Phép thử tiếp theo với năng lượng tái tạo Việt Nam

Duy Kiên - 09:59, 17/09/2019

TheLEADERSau chương trình điện mặt trời được đánh giá thành công, điện gió ngoài khơi sẽ là phép thử tiếp theo với Việt Nam khi lưới điện đáp ứng kịp yêu cầu.

Phép thử tiếp theo với năng lượng tái tạo Việt Nam
Giai đoạn tiếp theo của chương trình năng lượng tái tạo Việt Nam sẽ là điện gió.

Chương trình điện mặt trời của Việt Nam thời gian qua được nhận định đã vượt qua các kỳ vọng, mang lại kết quả tích cực dù trước đó, các chuyên gia khu vực đã cẩn trọng về việc liệu chương trình có đem lại đủ lợi ích cho các nhà tài trợ trước các rủi ro thị trường hay không.

“Cuối cùng, mọi sự nghi ngờ đã được chứng minh là sai lầm và theo dự báo, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ 4,46GW công suất điện mặt trời sạch và mới”, Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đánh giá trong báo cáo mới ra hôm nay.

Các nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo của Việt Nam nhờ sự kiên định trong công tác quản lý chương trình biểu giá mua bán năng lượng sạch hòa lưới (FiT) áp dụng cho điện mặt trời, đã được đền đáp bằng những thành tích ấn tượng về công suất năng lượng tái tạo.

Điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam khi các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với thách thức mới về môi trường và gây tổn hại về mặt kinh tế do những bước tiến nhanh chóng trong các giải pháp về năng lượng tái tạo tiết kiệm chi phí.

Bà Melissa Brown, tác giả của báo cáo, cố vấn tài chính năng lượng của IEEFA, cho biết chương trình điện mặt trời thành công của chính phủ Việt Nam là một điểm nhấn nổi bật giữa các thị trường năng lượng phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á.

“Việc hòa được vào lưới điện 4,46GW công suất điện mặt trời mới trong 2 năm là một thành tựu to lớn. Điều này thực sự khẳng định được những tham vọng về năng lượng tái tạo của chính phủ Việt Nam”, bà Brown cho biết.

Giai đoạn tiếp theo của chương trình năng lượng tái tạo Việt Nam sẽ là điện gió với tiềm năng gió ngoài khơi.

Theo bà Brown, thách thức hiện tại là ưu tiên các chương trình có thể cung cấp đúng loại công suất lưới điện để phục vụ các giải pháp năng lượng tái tạo.

Với việc nâng cao công suất truyền tải hiện có, các chương trình đấu giá công suất mới và ưu đãi giá để có công suất linh hoạt hơn có thể đáp ứng một phần lớn hơn nhu cầu điện năng của Việt Nam.

Các quan hệ đối tác mới giữa các nhà phát triển dự án trong và ngoài nước sẽ rất quan trọng đối với các dự án điện gió ngoài khơi vốn yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, bà Brown nhấn mạnh.

Theo báo cáo, các địa điểm gần bờ và ngoài khơi có tiềm năng lớn nhất đối với lĩnh vực điện gió và có thể được xây dựng gần các khu vực có nhu cầu điện năng lớn nhất, như TP.HCM.

Một vấn đề khác cần xem xét là liệu các ngân hàng và các nhà đầu tư toàn cầu có thể hợp tác để xây dựng các giải pháp tài chính phù hợp cho lĩnh vực điện gió Việt Nam.