Phát triển nông nghiệp cần nhanh hay bền vững?

Phạm Sơn - 11:10, 23/11/2020

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp cần được đầu tư phát triển theo đúng vai trò trụ cột của nền kinh tế, tức là mang tính bền vững, chắc chắn chứ không cần phải nhanh như định hướng của Nhà nước.

Phát triển nông nghiệp cần nhanh hay bền vững?
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn nông nghiệp mùa thu 2020. Ảnh: VEPR.

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn của ngành nông nghiệp với các tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như các đợt thiên tai, bão lũ. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,84%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, các sản phẩm nông sản bị ảnh hưởng bởi chuỗi giá trị đứt gãy, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu tươi như trái cây, rau củ, thủy hải sản.

Nhận xét về ảnh hưởng của Covid-19 với ngành nông sản, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận định, thực chất chuỗi cung ứng nông sản trên thế giới đã có nguy cơ đứt gãy từ trước đó, do dịch bệnh và sâu hại trên vật nuôi, cây trồng.

Như vậy, vấn đề chuỗi cung ứng gián đoạn là không mới và Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp cũng như chính phủ xem xét lại, từ bỏ những yếu tố không phù hợp để tập trung vào những giá trị cốt lõi, hướng tới phát triển bền vững và lâu dài.

Cùng chung quan điểm với bà Lan, theo ông Anh, nền nông nghiệp Việt Nam trong suốt thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.

Cụ thể, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn manh mún, lạc hậu, ít tiếp cận với khoa học kỹ thuật và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng chưa cao.

Trong thời gian vừa qua, chính sách thúc đẩy mô hình hợp tác xã được chính phủ đẩy mạnh, tuy nhiên chỉ có 25% số hợp tác xã đạt chuẩn mô hình kiểu mới, tức là cung cấp dịch vụ đầu ra cho nông sản.

Tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sau thu hoạch chỉ đạt gần 10%, tạo ra rào cản về khả năng tiếp cận thị trường và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP), chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế.

Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ nhận được nhiều cơ hội đến từ sự biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), tuy nhiên đòi hỏi nỗ lực của chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc cải thiện nội lực ngành.

Ông Anh nhận định, trong thời gian tới, việc cần làm nhất là phải ổn định sản xuất và xây dựng các cơ chế phòng ngừa rủi ro để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, đảm đương vai trò trụ cột cho nền kinh tế.

“Định hướng của nhà nước là phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững nhưng nông nghiệp chỉ cần bền vững thôi”
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, ông Anh đề xuất cần tiếp tục có những chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên phải đề cao tính phù hợp và gắn liền với thực tiễn, đồng thời chuyển sang tiếp cận theo hướng sinh thái, kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa phụ phẩm, khai thác tối đa giá trị gia tăng.

Đồng quan điểm với ông Anh, PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM nhận xét, những rủi ro như đại dịch Covid-19 xảy ra hoàn toàn là do con người xâm phạm hệ sinh thái, do đó yếu tố bền vững cần được đặt lên hàng đầu để phòng ngừa rủi ro trong tương lai.

Ngoài ra, yếu tố chất lượng nông sản cũng cần được đẩy mạnh thông qua ứng dụng VietGAP trong sản xuất nông nghiệp. Ông Khải đề xuất có thể đưa tiêu chuẩn VietGAP trở thành yếu tố bắt buộc cho ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao không chỉ để hướng tới xuất khẩu mà còn phải chú trọng đến thị trường trong nước, để người dân trong nước cũng được sử dụng những thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với mức giá không quá đắt đỏ.

“Chúng ta chỉ chú ý làm nông sản an toàn cho xuất khẩu, trong khi phần lớn sản xuất phục vụ thị trường trong nước vẫn chưa áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, người dân mình vẫn bị đầu độc vì thực phẩm bẩn”, ông Khải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất một số biện pháp hỗ trợ người nông dân phục hồi sản xuất sau đại dịch cũng như sau mưa lũ, như hỗ trợ tiếp cận tài chính, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi.