Ông Trump ‘xoay người’, thiện chí giải quyết chiến tranh thương mại

Phương Mỹ - 18:04, 02/11/2018

TheLEADERSau nhiều căng thẳng leo thang và đàm phán bế tắc, phía Mỹ mới đây đã cho thấy dấu hiệu thiện chí đối với giải quyết đối đầu thương mại.

Ông Trump ‘xoay người’, thiện chí giải quyết chiến tranh thương mại
Những dấu hiệu tích cực đang dần hiện hữu giữa hai nhà lãnh đạo. Ảnh: Reuters/Damir Sagolj

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho thấy mong muốn đạt được được thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đã yêu cầu giới quan chức Mỹ bắt đầu soạn thảo các điều khoản có thể.

Thỏa thuận có thể với Trung Quốc đã được thúc đẩy thông qua cuộc điện thoại của ông Tập ngày hôm qua và sau đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã mô tả đó là cuộc hội thoại "dài và rất tốt".

"Một cuộc trò chuyện dài và rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình. Chúng tôi đã nói về nhiều chủ đề với sự nhận mạnh vào thương mại. Những sự thảo luận này đang diễn biến tốt đẹp với các cuộc gặp mặt tại G20", ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã yêu cầu các thư ký nội các chủ chốt soạn thảo một thỏa thuận tiềm năng, báo hiệu việc "ngừng bắn" trong cuộc xung đột thương mại đang leo thang thời gian gần đây, theo thông tin từ Bloomberg.

Lanhee Chen, một nhà nghiên cứu tại Hoover Institution nhận định rằng dòng tweet của vị tổng thống là một trong những tín hiệu cho thấy Washington thực sự hy họng giải quyết tranh chấp thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Tôi đang có xu hướng cho rằng vị tổng thống thực sự mong muốn có được thỏa thuận với Trung Quốc ở một số điểm", CNBC dẫn lời.

Những tranh chấp thương mại với Trung Quốc được ông Chen nhận định là "rào cản lớn nhất" đối với Mỹ vào năm tới, cho rằng ông Trump đang nhận ra việc rơi vào một vòng lặp hành động khi những lo ngại về nền kinh tế đang bắt đầu đè nặng lên tâm trí của vị tổng thống, theo CNBC.

Ngoài ra, vai trò của Nhà Trắng trong cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 lần này cũng là yếu tố cho thấy diễn biến tốt đẹp.

Tin tức đầy tích cực này đã khiến cổ phiếu tăng điểm tại Hồng Kông và Trung Quốc. Chỉ số Hang Seng tăng tới 4%, mức tăng lớn nhất kể từ 2015. Chỉ số Shanghai Composite tăng hơn 2%, tạo ra ngày tăng điểm thứ 4 liên tiếp và chuỗi ngày tăng dài nhất kể từ tháng 2, theo số liệu của Bloomberg.

Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo đã đạt được bước tiến gì nhằm tháo gỡ xung đột cũng như cách thức giải quyết yêu cầu giữa Washington và Bắc Kinh, CNBC đưa tin.

Vài tháng trở lại đây, đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất liên tục rơi vào bế tắc, đặc biệt sau khi 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị nâng thuế lên ngưỡng 10%. Mặc dù dự kiến sẽ có phái đoàn của Trung Quốc tới Washington đàm phán, kế hoạch này sau đó đã không diễn ra.

Washington yêu cầu Bắc Kinh cắt giảm thương hụt, chấm dứt hành động được xem là đánh cắp trí tuệ cũng như xóa bỏ chính sách trợ cấp đối với doanh nghiệp nội địa. Trong khi đó, Trung Quốc cho thấy rõ thái độ cứng rắn, không nhượng bộ.

Tính đến nay, 250 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đã bị nâng thuế quan lên mức 10-25% và con số đáp trả từ Bắc Kinh là 110 tỷ USD. Thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chưa cho thấy thêm động thái thương mại hướng đến Mỹ.

Các vòng thuế quan trước đây của Mỹ tập trung chủ yếu vào tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian nhưng vòng thuế cuối cùng, nếu diễn ra, sẽ tập trung nhiều vào những sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính, quần áo và giày dép, theo Reuters.