi gia nhập thị trường Việt Nam, đây chắc chắn sẽ là phân khúc khách hàng mà GS25 hướng đến.